Truyền thông, nâng cao kiến thức về nước sạch, vệ sinh môi trường

16:09, 22/12/2017

Thời gian qua, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) đã duy trì các hoạt động thông tin tuyên truyền về nước sạch và vệ sinh môi trường với nhiều hình thức đa dạng. Qua đó giúp người dân có thêm kiến thức về nước sạch để bảo đảm sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Theo thống kê, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn hiện quản lý 23 nhà máy, công trình nước sạch trên địa bàn tỉnh. Đây đều là những công trình đang hoạt động hiệu quả, đóng góp quan trọng vào công tác an sinh xã hội, nhất là khu vực nông thôn. Cùng với duy trì, đảm bảo chất lượng nguồn nước, Trung tâm đặc biệt quan tâm công tác truyền thông nhằm cung cấp những nội dung cơ bản liên quan đến việc khai thác sản xuất, sử dụng nước sinh hoạt; môi trường và mô hình xử lý chất thải chăn nuôi bằng công nghệ khí sinh học. Điều này đã từng bước khiến thay đổi nhận thức về sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường của người dân. Theo chiều ngược lại, cơ quan quản lý hiểu được nhu cầu của người dân để tư vấn, khuyến cáo về nước sạch, vệ sinh môi trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng đời sống nông thôn…

Đặc biệt, triển khi Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, Trung tâm đã tổ chức 9 lớp tập huấn tại các xã được thụ hưởng gồm: Đông Cao (T.X Phổ Yên), Hà Thượng, Tân Thái (Đại Từ); Động Đạt, Yên Trạch, Phấn Mễ, Tức Tranh, Cổ Lũng (Phú Lương) và Hòa Bình (Đồng Hỷ).

Ông Nguyễn Văn Toan, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) đánh giá: Nội dung chương trình tập huấn rất thiết thực và phù hợp với nhu cầu của người dân. Ở Đông Cao hiện có trên 90% người dân đang sử dụng nước giếng khoan, còn lại là giếng khơi. Kết quả kiểm tra cho thấy chất lượng nguồn nước chưa thật sự đảm bảo. Ngoài ra còn tình trạng ô nhiễm môi trường tại kênh thủy lợi chạy qua địa bàn do người dân phía thượng nguồn vứt rác thải và xác động vật chết bừa bãi. Trong 2 ngày, đội ngũ cán bộ chủ chốt của xã và các xóm được hướng dẫn những phương pháp để cải thiện nguồn nước sinh hoạt. Bảo vệ môi trường sống bằng việc thu gom rác thải sinh hoạt và khơi thông dòng chảy. Ngay sau khi tập huấn, chúng tôi đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ ở các xóm tổ chức triển khai đến toàn dân. Đối với dự án cấp nước sinh hoạt tập trung dự kiến sẽ xây dựng trên địa bàn xã, bà con nhân dân đều rất phấn khởi và hưởng ứng. Hiện đã có khoảng 70% số hộ đăng ký sử dụng nước khi nhà máy đi vào hoạt động.

Tại lớp tập huấn tổ chức ở trụ sở UBND xã Động Đạt (Phú Lương) chúng tôi nhận thấy đa số học viên đều ý thức được vai trò, sự cần thiết của nước sạch đối với đời sống. Nhân dân rất phấn khởi khi địa phương mình được chọn để triển khai dự án. Cán bộ của Trung tâm đã giúp cho người dân nhận thức được vai trò của nước đối với đời sống, tác hại của việc sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, một số bệnh liên quan đến nước bị ô nhiễm, biện pháp xử lý nước và trữ nước an toàn tại hộ gia đình..., từ đó, cho thấy tính cấp thiết cần triển khai xây dựng các công trình cấp nước tập trung tại các vùng nông thôn. Nội dung cụ thể của dự án cũng được đưa ra trao đổi công khai tại hội nghị để dân biết, dân bàn. “Với địa phương có hầu hết người dân sử nước giếng khơi thì những kiến thức tự bảo vệ nguồn nước của gia đình rất quan trọng” - ông Mai Văn Hải, Trưởng xóm Ao Sen, xã Động Đạt (Phú Lương) đánh giá. Ngay sau khi tập huấn, xóm Ao Sen đã phát động tất cả bà con mỗi tháng một lần tổ chức phát dọn và thu gom rác thải để đảm bảo vệ sinh.

Với quy mô 50 học viên, các lớp tập huấn không chỉ cung cấp thông tin cơ bản về Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, chính sách hỗ trợ mà còn là kiến thực cơ bản và kỹ năng năng bảo vệ nguồn nước, vệ sinh môi trường. Cùng với đó là việc tổ chức thảo luận nhóm về hiện trạng nước sạch và vệ sinh môi trường ở địa phương; các điểm nóng về môi trường; điểm đổ rác thải sinh hoạt tự phát gây ô nhiễm… từ đó đề xuất những giải pháp khắc phục.

Theo đánh giá, các chương trình truyền thông và tập huấn đã từng bước nâng cao nhận thức của cộng đồng trong bảo vệ môi trương, nguồn nước; bảo vệ công trình cấp nước và quản lý sử dụng công trình nước tập trung có hiệu quả, bền vững. Xác định công tác thông tin - giáo dục - truyền thông có vai trò cực kỳ quan trọng, bởi khi người dân đã nhận thức được vấn đề thì họ sẽ tự nguyện tham gia và chỉ khi có sự tham gia của người dân thì chương trình mới thành công. Do vậy, đây sẽ tiếp tục là nhiệm vụ mà Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tập trung thực hiện trong thời gian tới.