Xác định bảo vệ môi trường là bảo vệ sức khỏe của con người, những năm qua, Hội Nông dân huyện Phú Lương đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm giữ gìn môi trường xanh sạch. Trong đó, việc thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã và đang được Hội triển khai rộng tới cơ sở, từ đó, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm đã không còn tình trạng ném rác thải bừa bãi như trước nữa.
Dạo một vòng quanh xóm Đá Vôi, xã Động Đạt, chúng tôi thấy đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Nhất là khu vực dòng suối chảy qua địa phận của xóm (3km), trước đây rác thải, xác động vật chết ném bừa bãi thì nay cũng được khơi thông, quang đãng. Ông Vương Văn Tâm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Đá Vôi cho biết: Chúng tôi đã thành lập Tổ tự quản bảo vệ môi trường của xóm với 9 thành viên đều là hội viên nông dân. Vào ngày đầu tiên hàng tháng, các thành viên trong Tổ sẽ nhắc nhở các gia đình tự thu gom, xử lý rác thải tại nhà. Sau đó bà con trong xóm sẽ tổng vệ sinh đường làng, vớt rác thải ở sông, suối khu vực của xóm. Chính vì thế, từ lâu, dòng sông, suối, đường trong xóm luôn được sạch đẹp, không có tình trạng rác thải vứt, ném bừa bãi.
Động Đạt là một trong nhiều xã của huyện Phú Lương được đánh giá cao trong việc tự quản bảo vệ môi trường những năm vừa qua. Ông Nguyễn Trung Thu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã thành lập tổ tự quản về môi trường ở các chi hội (xã có 20 xóm thì có tổ tự quản, mỗi tổ có từ 3-10 thành viên). Hàng tháng, quý các tổ báo cáo với Hội Nông dân xã về hoạt động bảo vệ môi trường ở xóm, từ đó, chúng tôi có cơ sở để tuyên dương, bình xét vào dịp cuối năm. Với những “điểm nóng” về tình trạng vứt rác bừa bãi, Hội đã chỉ đạo các tổ tự quản phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể của xóm có kế hoạch xử lý triệt để.
Khöng chỉ ở Động Đạt, đến các xã như: Tức Tranh, Vô Tranh, Phú Đô…, việc tự quản bảo vệ môi trường của người dân nơi đây được thực hiện khá tốt. Các tuyến đường bê tông trên địa ban các xã đều được bà con dọn dẹp sạch sẽ; rác thải hay bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom vào đúng nơi tập kết. Ông Đoàn Văn Viên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tức Tranh cho biết: Người dân ở xã trồng chè là chính nên rác thải chủ yếu là vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Lượng rác thải này, sau khi bà con thu gom vào bể chứa đặt tại các nương chè thì hàng tháng hoặc quý, khi đầy bể người dân sẽ chuyển ra ba nhà chứa rác trên địa bàn xã. Với rác thải sinh hoạt, 24 tổ tự quản bảo vệ môi trường ở 24 xóm đã hướng dẫn người dân tự đào hố chôn lấp tại gia đình. Nhờ ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng cao nên môi trường sống ở đây luôn được đảm bảo.
Ngoài việc thành lập tổ tự quản, thời gian qua, các cấp Hội Nông dân huyện Phú Lương đã đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn bảo vệ môi trường trên hệ thống loa truyền thanh của xã, huyện hoặc tại các buổi sinh hoạt chuyên đề của các chi hội, phát tờ rơi hay đến từng hộ dân để vận động. Riêng việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, mỗi quý một lần, Hội đã chủ động phối hợp với ngành chức năng tổ chức tuyên truyền, tập huấn khoa học kỹ thuật nhằm đảm bảo môi trường sống cho bà con. Theo anh Nguyễn Văn Hải, xóm Trung Thành 1, xã Vô Tranh: Gia đình tôi chăn nuôi lợn với quy mô từ 50-100 con. Trước đây, khi trời nắng nóng là mùi hôi bốc lên rất khó chịu. Tuy nhiên, khi được tập huấn kiến thức bảo vệ môi trường nên gia đình đã xây dựng hầm khí bioga, vừa tiết kiệm nguyên liệu vừa bảo vệ môi trường sống.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phú Lương cho biết: Hằng năm, chúng tôi đều giao nhiệm vụ cho Hội Nông dân các xã, thị trấn phải có kế hoạch cụ thể về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, qua từng năm, cấp Hội cơ sở sẽ phải tổ chức thành lập thêm nhiều tổ tự quản bảo bảo vệ môi trường, phấn đấu mỗi xóm, bản trên toàn huyện đều có một tổ tự quản (toàn huyện hiện có 81 tổ tự quản bảo vệ môi trường). Cùng với đó, gắn với Chương trình Xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân huyện vừa triển khai Chương trình này tới các cấp Hội vừa trực tiếp tham gia. Ngoài ra, với Tức Tranh - xã nông thôn mới kiểu mẫu, Hội Nông dân huyện đã phối hợp với một số tổ chức, đoàn thể của xã thực hiện chỉnh trang, sắp xếp, bài trí lại khuôn viên của nhà văn hóa một số xóm; trồng hoa 2 bên đường từ xóm Gốc Gạo đến Thác Dài… Có thể nói, từ việc thành lập các tổ tự quản, ý thức của các hội viên, người dân trong việc giữ gìn môi trường sống ngày càng được nâng lên, làm thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng tích cực.