Nhiều doanh nghiệp còn chủ quan, lơ là

09:17, 27/01/2018

Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh thì việc phòng cháy chữa cháy phải được ưu tiên trong các doanh nghiệp. Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi tại một số đơn vị trên địa bàn T.P Sông Công, vấn đề này chưa được chú trọng.

T.P Sông Công hiện có trên 300 doanh nghiệp (DN) đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo số liệu thống kê của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữ cháy (PCCC) số 2 (phường Cải Đan), năm 2017, trên địa bàn đã xảy ra 11 vụ cháy tại các DN, ước tính thiệt hại hàng tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy là do sự thiếu hiểu biết, ý thức chấp hành các quy định về PCCC của các tổ chức, tập thể, cá nhân chưa cao, còn chủ quan, lơ là đối với công tác này.  

Theo tìm hiểu của chúng tôi tại các DN đóng trên địa bàn T.P Sông Công, cơ bản các DN đã có đầy đủ giấy tờ, hồ sơ liên quan đến công tác PCCC; nội quy, quy định; tập huấn về PCCC cho cán bộ, nhân viên... Thế nhưng, một số trang thiết bị, hệ thống nước chữa cháy chưa được các đơn vị quan tâm, đầu tư. Đơn cử như ở Công ty CP Bao bì Sông Công (phường Phố Cò), là đơn vị sản xuất trên 10 triệu vỏ bao xi măng/năm để cung ứng cho Công ty Xi măng Quang Sơn. Qua quan sát xung quanh khu vực nhà xưởng, chúng tôi thấy Công ty chưa đầu tư xây dựng hệ thống nước chữa cháy mà mới chỉ có bình chữa cháy. Lý giải về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Công ty cho biết, Công ty vẫn chưa “nghiên cứu” hệ thống nước xử lý cháy nổ vì còn gặp khó khăn về tài chính. Hơn nữa, diện tích nhà xưởng và nhà kho có diện tích 1.700m2, đáng lẽ ra cần phải có 36 bình chữa cháy thì Công ty mới chỉ trang bị được 23 bình. Các sản phẩm phế liệu từ vỏ bao được cuộn lại và chất thành đống gần dây dẫn điện không đảm bảo.

Còn tại Công ty TNHH Kinh doanh Gas Bắc Thái (phường Lương Sơn), mặc dù kinh doanh mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ nhưng việc đầu tư các thiết bị PCCC của Công ty cũng chưa được quan tâm. Hằng ngày, số lượng bình gas được luân chuyển thường xuyên tại Công ty từ 300-500 bình các loại, số lượng gas tồn khoảng 30 tấn. Công ty đã trang bị 2 máy bơm chữa cháy, 3 trụ chữa cháy 2 cửa… và huấn luyện PCCC cho 10/15 người trong Công ty, nhưng khi được cán bộ Cảnh sát PCCC hỏi về cách sử dụng máy bơm thì công nhân của Công ty còn lúng túng.

Mặc dù không sản xuất mặt hàng dễ cháy nhưng các loại vỏ để đựng sản phẩm kìm tại Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh Trường Tín lại là những vật dụng dễ cháy. Khi xây dựng nhà xưởng, Công ty cũng đã thiết kế hệ thống lắp đặt phương tiện PCCC, nhưng khi nhà xưởng đưa vào sử dụng phương tiện PCCC vẫn chưa được lắp đặt. Bà Hoàng Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc Công ty lý giải: Do Công ty vẫn đang trong quá trình đầu tư xây dựng nên cần có thời gian hoàn thiện hệ thống PCCC.

Để phòng ngừa cháy nổ tại các DN, đặc biệt là các DN sản xuất, kinh doanh các sản phẩm dễ cháy... hằng năm, Phòng Cảnh sát PCCC số 2 đã phối hợp với các DN tổ chức thực tập các phương án PCCC, tập huấn cho cán bộ, công nhân viên tại các Công ty, Nhà máy cách sử dụng bình chữa cháy, phương tiện chữa cháy tại chỗ... nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do cháy nổ gây ra, thế nhưng nhận thức cũng như ý thức của cán bộ, công nhân viên tại các Công ty còn chưa cao, còn chủ quan đối với công tác PCCC.

Thượng tá Lê Viết Hiệp, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 cho biết: Thời gian qua chúng tôi đã tuyên truyền và tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp nhưng bản thân các doanh nghiệp vãn chủ quan với nhiệm vụ này. Bởi thế thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn đội PCCC cơ sở thực tập các phương án PCCC cho cán bộ, công nhân. Yêu cầu các DN làm tốt công tác "4 tại chỗ", chủ động trong việc chữa cháy ban đầu để không những giảm thiệt hại cho DN mà việc chữa cháy của lực lượng chức năng cũng sẽ bớt khó khăn.