Những năm qua, phong trào Sáng tạo trẻ do Trung ương Đoàn phát động đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, thanh thiếu nhi toàn tỉnh. Từ phong trào đã có nhiều ý tưởng sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tính ứng dụng cao, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả lao động, học tập trong các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp…
Anh Vũ Minh Đức, kỹ thuật viên Phòng Cơ điện, Nhà máy Cán thép Thái Nguyên (Công ty CP Gang thép Thái Nguyên) được mệnh danh là một trong những “cây sáng kiến” của đơn vị. Những năm gần đây, anh đã đóng góp nhiều đề tài, sáng kiến góp phần làm lợi cho Nhà máy về mặt kinh tế, bảo đảm về kỹ thuật, giảm sức lao động và giúp ổn định hiệu suất của máy móc.
Chúng tôi đến Nhà máy khi anh đang làm việc bên hệ thống điều khiển hai giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150 mm đã được cải tiến. Hệ thống điều khiển này là kết quả từ đề tài nghiên cứu “Cải tiến hệ thống điều khiển hai giá cán mới phục vụ cán phôi 150x150” được anh hoàn thành từ đầu năm 2014. Đến nay, hệ thống vẫn duy trì ổn định, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, ổn định dây chuyền, tính bền vững cho cả dây chuyền được củng cố, tuổi thọ thiết bị tăng, giảm chi phí vật tư, chi phí sản xuất, góp phần hạ giá thành sản phẩm. Từ đó làm lợi cho Công ty trên 4 tỷ đồng mỗi năm. Với sáng kiến này, anh đã đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2014. Cuối tháng 4 năm 2016, anh cùng đồng nghiệp Ngô Khắc Thảo đã có sáng kiến “Thiết kế hệ thống nước tuần hoàn làm mát trực tiếp trên hệ lỗ hình trục cán 16 giá cán phôi 150x150 mm” được đưa vào ứng dụng góp phần làm lợi cho Nhà máy trên 800 triệu đồng/năm. Sáng kiến này cũng đã giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2017.
Trong 6 dự án, đề tài đoạt giải Nhất tại cuộc thi Sáng tạo trẻ năm 2017 do Tỉnh đoàn tổ chức, chúng tôi ấn tượng với đề tài “Thiết bị tự động cảnh báo nguy hiểm tại các đoạn đường bị che khuất tầm nhìn” của nhóm tác giả Hà Lê Tân và Dương Đình Long, học sinh lớp 12A2, Trường THPT Gang thép (T.P Thái Nguyên). Đây là đề tài được các thành viên Ban giám khảo đánh giá cao về khả năng ứng dụng trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Chia sẻ về ý tưởng của mình, hai em cho biết: Chúng em từng chứng kiến nhiều vụ tai nạn do va chạm giữa các phương tiện khi đi qua các đoạn đường cua, gấp khúc, bị che khuất tầm nhìn. Sau khi được học về hiệu ứng Doppler (là một hiệu ứng về tần số và bước sóng) trong chương trình Vật lý lớp 12, chúng em nghĩ nếu vận dụng được những kiến thức đã học áp dụng vào thực tế để tạo ra hệ thống cảnh báo nguy hiểm tại các đoạn đường đó như khi hai phương tiện ngược chiều cùng đi qua sẽ có đèn hay loa cảnh báo, lái xe sẽ chú ý hơn để đảm bảo an toàn cho mình và cho mọi người”.
“Thiết bị tự động cảnh báo nguy hiểm tại các đoạn đường bị che khuất tầm nhìn” gồm 5 bộ phận chính: Khối nguồn, khối cảm biến chuyển động, khối xử lý trung tâm, khối mạch lực, khối cảnh báo (đèn và loa cảnh báo). Nguyên lý hoạt động của thiết bị dựa trên các module cảm biến được đặt tại vị trí gấp khúc của đường, có phạm vi 18m. Khi có từ hai hay nhiều phương tiện di chuyển ngược chiều nhau tại phạm vi đặt thiết bị, hệ thống cảnh báo sẽ hoạt động (đèn sáng hoặc phát âm thanh cảnh báo). Còn khi có một hoặc nhiều phương tiện đi cùng chiều, thiết bị sẽ không hoạt động. Sáng kiến này của Hà Lê Tân và Dương Đình Long vinh dự được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chọn là một trong 35 công trình, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc năm 2017.
Đây chỉ là những gương mặt tiêu biểu trong hàng trăm tấm gương đoàn viên, thanh niên nỗ lực, say mê nghiên cứu khoa học trên địa bàn tỉnh. Với phương châm “Mỗi đoàn viên, thanh niên là một ý tưởng sáng tạo, mỗi chi đoàn là một hộp thư sáng kiến, mỗi cơ sở Đoàn là một vườn ươm sáng tạo”, những năm qua, phong trào Sáng tạo trẻ đã được cụ thể hóa và triển khai thực hiện rộng rãi trong thanh niên công nhân, viên chức, thanh niên trường học. Qua đó đã khuyến khích, phát huy sáng kiến, ý tưởng sáng tạo của đoàn viên, thanh niên, góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả trong công tác và lao động. Từ những định hướng của Tỉnh đoàn, phong trào Sáng tạo trẻ được các cấp bộ Đoàn nhiệt tình hưởng ứng, thu hút hàng nghìn lượt đoàn viên, thanh niên tham gia. Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh có 231 công trình, đề tài, ý tưởng, sản phẩm sáng tạo được tuyên dương cấp tỉnh với giá trị làm lợi hàng chục tỷ đồng. Nhiều đề tài, sáng kiến được ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng chí Ngô Thế Hoàn, Bí thư Tỉnh đoàn chia sẻ: Để phong trào có sức hút và lan tỏa rộng khắp, bên cạnh công tác tuyên truyền, các cấp bộ Đoàn toàn tỉnh đã khơi nguồn sáng tạo của đoàn viên, thanh niên thông qua các cuộc thi được tổ chức hàng năm. Đồng thời xây dựng, hình thành các mô hình, câu lạc bộ sáng tạo, vinh danh những tấm gương điển hình sáng tạo… qua đó kịp thời phát hiện, tạo điều kiện hỗ trợ, bồi dưỡng nhiều tài năng trẻ trong các lĩnh vực. Có thể nói, những ý tưởng, công trình sáng tạo với ý nghĩa thiết thực, tuổi trẻ toàn tỉnh đã và đang khẳng định vai trò xung kích, góp sức xây dựng quê hương ngày càng đẹp giàu.