Cần thay đổi thói quen sử dụng tiền lẻ khi đi lễ

07:28, 31/01/2018

Cứ đến dịp giáp Tết Nguyên đán là nhu cầu về tiền lẻ, tiền mới lại tăng đột biến. Bên cạnh việc mua bán, trao đổi hàng hóa và thực hiện các giao dịch liên quan vào dịp này tăng cao thì thói quen giữ tiền lẻ để đi lễ được cho là nguyên nhân chính khiến loại tiền có mệnh giá nhỏ trở nên khan hiếm. Thực tế này đang rất cần sự thay đổi ở mỗi người…

Bà Nông Thị Miền, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Chi nhánh huyện Phú Bình chia sẻ: Chưa năm nào, loại tiền mệnh giá nhỏ lại khan hiếm như năm nay. Những năm trước, chúng tôi vẫn được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tỉnh cấp tiền lẻ cả trong tháng Tết (dù là tiền cũ) để trả cho khách hàng nhưng năm nay, đã mấy tháng rồi, chúng tôi không được cấp. Vì thế, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả lại tiền cho khách. Nêu trả thiếu cho khách 1.000- 2.000 đồng thì rất dễ khiến người dân nghĩ cán bộ ngân hàng bớt xén của khách hàng.. Chỉ tính riêng nhu cầu tiêu dùng thông thường dịp này của khách đã tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường, vì thế nhu cầu về tiền lẻ cũng có tỷ lệ tăng tương ứng. Đó là chưa kể đến việc người dân tích tiền lẻ để dùng những ngày Tết.

Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh: Mặc dù 2 năm trở lại đây, việc sử dụng tiền lẻ (bao gồm: 100, 200, 500, 1.000, 2.000 và 5.000 đồng) vào dịp lễ, Tết đã giảm đi khá nhiều - khoảng một nửa so với trước, nhưng so với ngày thường thì vẫn cao gấp hàng chục lần, trong khi đó chủ trương mà NHNN đưa ra trong những năm gần đây là không in thêm tiền lẻ vào dịp cuối năm để tiết kiệm cho ngân sách nhà nước (5 năm qua, tiết kiệm được khoảng gần 2,2 nghìn tỷ đồng), vì trên thực tế lượng tiền lẻ hiện có trong dân vẫn đủ đáp ứng nhu cầu chi trả của xã hội. Tuy nhiên, do sự tích trữ của người dân để đi lễ chùa vào dịp trước, trong và sau Tết đã khiến lượng tiền lẻ dịp Tết ngày càng trở nên khan hiếm. Sau Tết, lượng tiền lẻ lại được người dân ồ ạt tiêu ra, khiến việc tiếp nhận của nhiều ngân hàng khá vất vả, đặc biệt là những ngân hàng tiếp nhận tiền gửi của Ban quản lý các đền, chùa lớn.

Ông Đinh Văn Phượng, Chủ tịch UBND xã Tân Thành (Phú Bình) - địa phương có Cụm di tích Đình - Đền - Chùa Cầu Muối cho biết: Những năm gần đây, lượng du khách đến với Cụm di tích Cầu Muối ngày một đông. Vào mỗi dịp Tết, lượng tiền mà Cụm di tích thu được khoảng 70 bao tải, trong đó tiền có mệnh giá 1.000, 2.000 chiếm tới hơn nửa. Để đếm và phân loại được số lượng tờ tiền này, mỗi ngày, Ban Quản lý di tích phải huy động từ 30-50 người đếm tiền, với thời gian từ 7-8 giờ đồng hồ. Việc sử dụng quá nhiều tiền lẻ đi lễ không chỉ gây khó khăn trong việc kiểm, đếm mà còn gây khó khăn trong việc trông coi của Ban Quản lý di tích vì khi tiền lẻ đặt quá nhiều ở các ban, tiền sẽ rơi vãi xuống nền nhà, rất phản cảm và cũng dễ bị kẻ gian trộm cắp.  bởi thế, Ban quản lý phải thường xuyên cất gọn vào thùng, nhiều người có khi vừa đặt lễ xong đã bị dọn đi nên cảm thấy không thoải mái.

Là người đi lễ nhiều năm, bà Nguyễn Thị Nhật Anh, phường Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Trước đây, tôi cũng có thói quen đặt tiền lẻ ở tất cả các ban khi đi lễ, thậm chí còn kỳ công nhờ người quen đổi lấy những tờ tiền có màu đỏ như 200 hoặc 500 đồng. Mỗi ban tôi lại đặt 5-7 tờ… Có khi mỗi chùa, tôi đặt lễ tới cả trăm tờ, mà tổng số tiền cũng chỉ là 50.000 đến 100.000 đồng. Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, sau khi nghiên cứu nhiều sách nhà Phật và được các sư thầy giải thích, tôi hiểu rằng, việc đi và đặt lễ cốt ở cái tâm, nếu muốn thành tâm công đức để xây dựng nhà chùa thì chỉ cần đặt ở ban chính hoặc cho luôn vào hòm công đức.

Từ thực tế trên, mỗi người trong chúng ta cần thay đổi trong nhận thức và hành động khi đi lễ, nhất là trong việc đặt lễ. Chỉ nên đặt tiền ở ban chính vẫn đủ để chứng tỏ lòng thành, thể hiện nét văn minh, văn hóa. Đồng thời góp phần giúp hạn chế sự thiếu hụt không đáng có của loại tiền lẻ trong dịp Tết cũng như giúp tiết kiệm cho ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng trăm tỷ đồng.