Ấm áp nhà đại đoàn kết

10:19, 11/01/2018

Nhìn màn trời đầy mưa lạnh, bà Vi Thị Vạn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đồng Hỷ thở phào: May quá, các hộ được hỗ trợ tiền làm nhà trong năm 2017 của huyện đã chuyển vào ở trong nhà mới. Dù trong những ngôi nhà ấy còn thiếu thốn những vật dụng cần thiết cho cuộc sống, nhưng mỗi cảnh nghèo thực sự được an cư, tự tin vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình.

Dù không muốn, song có nhiều lý do để “người ta” phải nghèo. Bà Lý thị Sen, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Hóa Trung nói đúc kết về nguyên nhân nghèo, do: Trong nhà thường xuyên có người bị đau ốm; thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư và thiếu kinh nghiệm sản xuất. Để minh chứng lời mình nói, bà đưa chúng tôi theo con đường bầm dập sỏi đá vào cuối một ngõ nhỏ của xóm La Thông, thăm gia đình bà Lưu Thị Sinh. Vì trời mưa, nên đường bị cày xới, bùn đất trơn nhềnh nhệch. Chúng tôi “cố bơi” bằng xe máy để không bị trượt ngã. Vậy mà vào đến nơi, nhà bà Sinh đã khá đông bà con đến chia vui. Bà Sinh kể: Nhờ được Quỹ Vì người nghèo hỗ trợ; nhờ bà con chòm xóm giúp đỡ, nên mẹ con tôi mới hết cảnh ở nhà dột, tường nát. Có nhà mới, mẹ con tôi mỗi tối đều có giấc ngủ ngon.

Chồng bà Sinh mắc bệnh hiểm nghèo, đau ốm triền miên và mất vào tháng 1-2017. Ông để lại cho bà sinh 2 con nhỏ và một ngôi nhà lụp xụp ngoài cửa rừng. Cảm thương, ông Hoàng Văn Thang, Trưởng Ban công tác mặt trận và đại diện các hội, đoàn thể xóm đến nhà, vận động mẹ con bà Sinh dời rừng ra xóm. Ông Phùng Văn Kiên (chú ruột) cho biết: Việc nhà Sinh thì cả huyện, cả xã cùng lo. Cụ thể là Quỹ huyện, xã, Hội Chữ thập đỏ; Hội Liên hiệp Phụ nữ xã hỗ trợ tổng cộng 24,2 triệu đồng. Đặc biệt là chính quyền địa phương còn chủ động làm giấy chuyển đổi mục đích sử dụng đất (từ đất vườn tạp sang đất thổ cư) cho bà Sinh có cơ sở pháp lý xây nhà. Trong suốt thời gian thi công, bà con chòm xóm thường xuyên qua lại, thăm nom giúp đỡ. Đến tháng 1-2018, ngôi nhà rộng 60m2 được xây dựng hoàn thành.

Bà Sinh là 1 trong 20 hộ nghèo ở huyện Đồng Hỷ được các nguồn quỹ khác nhau hỗ trợ tiền làm nhà vào năm 2017, trong đó có 10 hộ được Quỹ cấp huyện hỗ trợ 20 triệu đồng/nhà. Hai hộ được Chương trình thắp sáng ước mơ của tỉnh hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà. Ngoài ra, Quỹ huyện còn tham gia hỗ trợ làm 2 nhà “Mái ấm tình thương”, 6 nhà “Mái ấm công đoàn”, “Nhân ái”, “Khăn quàng đỏ”, “Tình bạn” và 1 nhà cho hội viên cao tuổi nghèo, với tổng số tiền hỗ trợ từ Quỹ là 347 triệu đồng. Chuyện làm nhà đại đoàn kết, bà Nông Thị Thách, xóm Đèo Khế (Khe Mo) cho biết: Tôi nghèo vì tuổi cao, có con gái bị mù. 7 năm trước, tôi cho con đi học nghề tẩm quất ở thành phố, được ít tháng thì cháu về nhà với cái bụng lùm lùm. Giận lắm, năm 2012 tôi có cháu ngoại. Cùng may cháu có đôi mắt lành lặn. Cảnh mẹ già, con mù, cháu còn nhỏ dại, nếu không được mọi người trong xã hội quan tâm, suốt đời bà, đời con, đời cháu sẽ không bao giờ có ngôi nhà xây rộng 65m2 chắc chắn để ở.

