Được triển khai từ năm 2011, mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) T.P Sông Công luôn được duy trì hằng năm và nhận được sự tham gia nhiệt tình của đông đảo chị em, qua đó góp phần giúp đỡ nhiều hội viên phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW của Bộ Chính trị về việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, năm 2008, mô hình “Hũ gạo tiết kiệm” được Hội LHPN T.P Sông Công triển khai sâu rộng tới các chi hội trên địa bàn nhằm giúp các hội viên nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, do số gạo hội viên tiết kiệm để từ đầu tháng đến cuối tháng mới đến được tay người nhận hỗ trợ, gạo không còn đảm bảo chất lượng nên chị em góp ý chuyển sang “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” vào năm 2011. Dù với tên gọi nào, mô hình tiết kiệm của Hội LHPN thành phố cũng đều mang lại hiệu quả thiết thực, giúp đỡ hội viên ổn định cuộc sống.
Bà Phạm Thị Bích Nguyệt, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết: Để việc thực hành tiết kiệm có tính lan tỏa, ngay từ đầu năm, Hội đã phát động phong trào đến 157 chi hội, với trên 16 nghìn hội viên tham gia. Hằng tháng, từng chi hội sẽ huy động hội viên đóng góp tiền (tùy điều kiện của mỗi người) để nuôi lợn tiết kiệm. Bắt đầu từ năm 2017, vào dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10, Hội tổ chức Hội thi mổ lợn tiết kiệm. Năm qua, các chi hội phụ nữ đã tiết kiệm được trên 1,2 tỷ đồng, qua đó đã giúp 156 hội viên phụ nữ nghèo, phụ nữ có nhu cầu vay vốn để phát triển kinh tế gia đình (cho vay không lấy lãi). Việc làm ý nghĩa này đã từng bước giúp hội viên hình thành thói quen tạo lập nguồn vốn chủ động, đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững.
Chúng tôi đến thăm gia đình chị Hoàng Thị Hảo, ở tổ dân phố 8, phường Thắng Lợi - chị là một trong số các hội viên được vay vốn từ mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” do Hội LHPN thành phố phát động. Chị Hảo chia sẻ: Năm 2016, gia đình tôi vẫn là hộ nghèo của tổ dân phố bởi hai vợ chồng không có việc làm ổn định, lại phải nuôi con ăn học nên đời sống gặp nhiều khó khăn. May mắn là tôi được Chi hội Phụ nữ tổ dân phố cho vay 50 triệu đồng từ mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” để mở hàng tạp hóa. Từ khi có cửa hàng, kết hợp với quán ăn sáng, tôi cũng có đồng ra, đồng vào. Năm nay, gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập tương đối ổn định. Tôi mong nguồn vốn từ mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” sẽ đến được với nhiều phụ nữ nghèo hơn nữa.
Tìm hiểu về mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” do Hội LHPN T.P Sông Công triển khai chúng tôi thấy điều ý nghĩa không chỉ có hội viên phụ nữ nghèo như chị Hảo mới được vay tiền từ nguồn vốn mà các hội viên có nhu cầu vay nguồn vốn trên mà sử dụng đúng mục đích thì sẽ được các cấp hội xem xét và tạo điều kiện cho vay không lấy lãi. Trường hợp gia đình chị Dương Thị Đức, ở xóm Tân Tiến, xã Tân Quang là một ví dụ. Năm 2017, Chi hội Phụ nữ xóm Tân Tiến tiết kiệm được 25 triệu đồng, chị Đức được vay số tiền 10 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Chị Đức phấn khởi nói: Tuy không phải là hộ nghèo nhưng tôi vẫn được Chi hội Phụ nữ xóm tạo điều kiện cho vay từ mô hình “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của Hội LHPN thành phố. Số tiền tuy chưa phải là nhiều nhưng cũng phần nào giúp gia đình tôi có thêm nguồn vốn để phát triển thêm đàn lợn và gà của gia đình.
Được biết, để nguồn vốn phát huy hiệu quả, sau khi cho hội viên vay tiền, các cấp hội phụ nữ của T.P Sông Công luôn sát sao, kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của chị em. Chị Dương Thị Cúc, Chủ tịch Hội LHPN xã Bá Xuyên cho hay: Năm 2017, Hội đã tiết kiệm được trên 80 triệu đồng, cho 13 hội viên vay, trong đó có 10 hội viên nghèo. Trong quá trình hội viên vay vốn để phát triển kinh tế, chúng tôi thường xuyên kiểm tra xem chị em sử dụng nguồn vốn đúng mục đích hay không. Đồng thời, nhắc nhở chị em lưu ý thời gian trả số tiền đã vay. Nếu có nhu cầu vay tiếp, Hội sẽ tạo điều kiện, còn nếu không thì Hội sẽ chuyển cho hội viên khác.
Có thể nói, chọn cách làm theo tấm gương đạo đức của Bác bằng hành động thiết thực “Nuôi lợn nhựa tiết kiệm” của Hội LHPN T.P Sông Công không chỉ tạo cho hội viên thói quen tiết kiệm hàng ngày mà còn giúp chị em nâng cao ý thức cũng như trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng. Mô hình tuy nhỏ và không mới nhưng có sức lan tỏa rộng rãi, mang lại niềm vui, niềm hạnh phúc lớn cho nhiều hội viên nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn.