Kết thúc năm 2017, toàn tỉnh có tới trên 7 nghìn hộ, tương đương 2,21% tổng số hộ của tỉnh thoát nghèo. Kết quả này thể hiện sự nỗ lực của các hộ nghèo và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trên địa bàn.
Giảm tới 6,01%, Võ Nhai là huyện có tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh nhất tỉnh trong năm 2017. Để thực hiện giảm nghèo đạt kết quả cao với trên 1 nghìn hộ thoát nghèo, năm 2017, công tác giảm nghèo luôn được các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân trong huyện quan tâm. Huyện đã giải ngân khoảng 17 tỷ đồng hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn; triển khai hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo các xã, xóm đặc biệt khó khăn với kinh phí trên 3 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, bà Hoàng Thị Dậu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Võ Nhai cho biết: Trên địa bàn huyện, các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo được thực hiện lồng ghép với các chương trình dự án của Chính phủ đối với các xã đặc biệt khó khăn đã tạo sự đồng thuận cao, được nhân dân đồng tình hưởng ứng, qua đó đã huy động được toàn bộ hệ thống chính trị, các ngành cùng xã hội, cộng đồng dân cư tham gia với ý thức và trách nhiệm cao.
Tương tự Võ Nhai, Đại Từ cũng là địa phương có kết quả thực hiện công tác giảm nghèo năm 2017 đạt cao (trên 1,5 nghìn hộ thoát nghèo), tương đương tỷ lệ 3,09% tổng số hộ toàn huyện thoát nghèo. Ông Nguyễn Đình Sáng, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Để thực hiện đạt kết quả trên, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn thực hiện Chương trình giảm nghèo và coi đây là nhiệm vụ quan trọng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các xã, thị trấn trên địa bàn cũng đã triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo cụ thể, phù hợp với điều kiện ở địa phương.
Qua đó, các chính sách hỗ trợ trực tiếp đối với hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ, kịp thời; việc triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế đã giúp cho các hộ nghèo có cơ hội đầu tư, phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Năm 2017, toàn huyện Đại Từ đã tổ chức dạy nghề cho trên 1,5 nghìn người; giải quyết việc làm cho trên 3 nghìn người; cấp gần 62 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số; giải ngân 4,4 tỷ đồng hỗ trợ về nhà ở cho 176 hộ nghèo; giải ngân cho trên 2,1 nghìn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay 270 tỷ đồng phát triển kinh tế…
Trên đây là hai địa phương điển hình làm tốt công tác giảm nghèo năm 2018. Theo thống kê đến hết năm 2017, trên toàn tỉnh còn trên 28,8 nghìn hộ nghèo, chiếm 9% trong tổng số trên 320 nghìn hộ gia đình trong toàn tỉnh. Với sự chỉ đạo mạnh mẽ của tỉnh, nỗ lực thực hiện của các ngành, địa phương, so với đầu năm 2017, toàn tỉnh đã giảm được 2,21% tỷ lệ hộ nghèo trong năm 2017. Kết quả này vượt 0,21% so với kế hoạch tỉnh đề ra.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Quyết, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để hoàn thành mục tiêu giảm ít nhất 2% số hộ nghèo trên địa bàn, năm 2017, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững: Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình 135, nhân rộng mô hình giảm nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các huyện đang triển khai xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với nhu cầu, điều kiện của hộ nghèo, khuyến khích huy động sự đóng góp trong dân và cộng đồng; xây dựng chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù, góp phần trợ giúp người nghèo là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở các xóm, bản đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, ổn định sản xuất và đời sống, tạo động lực mới trong công tác giảm nghèo và thực hiện công bằng xã hội...
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững; miễn giảm học phí và chi phí học tập giáo dục và đào tạo cho con em thuộc diện hộ nghèo; triển khai chương trình giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; tổ chức tuyển dụng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo vào làm việc tại Công ty Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên và các đối tác của Tập đoàn Samsung, các doanh nghiệp và xuất khẩu lao động….
Kết quả là, năm 2017, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho khoảng trên 21,4 nghìn lao động; dạy nghề cho hơn trên 36,7 nghìn người; cấp gần 374 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số với tổng kinh phí trên 250 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ nhà ở cho trên 1,1 nghìn hộ nghèo; hỗ trợ công trình nước sinh hoạt cho người nghèo với tổng số kinh phí gần 35,4 tỷ đồng, nâng tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 89%... Tính chung tổng nguồn vốn năm 2017 toàn tỉnh huy động cho chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo là gần 1,38 nghìn tỷ đồng trong đó ngân sách Trung ương là gần 660 tỷ đồng, ngân sách địa phương trên 124 tỷ đồng, vốn tín dụng gần 539 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Đức Quyết, với mục tiêu giảm nghèo bền vững, năm 2018, toàn tỉnh đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2% trở lên trong đó, số hộ nghèo trên các xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3,5% trở lên. Để thực hiện mục tiêu này, toàn tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền tạo chuyển biến trong chính quyền và các tầng lớp nhân dân về công tác giảm nghèo; tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo; tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện để khuyến khích sự tích cực, chủ động của người nghèo; huy động nguồn lực địa phương, cân đối nguồn lực của nhà nước cho các chính sách, chương trình giảm nghèo; ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng cơ sở và phát triển cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, xã, xóm đặc biệt khó khăn…