Câu chuyện của bà Thách làm tôi nghẹn lòng, nén giấu nước mắt trên dọc đường đến với những cảnh nghèo mới được chuyển vào ở trong nhà mới. Đến xóm Lân Tây (Quang Sơn), vào thăm ngôi nhà mới xây của bà Hứa Thị Hương, Nhà được Chương trình “Thắp sáng ước mơ” hỗ trợ 50 triệu đồng. Bà Hương kể: Chương trình “Thắp sáng ước mơ” đã hỗ trợ cho mẹ con tôi số tiền 50 triệu đồng. Cùng với tiền tích lũy của bản thân, chòm xóm cho vay thêm không lấy lãi, mẹ con tôi đã xây được nhà ở. Tôi sẽ cố gắng vươn lên trong lao động sản xuất, sớm thoát khỏi danh sách hộ nghèo của xã.

Chúng tôi biết: Bà Hương và hầu hết các hộ nghèo ở huyện Đồng Hỷ được hỗ trợ tiền làm nhà đều có chung một lời hứa sẽ cố gắng vươn lên. Các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương cũng tích cực vào cuộc, tạo cho hộ nghèo cơ hội thoát nghèo thông qua các hoạt động tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất; tín chấp với Ngân hàng chính sách xã hội cho vay vốn; kinh nghiệm quản lý, sử dụng vốn vay hiệu quả… Nhờ đó, nhiều hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã từng bước thoát khỏi danh sách hộ nghèo, điển hình như gia đình bà Phạm Thị Thủy, xóm La Thông, được Quỹ hỗ trợ tiền làm nhà từ năm 2006, đến nay gia đình bà đã có cuộc sống kinh tế ổn định. Rồi khi đến xóm Gốc Thị (Nam Hòa), thăm nhà đại đoàn kết của gia đình ông Hoàng Văn Thanh; lên xóm người Mông Lân Quan (Tân Long) thăm nhà đại đoàn kết của gia đình ông Hoàng Văn Dén, và gia đình ông Ngô Văn Lý. Đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp một cử chỉ thân thiện, niềm nở. Và dù chẳng ai bảo ai, nhưng ông Thanh, ông Dén, ông Lý… đều có chung lời biểu cảm: Chúng tôi đang ở trong ngôi nhà được xây dựng bằng tình nghĩa con người. Và tình người làm lòng chúng tôi ấm áp, quyết tâm hơn để vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ đây, ước mơ thoát nghèo của những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như chúng tôi mới thực sự có cơ sở thực hiện.

Để tiền hỗ trợ được thực hiện đúng đối tượng, Ủy ban MTTQ các cấp phối hợp cùng chính quyền địa phương, bắt đầu bằng việc bình xét hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở từng xóm, thị trấn. Mọi thủ tục được thực hiện đúng quy trình, đúng đối tượng, dân chủ, công khai minh bạch, tạo dư luận tốt trong nhân dân về việc sử dụng Quỹ. Đây là một trong những nguyên nhân để người dân tham gia đóng góp quỹ tích cực. Bà Vạn cho biết thêm: Năm 2017, toàn huyện đã vận động cán bộ, nhân dân, các nhà hảo tâm ủng hộ được hơn 398 triệu đồng, trong đó Quỹ cấp huyện hơn 271 triệu đồng; Quỹ cấp xã gần 127 triệu đồng. Toàn bộ tiền Quỹ được sử dụng đúng mục đích, tức là mang đến cho người nghèo thông qua các hình thức hỗ trợ, như: Xây dựng nhà ở; hỗ trợ vốn sản xuất; khám chữa bệnh; thăm hỏi, tặng quà và hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.

Chúng tôi tin, mỗi ngôi nhà đại đoàn kết được làm cho người nghèo, đồng nghĩa với việc mở ra cho mỗi người một cơ hội lớn, có tên gọi “An cư lạc nghiệp”.