Nằm trong số 21 tỉnh còn nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, nhất là ở những nơi vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, nên từ năm 2016, Thái Nguyên được lựa chọn để thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Những địa phương được thụ hưởng Chương trình này là Phú Lương, Đồng Hỷ, Đại Từ và T.X Phổ Yên.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, tỷ lệ số người dân nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã tăng lên 85% (trong đó 60% sử dụng nước đạt quy chuẩn QCVN02/BYT); 65% hộ gia đình có chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; 90% số trường học sử dụng nước sạch và có nhà tiêu hợp vệ sinh. Đây là một trong những lý do Thái Nguyên tiếp tục được chọn thực hiện Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”. Chương trình có mục tiêu chủ yếu là cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững tới nước sạch và vệ sinh nông thôn thuộc các xã trên địa bàn, góp phần thực hiện tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới. Đối tượng thụ hưởng từ Chương trình chủ yếu dân cư nông thôn, phụ nữ, trẻ em khu vực có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; học sinh các cấp, trạm y tế xã; đội ngũ cán bộ, tuyên truyền viên liên quan đến cấp nước, vệ sinh môi trường...
Theo kế hoạch đặt ra của chương trình, tỷ lệ số người dân nông thôn có nước sinh hoạt hợp vệ sinh của tỉnh ta đến năm 2020 sẽ đạt 95% (trong đó 70% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế); 75% hộ dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trường học và trạm y tế có nhà tiêu hợp vệ sinh và công trình nước sạch; số đầu đấu nối cấp nước tăng thêm 14.515 (số người hưởng lợi từ cấp nước khoảng 56.608 người), 35 xã đạt vệ sinh toàn xã; số nhà tiêu gia đình được cải tạo và xây mới 5.150 hộ. Cùng với đó, sẽ có 77 công trình nước sạch, vệ sinh trường học được cải tạo và xây mới; số công trình của trạm y tế là 48. Hiệu quả kinh tế mà chương trình sẽ đem lại sẽ giảm chi phí sử dụng nước và góp phần cải thiện điều kiện kinh tế - xã hội. Việc người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện sẽ làm giảm tình trạng bệnh tật trong khu dân cư, đặc biệt là các bệnh liên quan đến nguồn nước và vệ sinh như tiêu chảy, lỵ, sốt rét, tả, phụ khoa… và một số bệnh thường gặp nhất đối với trẻ em, phụ nữ, giảm chi phí khám chữa bệnh cho gia đình và xã hội, tăng cường sức khoẻ người dân. Hiệu quả xã hội mà chương trình cũng góp phần nâng cao nếp sống văn hoá, văn minh, nâng cao ý thức giữ gìn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là vùng miền núi, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Hạn chế sự chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và đô thị, giữa các vùng nông thôn, góp phần hạn chế sự di dân ồ ạt vào đô thị và di cư tự do ở các vùng khan hiếm nước.
Theo thống kê, hiện trên địa bàn nông thôn của tỉnh ta nay có 221 công trình nước sinh hoạt tập trung; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sinh hoạt đảm bảo vệ sinh là 87,3%. Trong khi đó, tỷ lệ này trong các trường học là 98,1% và trạm y tế là 100%. Tính riêng trong năm 2017, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã chuẩn bị các điều kiện và hoàn tất thủ tục để khởi công 3 tiểu dự án xây mới gồm: Công trình cấp nước sinh hoạt xã Tức Tranh, Cổ Lũng (Phú Lương), xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) và nâng cấp, ở rộng công trình cấp nước xã Hòa Bình (Đồng Hỷ). Đồng thời thực hiện các lớp truyền thông nhằm nâng cao hiểu biết và năng lực quản lý các công trình cấp nước. Theo dự kiến, năm 2018 tỉnh Thái Nguyên sẽ khởi công xây dựng 8 công trình và sửa chữa 9 công trình cấp nước sạch xuống cấp. Mục tiêu là sẽ đấu nối mới cho 2.356 hộ dân được dùng nước sạch. Tổng kinh phí xây mới và sửa chữa các công trình là hơn 115 tỷ đồng.
Việc triển khai Chương trình có ý nghĩa rất lớn về mặt kinh tế - xã hội, cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của người dân nên các cấp, ngành liên quan và địa phương nằm trong danh sách thụ hưởng dự án trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực thực hiện các hợp phần, sử dụng nguồn vốn đầu tư sao cho phát huy hiệu quả cao nhất.