“An toàn là bạn”

14:39, 26/04/2018

Bắt đầu từ ngày 1-5 đến 31-5, cả nước sẽ triển khai “Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động” (ATVSLĐ). Thực tế cho thấy, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) đang có chiều hướng gia tăng, đòi hỏi các cấp chính quyền, người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải thật sự quan tâm, phòng ngừa. Có câu “An toàn là bạn, tai nạn là thù”, đây cũng là điều nhắc nhở chung cho mỗi người và cho toàn xã hội.

Nhắc đến ATVSLĐ khiến chúng ta nghĩ ngay tới các vụ TNLĐ điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh mấy năm gần đây. Đó là trường hợp nổ khí mê tan ở Mỏ than Phấn Mễ, nằm trên địa bàn xã Phục Linh (Đại Từ) xảy ra vào tháng 1-2016 làm 3 người chết. Đó là vụ nổ lò hơi gây hậu quả nghiêm trọng khiến 2 người chết và 6 người bị thương vào đầu tháng 11-2016 tại Công ty CP Xây dựng và Sản xuất vật liệu Thái Nguyên, thuộc phường Quan Triều (T.P Thái Nguyên). Đó là sự cố tràn nước thép gây nổ lò luyện thép xảy ra đầu tháng 7-2017 tại Công ty TNHH Hiệp Linh - đơn vị chuyên sản xuất phôi thép ở phường Mỏ Chè (T.P Sông Công) làm 4 công nhân thương vong và hơn 10 hộ dân lân cận bị ảnh hưởng.

Đánh giá của cơ quan chuyên môn cho thấy, tình hình TNLĐ xảy ra trên địa bàn tỉnh tiếp tục diễn biến phức tạp, số người chết, bị thương nặng có xu hướng gia tăng. Theo thống kê của Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, số người chết do TNLĐ trong năm 2016 đã lên đến 13 người và nhiều người bị thương nặng.  Năm 2017, toàn tỉnh có 150 vụ TNLĐ, tăng 99 vụ so với năm 2016, trong đó có 15 người chết, 21 người bị thương nặng. So với cả nước, tuy tỉnh ta may mắn không ở tốp 10 tỉnh, thành có số vụ TNLĐ và số người chết cao nhất, nhưng cũng trong diện đáng báo động và tình hình TNLĐ.

Cơ quan chuyên môn chỉ ra rằng, có 5 lĩnh vực sản xuất, kinh doanh xảy ra nhiều TNLĐ gây chết người nhất, trong đó lĩnh vực xây dựng đứng đầu, chiếm trên 20% tổng số vụ tai nạn và trên 19% tổng số người chết. Tiếp đến là  lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, luyện kim, nông, lâm nghiệp và cuối cùng là lĩnh vực dịch vụ. Qua phân tích trên 100 biên bản điều tra TNLĐ gây chết người năm 2017 của cả nước cho thấy, nguyên nhân chủ quan do NSDLĐ chiếm trên 45%. Trong đó, có tình trạng NSDLĐ không huấn luyện ATLĐ hoặc huấn luyện ATLĐ chưa đầy đủ cho NLĐ; thiết bị không đảm bảo ATLĐ; không trang bị phương tiện bảo hộ cá nhân trong lao động... Nguyên nhân do NLĐ chiếm khoảng 20%. Trong đó, chủ yếu do NLĐ thiếu thông tin, kiến thức, chủ quan, coi nhẹ vấn đề ATLĐ, vi phạm quy trình, quy chuẩn ATLĐ hay không sử dụng phương tiện bảo hộ cá nhân, nên khi xảy ra TNLĐ thường nghiêm trọng, gây chết người.

Trước thực tế này, trong “Tháng hành động về ATVSLĐ” toàn quốc năm nay, chúng ta quyết định lựa chọn chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc để hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp”. Thông qua đây, nhằm thúc đẩy công tác phối hợp giữa công đoàn với các cơ quan chức năng, chính quyền đồng cấp và giữa công đoàn cơ sở với NSDLĐ để triển khai các chương trình hành động cụ thể, đẩy mạnh phong trào quần chúng làm công tác ATVSLĐ. Tất cả hướng tới mục tiêu phòng ngừa, hạn chế TNLĐ, bệnh nghề nghiệp và xây dựng văn hóa an toàn tại nơi làm việc.

Mặc dù chủ đề và mục tiêu của Tháng hành động tương đối dài, song gói lại an toàn vẫn là trên hết. Muốn an toàn, không có cách nào khác phải chủ động phòng ngừa, đừng để TNLĐ xảy ra rồi mới tính đến chuyện rút kinh nghiệm, tìm cách khắc phục. Câu khẩu hiệu “An toàn là bạn, tai nạn là thù” luôn luôn đúng trong mọi hoàn cảnh. Muốn vậy, không chỉ NLĐ và NSDLĐ quan tâm mà rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền và toàn xã hội. Trong đó, đầu mối phải từ các tổ chức công đoàn cơ sở, nơi có điều kiện trực tiếp tiếp xúc với NSDLĐ và NLĐ. Theo đó, tổ chức công đoàn cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra công tác huấn luyện ATVSLĐ cho NLĐ; tăng cường kiểm định máy móc, thiết bị, vật tư theo yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; tích cực đánh giá, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm và có hại tại nơi làm việc ở các doanh nghiệp thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ, bệnh nghề nghiệp (như: khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, sử dụng nồi hơi, thiết bị nâng, hàn cắt kim loại, làm việc trong không gian hạn chế, môi trường nhiều hóa chất…)

Mặt khác, công đoàn cơ sở cần tăng cường phối hợp với NSDLĐ tổ chức tập huấn về công tác ATVSLĐ cho NLĐ và mạng lưới an toàn vệ sinh viên; đánh giá, rà soát, bổ sung kế hoạch, các nội quy, quy trình, biện pháp kỹ thuật ATLĐ, phòng chống cháy nổ tại các bộ phận, phân xưởng, công trường; đánh giá các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ, từ đó đề ra các biện pháp phòng ngừa TNLĐ hiệu quả. Tích cực tổ chức phong trào thi đua về ATVSLĐ, phong trào xanh, sạch, đẹp nơi làm việc. Đặc biệt, để nâng cao trách nhiệm của NSDLĐ, hạn chế tối đa các vụ TNLĐ đáng tiếc xảy ra, cần thiết phải siết chặt hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát ATVSLĐ, tiến hành khởi tố đối với các vụ TNLĐ có tính chất nghiêm trọng.