Thời gian qua, ngành Y tế Thái Nguyên đã tập trung thu hút các nguồn lực, đầu tư đồng bộ từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực nhằm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị bệnh. Những bước tiến đó đã góp phần khẳng định vị thế là trung tâm y tế các tỉnh vùng Đông Bắc của Thái Nguyên, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân.
Theo kế hoạch, đến năm 2020, Thái Nguyên phấn đấu hình thành và phát triển mạng lưới y tế đảm bảo thực hiện được một số kỹ thuật chuyên sâu về tim mạch, sản khoa, nhi khoa, sơ sinh, ung bướu, chấn thương, chỉnh hình, mắt... Cụ thể, Đề án phát triển y tế chuyên sâu tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 đặt mục tiêu: phấn đấu đào tạo 35 kíp thực hiện các kỹ thuật y tế chuyên sâu ở các lĩnh vực; giảm 70% số bệnh nhân chuyển tuyến từ địa phương lên tuyến trên (so với năm 2012); thiết lập được hệ thống hội chẩn từ xa với các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, các cơ sở y tế trong và ngoài nước.... Để thực hiện được mục tiêu trên, ngành Y tế đã chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để vừa duy trì và phát triển y tế phổ cập, vừa tập trung đầu tư phát triển y tế chuyên sâu. Toàn ngành đã tích cực kiện toàn mạng lưới và hoạt động của y tế cơ sở; duy trì và nâng cao năng lực chuyên môn tại tất cả các tuyến; tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn nhằm phát triển năng lực ở tất cả các tuyến y tế.
Đến nay, các bệnh viện tuyến tỉnh đã đầu tư máy móc hiện đại như: dao phẫu thuật Gamma, máy chụp cộng hưởng từ, CT scanner, Doppler tim mạch… Nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu đã được triển khai ở tuyến tỉnh như: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đưa ghép thận thành kỹ thuật thường quy; Bệnh viện A thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, kỹ thuật chọc ối xét nghiệm sớm các dị tật bẩm sinh; tán sỏi đường tiết niệu ngược dòng bằng lazer; Bệnh viện C được Bộ Y tế cấp phép thực hiện phẫu thuật bằng dao Gamma trong điều trị ung bướu phần thân, mổ sọ não, đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn; Bệnh viện Gang thép tiếp tục đi sâu và hoàn thiện kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng, tiết niệu, tuyến giáp... Cùng với đó, các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Mắt… đã ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thực hiện mô hình bệnh viện vệ tinh, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh đã chủ động tìm kiếm cơ hội hợp tác với các bệnh viện tuyến trên. Đến nay, Bệnh viện A Thái Nguyên đã trở thành bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Phụ sản và Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện C trở thành vệ tinh của Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Gang thép trở thành vệ tinh của hai bệnh viện lớn là Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Nội tiết Trung ương… Nhờ vậy, mục tiêu phát triển chuyên sâu về tim mạch, sản khoa, nhi khoa, sơ sinh, chấn thương, chỉnh hình… của tỉnh về cơ bản đã hoàn thành.
Bên cạnh phát triển y tế tuyến tỉnh, ngành Y tế đã triển khai thực hiện công tác chỉ đạo tuyến và hỗ trợ toàn diện (tương tự mô hình bệnh viện vệ tinh) tại tuyến huyện. Hiện, các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật vượt tuyến, phẫu thuật nội soi, hồi sức cấp cứu, phẫu thuật ngoại khoa... Các bệnh viện đa khoa huyện Đại Từ và Phú Bình đã triển khai được kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Qua đó, giúp giảm tải đáng kể cho các bệnh viện tuyến trên và tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong điều trị… Các trạm y tế xã cũng có đủ trang thiết bị cơ bản để hoạt động, một số trạm đã tích cực ứng dụng y học cổ truyền trong khám chữa bệnh, sử dụng có hiệu quả các phương tiện chẩn đoán như siêu âm, điện tim, xét nghiệm, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tính đến hết tháng 6 năm 2017, toàn tỉnh có 159/180 xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế, đạt 88,3% kế hoạch.
Để phục vụ phát triển y tế chuyên sâu, tỉnh đã có nhiều có nhiều chủ trương, chính sách thu hút bác sĩ giỏi, đào tạo bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực y tế cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại. Hiện, toàn tỉnh có trên 1.400 bác sĩ, tỷ lệ bác sĩ/1 vạn dân đạt 11,94 (gấp gần 1,5 lần so với trung bình cả nước). Bên cạnh đó, sau hơn 2 năm thực hiện triển khai, cuộc vận động “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” đã đi vào ý thức của từng cán bộ trong ngành. Các cán bộ y tế đã thay đổi từ thái độ “ban ơn” sang “phục vụ” người bệnh, quy trình khám chữa bệnh được rút gọn, thời gian khám bệnh cũng được rút ngắn hơn so với trước đây. Qua những lần thăm dò, khảo sát ý kiến người dân, có thể thấy những bước chuyển biến rõ rệt về y đức cán bộ, công chức, viên chức và lao động trong toàn ngành Y tế. Kết quả khảo sát nội bộ của một số bệnh viện lớn trong tỉnh như: Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện A, Bệnh viện C, Bệnh viện Gang thép… đều có trên 85% số người bệnh hài lòng với chất lượng dịch vụ y tế.
Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế đánh giá: So với mặt bằng chung trong khu vực, thì hệ thống y tế của Thái Nguyên đang phát triển tốt. Các bệnh viện trên địa bàn không chỉ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân trong tỉnh, mà còn thu dung nhiều bệnh nhân ở các tỉnh lân cận. Những đổi mới, bước phát triển chuyên sâu của ngành đã được nhân dân đánh giá cao.
Nói về chất lượng y tế tại Thái Nguyên, bà Nguyễn Kim Dung, ở tổ 7, phường Gia Sàng (TP. Thái Nguyên) chia sẻ: Gia đình tôi đang mong chờ đứa cháu đầu lòng sau khi vợ chồng con trai thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm thành công tại Bệnh viện A Thái Nguyên. Nhờ có dịch vụ này, chúng tôi không phải cất công đi tận Hà Nội điều trị tốn kém. Còn chị Phạm Thị Hiền ở xóm Chính Phú 2, xã Phú Xuyên (Đại Từ) cho hay: Em trai tôi mới được các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cứu sống sau một tai nạn nguy kịch. Ở Bệnh viện có máy móc hiện đại, các bác sĩ trình độ cao nên tôi rất yên tâm.
Ngoài các kỹ thuật đã được ứng dụng thành công tại các bệnh viện, ngành Y tế đang tiếp tục tìm kiếm nguồn hỗ trợ từ các dự án trong và ngoài nước để phát triển kỹ thuật chuyên sâu mới; nhận các gói dịch vụ, gói kỹ thuật từ các bệnh viện, phòng xét nghiệm đầu ngành để triển khai thực hiện, hình thành một mạng lưới khám, chữa bệnh chuyên sâu. Từng bệnh viện cũng đã lên kế hoạch phát triển các kỹ thuật chuyên sâu, xây dựng mô hình bệnh viện vệ tinh... Thời gian tới, ngành Y tế tỉnh nhà sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, xây dựng cơ chế chính sách, đào tạo, thu hút nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, chú trọng nghiên cứu khoa học, đẩy mạnh xã hội hóa y tế... để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, khẳng định vị thế là trung tâm y tế của các tỉnh miền núi phía Bắc.