Phòng bệnh trong những ngày giá rét

11:05, 16/12/2017

Những ngày này, thời tiết đang chuyển lạnh gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe người dân. Đặc biệt, đợt rét đậm được dự báo vào cuối tuần với cường độ mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay có khả năng khiến số lượng bệnh nhân phải nhập viện tăng nhanh do nhiệt độ xuống thấp đột ngột. Theo khuyến cáo của các bác sĩ, người dân cần chú trọng hơn nữa việc phòng bệnh trong những ngày giá rét, đặc biệt là với người già và trẻ em.

Bác sĩ Hà Văn Rã, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Võ Nhai thông tin: Giai đoạn này, trung bình mỗi ngày Bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho khoảng 70-80 bệnh nhân. Tuy số lượng bệnh nhân không tăng so với thường ngày nhưng theo ghi nhận của các bác sĩ, số người mắc bệnh về hô hấp có xu hướng tăng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ còn rất yếu. Thêm nữa, do địa hình nhiều đồi núi cũng như thói quen sinh hoạt của đồng bào vùng cao cũng dễ khiến cho trẻ bị nhiễm lạnh.

Còn tại Bệnh viện A Thái Nguyên, Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Yến, Trưởng khoa Nhi cho biết: Theo thống kê, từ đầu mùa đông đến nay, trung bình mỗi ngày Khoa tiếp nhận từ 160-170 bệnh nhi, trong đó có khoảng 50% mắc các bệnh liên quan đến hô hấp như cảm lạnh, viêm đường hô hấp, sốt cao và có biến chứng viêm phổi. Những ngày tới, khi nhiệt độ xuống thấp, số bệnh nhi phải nhập viện có khả năng sẽ tăng cao...

Vào những ngày nhiệt độ xuống thấp, không chỉ trẻ em mà người già cũng là một trong những đối tượng dễ mắc bệnh. Những ngày này, tại Khoa Lão khoa - Bảo vệ sức khỏe, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, số lượng người cao tuổi nhập viện tăng khoảng 20% so với trước đó. Bác sĩ Phạm Thị Nhuận, Trưởng khoa chia sẻ: Các bệnh chủ yếu ở người cao tuổi liên quan đến thời tiết trở lạnh là viêm phế quản cấp, đau thắt ngực, tim mạch (bao gồm tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành...), tiểu đường và xương khớp. Đặc biệt, những năm gần đây, số bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm: đái tháo đường, huyết áp… tăng nhanh. Nhiều người cao tuổi nhập viện trong tình trạng có nhiều bệnh nặng cùng lúc như viêm phổi, viêm phế quản, xương khớp…

Để bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, bên cạnh việc duy trì chất lượng khám, chữa bệnh, các cơ sở y tế cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để giữ ấm cho bệnh nhân. Trao đổi với chúng tôi, Bác sĩ Tạ Văn Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Phú Bình cho biết: Bệnh viện đã tăng cường thêm chăn, đèn sưởi tại các phòng bệnh. Trước đó, hệ thống cửa, cửa sổ tại các phòng bệnh cũng đã được sửa chữa bảo đảm kín gió và thuận tiện cho bệnh nhân nội trú. Bệnh viện cũng đã phân công các bác sĩ tăng cường trực và làm thêm ngoài giờ để đáp ứng nhu cầu điều trị của bệnh nhân.

Đợt rét đậm này gần với thời điểm tiêm chủng hàng tháng tại các địa phương nên công tác vận động người dân đưa con đi tiêm chủng đầy đủ cũng được chú trọng. Thạc sĩ Hoàng Anh, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khuyến cáo: Phụ huynh cần đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ theo lịch của chương trình tiêm chủng mở rộng, không nên vì thời tiết lạnh giá để trẻ bị trì hoãn. Bởi khi không được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh đúng lịch sẽ có khoảng trống thời gian nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do không có miễn dịch bảo vệ như bệnh ho gà, sởi, bạch hầu, lao, viêm gan B, viêm não Nhật Bản. Khi đi tiêm chủng, trẻ phải được giữ ấm đúng cách, đi tất bảo đảm chân, tay đủ ấm, không bị gió lùa. Các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, đủ ấm cho trẻ đến tiêm phòng, có thể hoãn và chuyển lịch tiêm chủng sang ngày khác nếu nhiệt độ xuống quá thấp.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi nhiệt độ xuống thấp, người dân cần giữ ấm cơ thể, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, hạn chế ra ngoài khi nhiệt độ xuống quá thấp. Bên cạnh đó, cần ăn uống đủ chất, bảo đảm dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để nâng cao sức đề kháng, nên uống nước ấm, tránh ăn, uống những thức ăn, nước uống lấy trực tiếp từ tủ lạnh. Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, không ăn tiết canh, không sử dụng gia cầm, sản phẩm từ gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc để chế biến thực phẩm. Ngoài ra, hiện đang là mùa của dịch bệnh tay chân miệng, thủy đậu, cúm… nên mọi người, đặc biệt là trẻ em, cần tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bệnh. Bảo đảm vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, giữ ấm nhà cửa. Bảo đảm vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Và khi có các dấu hiệu nghi bị bệnh, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử lý kịp thời.