Khoảng 2 tháng nay, chợ đầu mối nông sản Cầu Mây (Phú Bình) đi vào hoạt động đã góp phần chấm dứt tình trạng chợ cóc tại khu vực tam giác cầu Mây. Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của chính quyền từ huyện đến cơ sở trong công tác vận động, tuyên truyền người dân.
Có vị trí thuận lợi, nằm sát tuyến Quốc lộ 37, là ngã 3 kết nối các xã Bảo Lý, Tân Kim, Tân Khánh, Bàn Đạt, Đào Xá… với khu vực trung tâm huyện và với T.P Thái Nguyên nên gần chục năm qua, khu vực tam giác cầu Mây (xóm Kiều Chính, xã Xuân Phương) được người dân lựa chọn là nơi buôn bán, kinh doanh. Dọc con đường bê tông rộng chưa đầy 5m ven sông Đào, bắt đầu từ tam giác cầu Mây đến đầu cầu dẫn vào xã Tân Kim, cả đoạn đường dài chưa đầy 50m nhưng có đến hàng chục hộ dân bày bán các mặt hàng từ đồ ăn tươi sống đến thức ăn chín. Thuận tiện cho cả người mua và người bán nên dần dần đây trở thành khu chợ tự phát, “chợ cóc” mà nhiều năm liền lực lượng chức năng, chính quyền xã Xuân Phương khó dẹp bỏ.
Để giải quyết thực trạng trên, đồng thời đáp ứng xu hướng phát triển chung của địa phương, huyện Phú Bình đã đề xuất xây dựng Chợ đầu mối nông sản Cầu Mây (chợ Cầu Mây) và được UBND tỉnh chấp thuận. Tháng 1 vừa qua, chợ Cầu Mây được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chợ được xây dựng trên tổng diện tích gần 7.000m2, có khu vực bán hàng ngoài trời, đình chợ và khu để xe rộng rãi. Để vận động người dân, tiểu thương bán hàng ở lề đường khu tam giác cầu Mây vào phía trong Chợ, khoảng 1 tuần trước ngày chợ hoạt động chính thức, cơ quan chức năng của huyện và chính quyền xã Xuân Phương đã có thông báo về lịch dẹp “chợ cóc”; tổ chức họp, lấy ý kiến và vận động các tiểu thương, người dân đăng ký bán hàng hàng tại khu chợ mới. Đồng thời, để quản lý hoạt động của chợ, UBND huyện đã tạm thời thành lập Tổ quản lý chợ Cầu Mây với 6 thành viên, gồm đại diện các phòng: Kinh tế hạ tầng, Tài chính - Kế hoạch của huyện và chính quyền xã Xuân Phương. Chợ có bảo vệ đảm nhiệm trông coi, quản lý các hoạt động chung. Được biết, từ khi mở cửa đến nay, địa phương vẫn chưa thu bất kỳ khoản phí nào, trung bình mỗi ngày có từ 30 - 40 tiểu thương vào trong chợ kinh doanh buôn bán.
Là một trong những tiểu thương đã vào buôn bán trong chợ Cầu Mây, chị Nguyễn Thị Phượng chia sẻ: Nhà ở xóm Tân Sơn 9 nên trước kia tôi thường đem lợn thịt đến bán ở khu tam giác Cầu Mây. Đường hẹp, đông người, nhiều xe ô tô chạy nên thường xuyên hít phải khói bụi. Biết là nguy hiểm nhưng do thuận đường, đông khách nên chúng tôi vẫn cứ liều. Khi được thông báo về khu chợ mới kinh doanh, tôi cũng rất băn khoăn, nhưng vì đây là chủ trương của địa phương, người dân chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành. Hiện tại, lượng khách mua tuy có giảm so với trước nhưng được chính quyền địa phương tạo điều kiện bước đầu, chúng tôi cũng bớt khó khăn.
Không chỉ thuận tiện cho người bán mà người mua cũng yên tâm khi đến đây. Anh Hoàng Văn Thịnh, người dân xã Đào Xá cho biết: Tôi làm nghề vận tải, chở hàng hóa thuê nên nhiều khi trở về nhà, gặp cảnh tắc đường rất khó chịu. Nay khu chợ cóc được giải tỏa, chợ mới được xây dựng rộng rãi đảm bảo thuận tiện cho người dân dừng đỗ xe mua hàng, chúng tôi rất an tâm khi lưu thông qua đây.
Có thể thấy, chợ Cầu Mây được xây dựng đã đem lại những lợi ích thiết thực cho người dân, tuy nhiên để đảm bảo Chợ Cầu Mây đi vào hoạt động ổn định và tránh tình trạng tái họp “chợ cóc”, theo ông Dương Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Phú Bình thì các ngành chức năng của huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức tự giác của người dân. Đồng thời lên phương án, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, quản lý chợ.