“Con người có tổ có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn” - Truyền bao đời thành ca dao, đúc kết thành lời răn dạy, và trải bao kiếp người, truyền thống đạo lý về nếp sống có tôn ti trật tự trong gia đình vẫn còn nguyên giá trị. Vậy nhưng, trong cuộc sống… thời nào cũng có những gia đình tồn tại những bất hòa, dẫn đến việc các thành viên ruột thịt ứng xử với nhau bằng bạo lực.
Theo số liệu tổng hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo (BCĐ) công tác gia đình tỉnh: Năm 2017, trên toàn tỉnh còn xảy ra 99 vụ bạo lực gia đình, trong đó 45 vụ bạo lực tinh thần; 51 vụ bạo lực thân thể; 2 vụ bạo lực kinh tế... Người gây bạo lực chủ yếu là nam giới (95 trường hợp) chiếm gần 96%, còn lại 4 vụ gây bạo lực gia đình là phụ nữ. Về độ tuổi có 3 trường hợp bị bạo lực dưới 16 tuổi; 95 trường hợp bị bạo lực từ 16 đến 59 tuổi; 1 trường hợp ngoài 60 tuổi bị bạo lực.
Nạn nhân của các vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Nguyên nhân của BLGĐ là do người gây ra bạo lực và người bị bạo lực thiếu kỹ năng ứng xử trong một số tình huống hằng ngày, như việc đối xử chưa công bằng giữa hai bên gia đình nội, ngoại; việc ứng xử giữa vợ và chồng; giữa cha, mẹ với con cái chưa đúng mực dẫn đến mâu thuẫn, bất đồng quan điểm.
Một nguyên nhân khác nữa là ở một số địa phương, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống BLGĐ, nhất là áp dụng biện pháp xử phạt hành chính khi xảy ra bạo lực còn gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra là do nhận thức của một bộ phận cán bộ chính quyền, đoàn thể ở cơ sở và cộng đồng làng, xóm, tổ dân phố trong việc phòng, chống, ngăn chặn BLGĐ còn hạn chế, dẫn đến không làm hết trách nhiệm. Nhiều xã, phường, thị trấn còn cho đó là chuyện riêng tư, chỉ can thiệp khi hành động bạo lực đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Về bản thân nạn nhân của BLGĐ (đa số là người vợ) lại bao che cho hành động của người gây ra bạo lực (chồng).
Theo ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong năm 2017, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã can thiệp, xử lý theo quy định của pháp luật 80/99 vụ BLGĐ, trong đó có 1 trường hợp áp dụng biện pháp cấm tiếp xúc, 11 trường hợp áp dụng biện pháp giáo dục, 6 trường hợp tạm giữ xử phạt hành chính và 1 trường hợp phải xử lý hình sự. Đây là việc không vui nhưng không thể không làm.
Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xảy ra về BLGĐ, trong năm Sở chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc thực hiện công tác gia đình trên địa bàn; kiện toàn BCĐ công tác gia đình các cấp; phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan triển khai nhiệm vụ về công tác gia đình, trong đó UBND tỉnh đã ban hành 7 văn bản; Sở ban hành 8 văn bản. Cùng với đó, Sở chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức, hướng dẫn cho địa phương triển khai nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống BLGĐ. Đồng thời tổ chức các hội thảo, hội thi, với chủ đề: “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ với chủ đề “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam”; “Xây dựng gia đình hạnh phúc”. Xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; tổ chức hội nghị biểu dương các gia đình văn hóa tiêu biểu; tuyên truyền Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Luật Người cao tuổi… đến các tầng lớp nhân dân.
Tại các huyện, thành phố và thị xã đã tăng cường tuyên truyền cổ động trực quan qua hệ thống băng rôn, pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến công tác gia đình gắn với ngày Quốc tế hạnh phúc (20-3); ngày Gia đình Việt Nam (28-6); Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình, ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25-11)… góp phần nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng xã hội về pháp luật, chính sách liên quan đến việc xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc gìn giữ, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử trong gia đình.
Tại các huyện, thành phố và thị xã đã cấp phát hàng nghìn cuốn sách, cuốn tài liệu, tờ rời, tờ gấp các thông điệp, khẩu hiệu tuyên truyền về Luật Phòng, chống BLGĐ và sách hỏi đáp về bình đẳng giới; bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Các xóm, tổ dân phố cán bộ chức năng chủ động tổ chức lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ vào các buổi sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố, và thông qua hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền, triển khai kế hoạch thực hiện Luật phòng, chống BLGĐ.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết, năm 2017 Sở đã mở lớp tập huấn nhân rộng, duy trì các câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ tại huyện Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, Đồng Hỷ, Phú Bình và T.X Phổ Yên cho hàng trăm lượt thành viên ban chủ nhiệm. Tham gia lớp tập huấn, các thành viên ban chủ nhiệm CLB được nâng cao nhận thức và kỹ năng tổ chức sinh hoạt CLB, đồng thời xây dựng, phát triển các CLB mới. Kết quả đến nay trên toàn tỉnh đã có 1.221 CLB liên quan đến gia đình, trong đó có 560 CLB phòng, chống BLGĐ với hàng nghìn hội viên tham gia.
Hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về phòng, chống BLGĐ đã góp phần gìn giữ và nâng cao giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời hạn chế, từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần làm nên thành công Phong trào “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.