Sát cánh cùng lao động nông thôn

08:55, 28/12/2017

Là một trong những cơ sở dẫn đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh, 5 năm qua (2013 đến 2017), Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên đã tuyển sinh và đào tạo được trên 5,6 nghìn lao động nông thôn. Quan trọng hơn đó là tỷ lệ lao động sau đào tạo có việc làm và thu nhập ổn định đạt trên 90%.

Được thành lập năm 2009, Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực trên địa bàn các huyện, thành, thị phía Nam của tỉnh. Mỗi năm, Nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo cho 1 nghìn lao động nông thôn với tỷ lệ lao động có việc làm sau tốt nghiệp đạt tối thiểu 80%.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Nhất, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên cho biết: Thực hiện mục tiêu nói trên, Nhà trường đã nhận được sự quan tâm của tỉnh về đầu tư hạ tầng, trang thiết bị hiện đại, nhân lực và kinh phí cho công tác đào tạo nghề. Cùng với đó, hàng năm, Nhà trường đều lên kế hoạch cụ thể để chuyển mạnh từ đào tạo các nghề theo năng lực sẵn có của đơn vị sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của lao động nông thôn và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với nhu cầu việc làm của xã hội; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương. Nhà trường cũng thường xuyên đổi mới công tác đào tạo nghề theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để lao động nông thôn tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề.

Chính vì thế, từ khi đi vào hoạt động, Nhà trường đã đào tạo cho hàng nghìn lao động nông thôn; công tác đào tạo của Nhà trường hằng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu được giao. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 5-11-2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, chỉ tính riêng 5 năm từ năm 2013 đến 2017, Nhà trường đã tuyển sinh và đào tạo được trên 5,6 nghìn lao động nông thôn, đạt trên 104% kế hoạch được giao và chiếm trên 13% tổng số lao động nông thôn được đào tạo trên địa bàn toàn tỉnh. Theo thống kê của Nhà trường, trong quá trình học, 100% học viên của nhà trường bảo đảm kết quả học tập, rèn luyện trong đó có trên 60% học viên đạt kết quả khá, giỏi; có tới trên 90% lao động nông thôn sau đào tạo có việc làm phù hợp và thu nhập ổn định.

Anh Tạ Văn Khoảng, 17 tuổi, ở xóm Đại Tân, xã Tiên Phong (Phổ Yên) là một trong những lao động được học nghề mộc tại Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên. Sau khóa học tại Nhà trường năm 2016, anh Khoảng xin được việc làm tại một cơ sở sản xuất đồ mộc tư nhân cùng xóm với thu nhập gần 5 triệu đồng/tháng. Trao đổi với chúng tôi, anh Khoảng cho biết: Vì gia đình có ít đất nông nghiệp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên khóa học sơ cấp nghề rất phù hợp với tôi. Với công việc hiện tại, tôi vẫn có thể tranh thủ giúp gia đình làm nông nghiệp sau giờ làm mà vẫn bảo đảm thu nhập. Còn ông Tạ Văn Thái, 51 tuổi, chủ cơ sở sản xuất đồ mộc anh Khoảng đang làm việc đánh giá cao chất lượng dạy nghề của Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên: Cơ sở của tôi hiện có 5 lao động trẻ, đều tốt nghiệp các khóa đào tạo nghề mộc tại Trường Trung cấp nghề Nam Thái Nguyên như anh Khoảng. Số lao động này hiện đã thành thạo nghề qua đó giúp cơ sở ổn định sản xuất đem lại doanh thu trên 100 triệu đồng/tháng và thu nhập bình quân gần 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Duy Nhất, cho biết thêm: Để bảo đảm hiệu quả đào tạo, Nhà trường luôn gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho người lao động. Vì vậy, hầu hết học viên của Nhà trường đều được nhận vào làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoặc tự mình thành lập nên các cơ sở sản xuất, thu hút việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp. Riêng đối với các nghề nông nghiệp như: nuôi và phòng trị bệnh cho gà, sử dụng thuốc thú y trong chăn nuôi, trồng rau an toàn… học viên sau đào tạo đều tạo việc làm tại gia đình hoặc tham gia hợp tác trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng tốt nhu cầu của địa phương đặc biệt là nhu cầu về nguồn nhân lực thành thạo nghề cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh.