Nhân rộng mô hình học tập cộng đồng theo hướng cần gì học nấy

09:59, 16/01/2018

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) hoạt động có hiệu quả sẽ là cơ sở vững chắc để xây dựng một xã hội học tập. Mô hình hoạt động ở thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) theo hướng đáp ứng nhu cầu người học đã thu hút ngày càng đa dạng đối tượng học.

Thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ) là một là một trong những địa phương có truyền thống về sản xuất chè nguyên liệu phục vụ công nghiệp chế biến và chè tiêu dùng truyền thống. Toàn thị trấn có hơn 3.000 nhân khẩu, trên 1.100 hộ gia đình, với 9 dân tộc anh em chung sống trong 11xóm. Thị trấn có trên 500ha đất trồng chè sản xuất và kinh doanh, hàng năm đạt giá trị trên 160 triệu đồng/ha. Nhờ cây chè, người dân không chỉ thoát nghèo mà tiến đến làm giàu, mức thu nhập bình quân đạt từ 2,5 triệu đồng/người/năm (năm 2015), đến nay đã nâng lên gần 3 triệu đồng. Đạt được những kết quả đó, có một phần quan trọng từ hoạt động hỗ trợ tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, thực hành sản xuất của Trung tâm HTCĐ.

Đồng chí Vũ Thị Thương Huyền, Phó Chủ tịch UBND thị trấn, Giám đốc Trung tâm HTCĐ thị trấn cho biết: “Do nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức của nhân dân, ban đầu chỉ là những lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất nông, lâm nghiệp, dần dần mật độ hoạt động tăng lên, nên phải có bộ máy điều hành, sắp xếp lịch hoạt động. Thời điểm đó đúng lúc địa phương bắt tay vào thực hiện Đề án Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 của Chính phủ, nên ra đời Trung tâm HTCĐ của thị trấn”.

Đặc thù là vùng sản xuất chè, nên hầu hết các hộ dân đều quan tâm đến thâm canh, tăng năng suất cây trồng, thông tin thị trường và giống, mới, cơ chế chính sách tín dụng, vật tư phân bón…Trung tâm HTCĐ đã bán sát các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tập hợp nhóm hộ, nhóm sở thích…để kết nối với các cơ quan chuyên môn của huyện, tỉnh mời các chuyên gia về trực tiếp truyền đạt, hướng dẫn. Chính cách làm này, từ năm 2015, đến nay, mỗi năm trung tâm tổ chức được từ 45-50 lớp học,tập huấn kiến thức từ hệ sơ cấp, trung cấp đến người dân.

Ông Nguyễn Đức Trọng, Trưởng làng nghề chia sẻ: “Thông qua Trung tâm HTCĐ, chúng tôi tổ chức các khóa học rất linh hoạt. Khi thì tại Nhà văn hóa, cũng có lúc tổ chức ngay tại đồi chè, để gắn học tập với thực hành. Với diện tích trên 70ha,  người dân trong xóm đều đã thực hiện tốt các quy trình từ trồng, chăm sóc đến thu hái, sao vò và lấy hương theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Khi sao chè không để lẫn nước, tránh chè bị dập búp không ngon. Khu bảo quản, chế biến chè của người dân hiện đều được xây dựng cách xa khu chăn nuôi... Nhờ tuân thủ đúng mà hiện nay giá bán sản phẩm chè đặc sản của xóm 9 tăng 150.000 đồng/kg (đầu năm 2016) thì hiện tại được 250.000 đồng/kg; chè giống Nhật có giá bán từ 300.000-400.000 đồng/kg”. Theo ông Vũ Hữu Giao, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Đồng Hỷ, là người sống tại thị trấn Sông Cầu: “Từ năm 2012 có Trung tâm HTCĐ, người dân được cập nhật kiến thức liên tục, chất lượng cuộc sống của nhân dân đã được nâng lên rõ rệt và đây trở thành điểm hẹn, nơi giao lưu, kết nối kiến thức phục vụ đời sống”.

Từ năm 2015 đến nay, trung tâm đã mở được gần 200 lớp và có khoảng 6.000, đến 7.000 lượt người học. Theo kinh nghiệm của ông Giám đốc Trung tâm HTCĐ Vũ Thị Thương Huyền, để Trung tâm hoạt động hiệu quả thì Trung tâm phải đáp ứng nhu cầu người dân là “cần gì học nấy”.  Bên cạnh các hoạt động tập huấn, học tập kiên thức sản xuất chè, Trung tâm HTCĐ còn là nơi cung cấp tài liệu học tập, với hệ thống 14 tủ sách, 3 thư viện được bố trí đến các cụm dân cư, Nhà văn hóa xóm và nhất là hệ thống mạng Internet luôn phục vụ tốt nên lúc nào cũng có người dân đến tìm hiểu và được cán bộ chuyên môn của thị trấn  trực tiếp hướng dẫn truy cập thông tin. Được biết, hiện nay 100% xã, thị trấn của huyện Đồng Hỷ đã có Trung tâm HTCĐ và duy trì tốt các hoạt động học tập. Từ năm 2010, đến nay, thông qua hoạt động của Trung tâm HTCĐ, toàn huyện đã tổ chức được gần 2.000 lớp học, với gần 100 nghìn lượt người dân tham gia, trong đó có gần 100 lớp tổ chức cho đối tường bổ túc văn hóa, xóa mù chữ.