Phấn đấu 3.600 người được điều trị Methadone

17:09, 22/12/2017

Đó là mục tiêu đến năm 2020 được Sở Y tế đặt ra tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ Đề án “Duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-” tổ chức ngày 22-12.

Chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tại tỉnh Thái Nguyên từ năm 2011. Đến năm 2015, HĐND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2015-2020” với mục tiêu chung: hạn chế lây nhiễm HIV và các bệnh lâu truyền qua đường máu khác như viêm gan B, C…, làm giảm nhu cầu sử dụng chất dạng thuốc phiện và các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thực hiện Đề án, đến nay, toàn tỉnh có 8 cơ sở điều trị và 14 cơ sở cấp phát thuốc Methadone. Tính đến hết tháng 11-2017, tổng số bệnh nhân tham gia điều trị Methadone là 2.530 người (đạt 84,3% kế hoạch). Nguyên nhân số bệnh nhân diều trị không đạt kế hoạch là do số trường hợp bỏ trị do: qua đời, bị bắt vì vi phạm pháp luật, di cư đến nơi khác… chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy vậy, kết quả khảo sát cho thấy, các bệnh nhân tham gia điều trị Methadone đều có sức khỏe ổn định, có ý thức tham gia đầy đủ trong quá trình điều trị, đa phần đã đoạn tuyệt hoàn toàn với ma túy, ổn định cuộc sống.

Tuy vậy, việc thực hiện Đề án vẫn còn một số khó khăn liên quan đến: cơ sở vật chất không đảm bảo cho điều trị; chế độ làm việc, lương cho cán bộ làm việc tại các cơ sở điều trị, cơ sở cấp phát còn hấp; quá tải bệnh nhân tại một số cơ sở…

Từ nay đến năm 2002, toàn tỉnh phấn đấu có 3.600 bệnh nhân điều trị Methadone, nâng cấp và mở thêm 5 cơ sở điều trị và 7 cơ sở cấp phát thuốc. Qua đó, nhằm duy trì và mở rộng chương trình điều trị thay thế nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, giảm số người nghiện ma túy, hạn chế có trường hợp nhiễm HIV, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.