Thị trường vàng mã tháng Chạp

10:03, 23/01/2018

Gần 1 tháng nữa mới đến Tết ông Công, ông Táo, tuy nhiên các cửa hàng bán đồ vàng mã trên địa bàn đã tất bật chuẩn bị, bày bán rất nhiều mặt hàng, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm đồ để thờ cúng của người dân.

Vào thời gian này, phần lớn các cơ sở sản xuất, cửa hàng đã và đang gấp rút sản xuất và nhập hàng, sẵn sàng cho ngày Tết ông Công, ông Táo sắp tới. Ghé thăm một cửa hàng bán đồ vàng mã rất đông khách ở đường Bến Oánh, T.P Thái Nguyên, chúng tôi đã cảm nhận được không khí nhộn nhịp chuẩn bị hàng hóa, mua bán hàng Tết tại đây. Chị Lê Thị Thu, chủ cửa hàng Thái Thức cho biết: Vào những ngày này, mỗi gia đình đều phải chuẩn bị vàng mã để thờ cúng, vì thế lượng người mua sẽ rất đông. Năm nay, tôi đã chuẩn bị được hơn 10 nghìn bộ đồ cúng ông Công, ông Táo; hàng trăm thùng hương nhang, nến, tiền vàng… để kịp thời cung ứng cho nhu cầu của người dân vào cận Tết.

Không chỉ cửa hàng, các cơ sở sản xuất cũng đang phải làm việc hết công suất để nhanh chóng chuyển hàng ra các đại lý. Đôi tay thoăn thoắt, vừa xếp bộ đồ ông Công, vừa nói chuyện với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Hiên, chủ cửa hàng Hùng Hiên, số nhà 269, phường Túc Duyên, T.P Thái Nguyên chia sẻ: Năm nay, chúng tôi đang chuẩn bị hơn 6 nghìn bộ ông Công, ông Táo để chuyển đi cho các đại lý. Các hàng hóa khác như: hương, tiền vàng, thỏi vàng, đèn bàn thờ chúng tôi đã nhập hàng về và xếp sẵn trong kho. Chúng tôi vừa sản xuất, vừa bày bán cho những khách hàng có nhu cầu mua sớm.

Nếu như Rằm tháng Bảy, các mặt hàng được thiết kế cầu kỳ, độc, lạ như: ô tô, xe máy, nhà cao tầng, điện thoại,… thì trong dịp Tết ông Công, ông Táo thì khác. Các mặt hàng vàng mã được phục vụ vào dịp này vẫn chủ yếu là những đồ lễ truyền thống như: bộ đồ ông Công, ông Táo, cá chép giấy, tiền vàng, nến, hương nhang,… Đón tiếp chúng tôi vào xem hàng, chị Phạm Thị Huyền, chủ một cửa hàng vàng mã ở đường Dương Tự Minh cho hay: Các mặt hàng năm nay khá đa dạng, nhưng không có thay đổi nhiều so với năm ngoái. Riêng nến đã có gần 20 loại gồm: nến bát, nến cây, nến chén, nến hoa nghệ thuật…; hương nhang thì có rất nhiều loại như: hương Tân Hương, hương Tuấn Tú, hương Thu Hiền, hương Đồng Mỗ,…; tiền vàng có các loại như: thiếc 1, thiếc đủ, thiếc nghệ, thiếc đại,…

Theo nhiều người bán vàng mã, giá cả các mặt hàng năm nay không có nhiều biến động. Giá một bộ vàng mã cúng ông Công ông Táo bao gồm mũ, giày, cá chép, dao động từ 30.000 đến 200.000 đồng/bộ tùy thuộc vào kích cỡ và mẫu mã. Hương nhang có giá dao động từ 45.000 đến 80.000 đồng/tập tùy từng loại hương, nhà sản xuất. Đèn để bàn thờ cũng có rất nhiều loại được thiết kế vô cùng đẹp mắt, loại rẻ nhất có giá 100.000 đồng/đôi, đắt nhất lên tới 3,5 triệu đồng/đôi. Riêng tiền vàng năm nay giá tăng khoảng 5-10%, dao động từ 40.000 đến 100.000 đồng/đinh tùy từng loại.

Giá cả không có nhiều biến động khiến người dân khá yên tâm khi chọn lựa đồ. Thường từ mùng 15 Âm lịch đến Tết Nguyên đán thì lượng người đi mua sắm đồ vàng mã sẽ ngày càng đông. Tuy nhiên, năm nay nhiều người dân có xu hướng đi mua sớm để tránh phải chen chúc mua hàng. Chị Nguyễn Thúy Hường, phường Hoàng Văn Thụ, T.P Thái Nguyên tâm sự: Vì là con trưởng nên năm nào tôi cũng phải chuẩn bị nhiều đồ vàng mã vào dịp Tết cho gia đình, bao gồm: một bộ cúng ông Công ông Táo, ngựa tạ đất cuối năm, nến, hương nhang, tiền vàng, quần áo cho các cụ tổ tiên. Vào những năm trước, cận Tết tôi mới đi mua thì đông quá, xô đẩy nhau, mãi mới mua xong nên năm nay tôi quyết định đi mua trước.

Những năm gần đây, người dân đã có ý thức hơn trong việc mua bán vàng mã để thờ cúng trong những ngày Tết cổ truyền. Thay vì mua ồ ạt, họ đã biết lựa chọn những sản phẩm cần thiết, sao cho vừa đảm bảo đầy đủ đồ cúng lễ theo đúng phong tục tập quán, mà vẫn không lãng phí quá nhiều tiền bạc vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về.