Nghĩa tình với bóng cọ xanh

09:19, 18/02/2018

Trong thời kỳ kháng chiến, những thân cọ vươn cao, xanh ngút đã trở thành biểu tượng của sự gắn bó, chở che các cơ sở cách mạng ở ATK Định Hóa. Và ngày nay, mặc dù giá trị kinh tế mang lại không bằng các loại cây trồng khác nhưng nhiều người dân Định Hóa vẫn nặng lòng với cây cọ, trong cuộc sống hằng ngày vẫn thấp thoáng bóng cọ xanh.

Ngày đầu năm 2018, đi chợ phiên tại xã vùng cao Điềm Mặc (Định Hóa), tôi gặp một cụ già ngồi bên thúng quả cọ om đang nghi ngút khói, lòng chợt bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm êm đềm của năm tháng tuổi thơ.

Khi còn nhỏ, quả cọ om là một trong những thứ quà trẻ con nông thôn chúng tôi yêu thích nhất. Cọ có 2 loại, cọ bầu quả to chừng ngón chân cái và cọ xẻ (thường lấy lá làm chổi) quả chỉ như hòn bi đất đám trẻ hay chơi. Không phải quả cọ nào cũng có thể lấy về om và ăn được mà phải là loại cọ mỡ, dày thịt. Thường những cây cọ bầu già và không bị chặt lá sẽ cho quả ngon. Kinh nghiệm là khi quả cọ già, vỏ tím đậm, tách đôi ra mà thấy lớp thịt bên trong chuyển sang màu vàng như mỡ gà, nhấm vào đầu lưỡi thấy có vị bùi bùi, ngậy ngậy thì đích thị là cọ ngon.

Quả cọ mang về rửa sạch, có thể chà vào rổ hoặc thúng cho tróc hết lớp vỏ ngoài, giúp bớt chát. Đun nước nóng già, chừng 80-90 độ C thì bỏ vào, để chừng 8-10 phút là được. Lúc này nồi nước om sẽ nổi mỡ cọ màu vàng ruộm. Ăn ngay khi còn nóng sẽ cảm nhận được vị béo béo, bùi bùi, ngậy ngậy của lớp cùi dày.

Không chỉ lấy quả, người dân Định Hóa còn tạo ra nhiều món ăn từ cây cọ. Bà Nguyễn Thị Gái, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật huyện giới thiệu một món ăn rất ngon từ thân cọ (còn gọi là su hào rừng). Đây là phần lấy từ gốc cây cọ non hoặc lõi gần búp, nơi phình to nhất của thân cây trưởng thành. Thân cọ khi ngả xuống, người dân dùng búa bổ tách từng lớp bi bên ngoài để lộ ra phần lõi trắng, khoét lấy chỗ non mềm nhất. Những miếng thân cọ trắng muốt có thể ăn ngay, vị giòn ngọt rất mát, còn nếu xào thì có vị béo ngậy, cũng có thể mang kho hoặc hầm. Cũng thân cọ đó để ngoài trời vài tháng sẽ xuất hiện những con sâu nhộng to chừng ngón tay (còn gọi là đuông cọ), đây là món đặc sản của người dân Định Hóa để thiết đãi khách phương xa. Đuông cọ làm sạch, chế biến đơn giản nhất là chiên vàng trên chảo mỡ cùng xả, ớt và thêm lá chanh thái nhỏ, ăn kèm với lá lốt. Đuông cọ khi chế biến có vị ngọt mềm và béo, rất giàu chất dinh dưỡng. Ăn một lần là nhớ mãi.

Không chỉ chế biến món ăn, các bộ phận từ cây cọ đều có thể làm ra những vật dụng gắn bó với lao động sản xuất và sinh hoạt của người nông dân. Ông Ma Văn Cười, ở xóm Ru Nghệ, xã Đồng Thịnh bảo: Cọ là cây của người nghèo. Lá cọ bầu vẫn được dùng để lợp nhà sàn, gian bếp hay chuồng trâu, chuồng gà, vừa kín, rất mát và bền, có thể được 20-25 năm mới phải lợp lại. Chẳng ghi trong hương ước nhưng ở Ru Nghệ, mỗi khi nhà nào lợp lại mái là cả xóm đến hộ. Người góp lá, góp cây que và công lao động. Để lợp được nếp nhà sàn 5 gian phải hết vài nghìn tàu lá và cả trăm công lao động. Thế nên những dịp như vậy đều rất vui, tình cảm làng xóm thêm bền chặt.

Lá cọ xẻ dùng làm chổi quét nhà, làm nón, quạt mát những ngày oi bức hoặc chặt nguyên cả cuống lá để che nắng cho các chị, các mẹ khi hái chè, cấy lúa. Ngay cả cuống cọ gai góc như răng cưa cũng được dùng để rào vườn. Những cây cọ thẳng và dài có thể xẻ ra là dui mè rất đẹp hoặc bổ làm máng dẫn nước. Ở Định Hóa, bà con còn lấy thân cọ già để chế tác thành chõ đồ xôi, vừa sử dụng lâu bền, xôi lại không bị khô hay nhão nát.

Sản xuất mành cọ tại xã Đồng Thịnh.

Những năm gần đây, người dân Định Hóa phát triển khá mạnh nghề làm xước cọ (phần gân sau khi loại bỏ hết phần thịt lá) để xuất khẩu. Một số xã như Bảo Cường, Đồng Thịnh, Phượng Tiến…hình thành làng nghề, tổ hợp tác sản xuất mành cọ, hoặc chẻ nan từ cuống cọ phục vụ làm đồ mỹ nghệ. Ông Ma Duy Điều, xóm Đồng Lá, xã Điềm Mặc (Định Hóa) tâm sự: Cọ gắn bó máu thịt như vậy, nên dù cuộc sống có khấm khá hơn nhưng chúng tôi vẫn nặng tình với loại cây này. Tôi là đảng viên hơn 50 tuổi Đảng nên được Tỉnh ủy hỗ trợ 50 triệu đồng đề làm nhà. Gia đình quyết định làm theo kiểu nhà sàn truyền thống, đổ cột và sàn bê tông nhưng lợp mái bằng lá cọ, vừa mát, lại cảm thấy ấm cúng.

Nghệ nhân Hoàng Luận, ở xóm Khau Diều, xã Định Biên nói: Thân thiết với người dân, cây cọ cũng gắn liền với vùng an toàn khu trong kháng chiến chống Pháp. Rất nhiều di tích lịch sử trên địa bàn huyện căn lán, nhà sàn lợp lá cọ hoặc ẩn mình dưới tán cọ xanh. Đó là đình Làng Quặng - nơi diễn ra Lễ hợp nhất Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và Cứu Quốc quân để thành lập Việt Nam giải phóng quân; Nhà sàn ở đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc - nơi đầu tiên Bác Hồ ở và làm việc tại ATK Định Hóa; lán Tỉn Keo - nơi Bác và Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ; lán Bảo Biên nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng ở và làm việc… Do vậy, giữ gìn rừng cọ cũng là bảo vệ nét đặc trưng và những giá trị lịch cử của vùng đất chiến khu xưa.
Dù giá trị kinh tế không bằng cây trồng khác nhưng nhiều năm nay gia đình ông Đào Văn Chỉnh, ở xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc vẫn giữ rừng cọ. Ông còn nhặt hạt, ươm cây và trồng thêm cọ ở những diện tích cây tạp. Ông Chỉnh bảo: Người dân có đồi cọ trong khu di tích đang được hỗ trợ 50 nghìn đồng/ha/năm tiền công trông nom, bảo vệ. Dù không có hỗ trợ thì bà con trong xóm vẫn dặn nhau phải bảo vệ đồi cọ. Với tôi, mỗi cây cọ như của để dành cho con cháu.

Vợ chồng ông Ma Duy Điều, ở xóm Đồng Lá, xã Điềm Mặc (Định Hóa) chuẩn bị lá cọ đề lợp nhà.

Ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã Điềm Mặc tự hào: Điềm Mặc là một trong những địa phương có diện tích rừng cọ lớn nhất huyện. Cây cọ có thể thua nhiều loài cây khác như keo, quế… về giá trị kinh tế nhưng nó mang giá trị tinh thần mà không loại cây nào thay thế được. Mỗi di tích lịch sử ở đây đều gắn liền với cọ. Nhất là khu đồi cọ Bản Bắc nguyên là Nhà khách của Trung ương Đảng và nơi ra đời của ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam. Do vậy, quan điểm của xã là giữ lấy rừng cọ như cách tri ân các giá trị lịch sử của dân tộc, cũng là để giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau.

Tôi chợt nhớ đến những câu thơ trong bài “Mặt trời xanh của của tôi” của nhà thơ Nguyễn Viết Bình trong sách giáo khoa tiểu học: “… Rừng cọ ơi, rừng cọ!/ Lá đẹp, lá ngời ngời/Tôi yêu, thường vẫn gọi/ Mặt trời xanh của tôi”. Lớn lên ở vùng nông thôn trung du, nhiều năm gắn bó với mảnh đất ATK Định Hóa tôi hiểu giá trị tinh thần to lớn của những rừng cọ. Giống như người dân nơi đây, cây cọ sinh ra từ đồi đất bạc màu, không quản mưa nắng nhọc nhằn đã và đang vườn cao, vươn xa mãi.