Xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên (Đại Từ) nằm ngay dưới chân dãy Tam Đảo. Nơi đây có hơn 100 hộ dân tộc Dao sống quần tụ, đầm ấm, cùng nhau cần mẫn chăm bẵm cho những nương chè mướt xanh quanh năm. Không chỉ tích cực phát triển kinh tế, thoát khỏi nghèo đói và vươn lên làm giàu, người Dao Quần Chẹt nơi đây còn giữ gìn, phát huy những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình.
Người Dao ở Tân Lập trước vốn sống trên đỉnh dãy núi Mèo Gù, thuộc xóm Yên Cư, Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Trước năm 1960, theo tiếng gọi của Đảng họ hạ sơn tại xóm Tân Lập và an cư từ đó đến nay. Ban đầu, xóm chỉ có 8 hộ sống lọt thỏm giữa những dãy núi, xung quanh toàn rừng rậm bao phủ, chỉ có duy nhất con đường mòn dẫn lên xóm. Ông Dương Trung Thành, Bí thư Chi bộ xóm kể lại: Lúc đó, đời sống vất vả lắm, bà con phải tận dụng từng khe núi để làm ruộng cấy lúa, cả xóm chưa đầy 1ha. Người dân vừa làm vừa phải khai hoang, đắp vai đập, mở rộng ruộng đồng, với mong ước có đủ gạo ăn. Cũng bởi ruộng ít, chủ yếu là đồi cao, đồi thấp nối nhau trùng trùng, người Dao Tân Lập học theo dân bản địa đưa cây chè vào trồng thử. Khi thấy cây chè phát triển tốt, những chỗ không cấy được lúa, bà con tập trung trồng chè. Cứ thế, với sự cần cù, chịu khó, người dân không ngừng nhân rộng thêm diện tích trồng chè lên theo năm tháng. Đến nay, xóm đã có khoảng 30ha chè.
Ban đầu các diện tích chè ở đây đều là chè trung du, nhưng từ năm 1997 trở lại đây, nhận thức rõ giá trị của cây chè, đồng bào đã tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất, chất lượng chè bằng cách tích cực chuyển đổi các diện tích chè trung du sang trồng các giống mới, chất lượng cao như giống LDP1, Phúc Thọ... Đây chính là yếu tố quan trọng giúp năng suất chè của xóm liên tục tăng trong những năm gần đây. Hiện toàn xóm có đến 80% diện tích là các giống chè lai. Cùng với đó, bà con đầu tư sản xuất thêm chè vụ đông, đến nay diện tích sản xuất chè Đông của xóm là 13ha. Nhờ đó, sản lượng chè của xóm ngày càng tăng cao, năng suất chè của xóm năm 2013 chỉ đạt 90 tạ/ha, nay tăng lên 110 tạ/ha. Ngoài việc tăng năng suất, sản lượng chè, người dân Tân Lập còn chú trọng nâng cao chất lượng chè, đặc biệt là sản xuất các sản phẩm chè an toàn thông qua việc áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn ViêtGAP.
Ông Bàn Văn Thắng – một hộ dân làm chè có uy tín của xóm cho biết: Từ ngày được tham gia lớp tập huấn về quy trình sản xuất chè VietGAP, tôi về áp dụng trên diện tích 5 sào chè của gia đình. Töi luön lựa chọn loại thuốc cho phép sử dụng trên cây chè. Khi phun thuốc, tôi tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng: Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách, nhằm đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
Nhờ sự chăm chút từ khâu sản xuất, chăm bón cho đến chế biến, sản phẩm chè Tân Lập dần được nhiều người biết đến vào tận nơi thu mua với giá bán cao hơn hẳn so với nhiều địa phương khác. Thời điểm hiện tại, giá 1kg chè khô đang được bán với giá từ 200.000-300.000 đồng/kg. Đối với các diện tích được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP đang được bán ở mức trên 350.000 đồng/kg. Đời sống của người dân Tân Lập nhờ cây chè mà được nâng lên từng ngày, từ chỗ 100% số hộ thuộc diện nghèo giờ đây không còn hộ nghèo, cơ sở hạ tầng từng bước được xây dựng khang trang. Cuộc sống của người Dao ở Tân Lập bây giờ đã đổi khác nhiều, con đường nhựa chạy vào xóm được rộng mở khang trang, các nhánh bê tông tới các hộ dân uốn lượn theo những dải chè xanh mướt mắt.
Với sản phẩm chè ngon, được thương lái chuộng mua, năm nay, người dân Tân Lập đang làm thủ tục đề nghị được công nhận làng nghề chè với mong muốn tiến thêm một bước trong quá trình xây dựng thương hiệu chè Tân Lập. Vụ chè đông này, thời tiết thuận lợi, chè ít sâu, nhiều búp, hứa hẹn một vụ chè thắng lợi của người dân ở đây. Hòa vào không khí lao động hăng say, những tiếng cười giòn tan của những thôn nữ đang hái chè, chúng tôi cảm nhận rõ một mùa Xuân mới đang về mơn mởn trên những búp chè non, rực rỡ trên những cành đào thắm sắc ven đường và rạng rỡ trên những nét mặt vui tươi của bà con Tân Lập.
Xóm Tân Lập có 105 hộ, gần 500 nhân khẩu, trong đó chỉ có 1 hộ dân tộc Tày, còn lại đều là đồng bào Dao. Trải qua thời gian dài với biết bao chật vật của miếng cơm, manh áo, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho đến ngày nay. Không những thế, họ còn làm cho những nét văn hóa đó càng đẹp hơn, phù hợp với đời sống hiện đại. Kể về những nét văn hóa ấy, ông Dương Trung Thành hỉ hả: Trong một năm, người dân ở đây có rất nhiều Tết như: Tết Nguyên tiêu, Tết Hàn thực, Tết Đoan Ngọ, Tết Nguyên đán…, song Tết nhảy là chúng tôi ăn to nhất và đây cũng là nét văn hóa độc đáo riêng của người Dao Quần Chẹt. Hằng năm, dù dân bản có đi làm ăn ở đâu xa, thì cứ đến rằm tháng Chạp là lại về để hậu tạ tổ tiên đã phù hộ cho một năm an lành, đồng thời hứa sang năm mới sẽ phấn đấu làm việc, không quên những hoạt động truyền thống của làng bản. Đến 23 tháng Chạp, Tết nhảy chính thức diễn ra, những người đàn ông là trụ cột gia đình diện trang phục truyền thống, với vẻ mặt nghiêm trang, thành kính, tay rung chuông, nhún nhảy di chuyển theo tiếng trống, kèn, chiêng rộn rã.
Tết nhảy là Tết của gia đình nhưng lại được cả làng vui chung. Tất cả đều đến tham gia múa nhiều điệu múa truyền thống như: Múa cờ, múa tế rùa, múa kiếm, múa chuông… Tết nhảy diễn ra liên tục 3 ngày, 3 đêm không nghỉ. Trong suốt thời gian nhảy, chủ nhà mổ lợn, gói bánh để đãi khách. Họ vừa cúng, vừa uống rượu, vừa nhảy múa rộn vang. Để tổ chức được Tết nhảy, đòi hỏi gia chủ phải có điều kiện kinh tế và thỏa mãn những quy định chặt chẽ của nghi lễ truyền thống. Nhà nào tổ chức Tết nhảy phải có một bộ tranh thờ, đồng thời chuẩn bị đủ thực phẩm như lợn, gà làm cỗ mời cả làng cùng anh em họ hàng gần xa đến ăn uống trong suốt 3 ngày. Ngoài ra, họ phải mời được thầy đồng điều hành lễ nghi, hai thầy phụ giúp chạy cờ, chạy kiếm, múa rùa…
Theo phong tục thì bà con ăn Tết từ rằm tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng mới kết thúc, nhưng những năm gần đây, người dân Tân Lập đã rút ngắn lại để tăng thời gian sản xuất phát triển kinh tế...