Nhiều biện pháp tuyên truyền phòng cháy, chữa cháy

15:30, 15/01/2018

Khống chế “giặc lửa” trong các vụ cháy rất khó khăn, bị động và thường là hậu quả nặng nề vì khi lực lượng cảnh sát chữa cháy tới nơi tài sản đã bị thiêu huỷ. Nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát PCCC còn lại là cứu người và chống cháy lan rộng. Do vậy, trong năm 2017, Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông của tỉnh, chính quyền 9 địa phương tiếp tục tổ chức hiệu quả việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng ngừa“giặc lửa” ở cơ sở…

Thời gian qua, Cảnh sát PCCC tỉnh đã thực hiện cả hai biện pháp truyền thông gián tiếp và truyền thông trực tiếp nhằm nâng cao ý thức, kiến về PCCC cho nhân dân trên địa bàn. Về tuyên truyền gián tiếp, Cảnh sát PCCC tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với Báo Thái Nguyên, Đài Phát thanh - Truyền hình (PT-TH) tỉnh; Đài Truyền thanh - Truyền hình (TT-TH) 9 huyện, thành, thị xây dựng chuyên mục tuyên truyền về PCCC. Trong đó, các nội dung tuyên truyền, phản ánh được các cơ quan truyền thông của tỉnh bao quát từ phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác PCCC; Luật PCCC; hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ Công an; Kế hoạch triển khai nhiệm vụ này của UBND tỉnh; các biện pháp, giải pháp thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của Cảnh sát PCCC tỉnh; các đợt kiểm tra, tập huấn nghiệp vụ của Cảnh sát PCCC tỉnh; kinh nghiệm trong công tác PCCC của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; lên án các địa phương, đơn vị, cá nhân để xảy ra cháy do chủ quan, thiếu quan tâm đến công tác phòng cháy. Riêng Báo Thái Nguyên và Đài PT-TH tỉnh, trong năm 2017 đã thực hiện được gần 400 tác phẩm báo chí tuyên truyền về công tác PCCC. 9 đài TT-TH các địa phương đã tuyên truyền hàng trăm lượt tác phẩm về công tác PCCC qua mạng lưới loa truyền thanh.

Về truyền thông trực tiếp, lực lượng chuyên môn của Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức các đợt diễn tập phòng cháy, tổ chức hội nghị quán triệt văn bản pháp quy, hướng dẫn nhân dân sử dụng các thiết bị phòng cháy; xử lý nguồn điện khi xảy ra cháy…Từ các đợt diễn tập PCCC trực tiếp tại Công ty TNHH Samsung Electronic Thái Nguyên; khu chung cư Tiến Bộ; tổ dân phố số 11, 12 phường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên); tổ dân phố An Bình, phường Đồng Tiến (T.X Phổ Yên); thị trấn Đình Cả (Võ Nhai)… đã giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân ở cở sở hiểu biết về yêu cầu phòng cháy, kỹ năng chữa cháy.

Đồng chí Trần Nam Thái, Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ cho biết: Cấp uỷ, chính quyền phường đánh giá rất cao buổi diễn tập nghiệp vụ do Cánh sát PCCC tỉnh tổ chức tại địa phương. Qua đây nhân dân thấy được hậu quả nặng nề khi xảy ra cháy, trách nhiệm của từng người đối với công tác PCCC. Hơn nữa là những kiến thức, kỹ năng mà lực lượng PCCC chuyên nghiệp phổ biến, trang bị cho đội viên PCCC cơ sở, người dân vô cùng bổ ích, thiết thực. Ngoài việc tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại doanh nghiệp, khu dân cư, trong năm 2017, lực lượng chuyên môn của Cảnh sát PCCC tỉnh đã tổ chức được nhiều buổi phổ biến, trang bị kiến thức cho đội PCCC cơ sở tại các trường học trên địa bàn toàn tỉnh. Đây là cách làm sáng tạo vừa giúp các cơ sở giáo dục thực hiện hiệu quả công tác PCCC và học sinh khi được tuyên truyền, thực hiện kỹ năng PCCC tại trường sẽ là “thông tin viên” tuyên truyền, hướng dẫn các thành viên của gia đình mình.

Đại tá Nguyễn Văn Thực, Giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: Tuyên truyền để nâng cao nhận thức, kiến thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong PCCC là vô cùng cần thiết. Hậu quả của các vụ cháy rất nặng nề, khắc phục khó khăn nên phòng ngừa phải đi trước. Chúng tôi đánh giá cao tinh thần phối hợp, tính hiệu quả của các cơ quan thông tin đại chúng trong việc tuyên truyền về nhiệm vụ PCCC thời gian qua. Việc truyền thông trực tiếp hiệu quả rất cao nhưng lực lượng PCCC chuyên nghiệp còn ít, phải cần nhiều thời gian nữa mới có thể tổ chức diễn tập lần lượt tới các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học, khu dân cư nguy cơ cháy nổ trên phạm vi toàn tỉnh. Do vậy, thủ trưởng các đơn vị, địa phương, chủ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần chủ động, bám sát các văn bản chỉ đạo, kế hoạch của Trung ương, của tỉnh để tự tổ chức diễn tập phòng cháy; trang bị thiết bị chuyên dụng nhằm phòng ngừa cháy, nổ.

Mặc dù công tác PCCC trên địa bàn toàn tỉnh đã từng bước chuyên nghiệp, được quan tâm chỉ đạo, đầu tư nhưng số vụ cháy vẫn thường xuyên xảy ra. Chỉ trong năm 2017 đã xảy ra 78 vụ cháy, làm thương 01 người, thiệt hại khoảng 55 tỷ đồng và ngay những ngày đầu năm 2018 trên địa bàn tỉnh đã xảy vụ cháy nhỏ. Do vậy, công tác PCCC vẫn cần có sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa của cấp uỷ, chính quyền các cấp trong tỉnh; ý thức, trách nhiệm của toàn thể nhân dân trong công tác này.