Chuyện về một trưởng bản người dân tộc Mông

14:43, 08/02/2018

Gần 40 năm trước, cậu bé Trần Văn Hồ theo cha mẹ từ mảnh đất Trà Lĩnh (Cao Bằng) về Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ) dựng xây cuộc sống mới. Lớn lên trên mảnh đất còn nhiều gian khó, cậu bé Hồ luôn mong muốn sau này lớn lên sẽ góp phần công sức nhỏ bé của mình để làm thay đổi nhận thức của đồng bào Mông ở Lân Quan. Và sau này, ước mơ ấy đã trở thành hiện thực khi cậu bé Hồ ngày nào đã trở thành một trưởng bản quyết đoán và nhiệt huyết với mọi công việc của bản, của xã.

Trời đã sang Xuân, bụi mưa giăng mắc khắp núi rừng, ướt thẫm cả con đường vào bản Lân Quan. Trò chuyện cùng chúng tôi, trưởng bản 51 tuổi Trần Văn Hồ rất cởi mở. Ông Hồ chia sẻ: Trước khi trở thành trưởng bản tôi đã có hơn 20 năm làm công an viên và phó trưởng bản. 100% hộ dân ở Lân Quan đều là người dân tộc Mông (107 hộ dân). Đồng bào mình tuy thật thà, chất phác nhưng nhiều khi còn nhẹ dạ, cả tin lắm. Nhiều người đã nghe theo kẻ xấu tham gia vào các tổ chức đạo lạ, hoạt động trái pháp luật, bỏ bê cả việc nương rẫy nên cuộc sống đã nghèo lại càng nghèo thêm. Bởi thế, tôi luôn vận động bà con không theo các tổ chức bất hợp pháp và không tham gia hoạt động của các loại tà đạo…

Hết lòng vì công việc chung, người công an viên ấy đã không kể sớm, khuya luôn sát cánh bên những người con của bản, giúp những người lạc lối trở về với cuộc sống bình yên. Ông Hồ chia sẻ: Khoảng 23 năm trước, tình hình an ninh, trật tự của bản khá phức tạp do một số phần tử xấu về Lân Quan tuyên truyền để người dân không lao động, sản xuất nữa mà chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Trước tình hình đó, tôi đã gặp trực tiếp từng hộ dân, giải thích để mọi người hiểu rằng trong cuộc sống, nếu không tự mình vươn lên mà chỉ trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của người khác thì sẽ không bao giờ hết đói khổ. Bà con thấy tôi nói có tình, có lý nên đã tích cực sản xuất trở lại. Chỉ duy có gia đình bà Lý Thị Sính và gia đình ông Lý Văn Phúng vẫn cửa đóng, then cài im ỉm ở trong nhà. Vậy là tôi lại tiếp tục tìm đến hai gia đình trên. Lần nào đến, họ cũng đuổi tôi về. Tôi không nản lòng, hôm nay đến, ngày mai lại đến nữa. Tôi đã khuyên họ bằng những lời “gan ruột”. Mưa dầm thấm lâu, dần dần, họ cũng đã hiểu ra và quay trở lại lao động để làm ra hạt thóc, hạt ngô…

Một góc bản Lân Quan, xã Tân Long (Đồng Hỷ).

Từ một công an viên dày dạn kinh nghiệm, năm 2015, ông Hồ được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản. Công việc tuy có bận bịu hơn nhưng ông vẫn dành thời gian để gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con; tuyên truyền cho mọi người hiểu về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là sự quan tâm, tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước với cộng đồng người Mông. Bởi thế, đầu năm 2015, khi bản Lân Quan được hỗ trợ làm 5km đường bê tông theo Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống của tỉnh đến năm 2020, bà con đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Không chỉ đóng góp công lao động, các hộ dân còn hiến đất, tài sản trên đất để mở rộng đường giao thông. Trong đó có ông Trần Văn Tu đã hiến trên 1.000 m2 đất cho địa phương làm đường.

Ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức người dân trong thực thi pháp luật…, ông Hồ còn luôn động viên bà con tích cực lao động, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất. Ở bản người Mông này, ngô vẫn là cây trồng chủ lực. Hộ ít trồng khoảng 5 đến 6 sào ngô; hộ nhiều trồng trên 20 sào ngô. Ông Hồ cho hay: Trước đây, bà con trồng giống ngô địa phương nên năng suất rất thấp, chỉ đạt khoảng 30 đến 40 kg/sào. Nhưng nay, bà con trồng các giống ngô lai như NK4300, CP888, CP999… nên năng suất tăng gấp gần chục lần so với trước. Được sự động viên của trưởng bản và chính quyền địa phương, nhiều hộ còn chủ động khai phá ruộng cấy lúa nên cuộc sống của bà con ngày càng ổn định hơn. Hết năm 2017, bản không còn hộ nào thiếu lương thực, bà con đã nấu cơm ăn hàng ngày chứ không phải ăn mèn mén như trước nữa. Sản xuất được nhiều ngô, đường đi lại thuận tiện nên tư thương về tận nơi mua ngô. Nhờ đó, một số hộ dân trong bản đã có tiền mua xe máy, tivi và làm được những ngôi nhà chắc chắn…

Không chỉ động viên bà con hăng say lao động, sản xuất, bản thân ông Hồ cũng rất mạnh dạn trong phát triển kinh tế gia đình. Chăm chỉ trồng các giống ngô lai trên 8 sào đất của gia đình, năm nào gia đình ông cũng thu hơn 3 tấn ngô hạt. Ngoài ra, ông còn mạnh dạn chăn nuôi thêm 6 con trâu, bò… Ở nhiều bản người Mông, việc học hành của con cái chưa được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, vợ chồng ông Hồ lại luôn tạo điều kiện cho các con được đi học. Nay, người con trải cả đã tốt nghiệp Trường sĩ quan lục quân 1, hiện đang công tác tại tỉnh Lạng Sơn. Hai người con còn lại cũng đều tốt nghiệp THPT.

Hơn 20 làm công an viên và phó bản, hơn 12 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, gần 3 năm làm trưởng bản, ông Hồ đã được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc"; được xã Tân Long và huyện Đồng Hỷ tặng nhiều giấy khen. Cuối năm 2017, ông Hồ là một trong 9 người dân tộc thiểu số của tỉnh Thái Nguyên vinh dự được tham gia Lễ tuyên dương người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân tiêu biểu dân tộc thiểu số toàn quốc năm 2017 tại Hà Nội. Với ông Hồ, đây chính là sự động viên, khích lệ để ông tiếp tục hoàn thành tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao.