Năm 2018 là năm thứ ba thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội 5 năm, giai đoạn 2015-2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đây cũng là năm thứ sáu thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 22/11/2012 của Bộ Chính trị về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (BHXH, BHYT) giai đoạn 2012-2020. Để bạn đọc có cái nhìn rõ hơn về công tác thực hiện các chính sách, chế độ BHXH trên địa bàn tỉnh, phóng viên (PV) Báo Thái Nguyên đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Chí Dũng, Giám đốc BHXH tỉnh Thái Nguyên xung quanh vấn đề này.
P.V: Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật của BHXH Thái Nguyên trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018? Đặc biệt, BHXH tỉnh đã triển khai những biện pháp gì nhằm tránh bội chi Quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) của tỉnh?
Ông Ngô Chí Dũng: Những năm gần đây, tình hình phát triển sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tương đối thuận lợi, tuy nhiên vẫn còn một số doanh nghiệp gặp khó khăn, sản xuất kinh doanh không ổn định. Chính vì vậy, tình trạng chậm nộp, trốn đóng BHXH, BHYT tại các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tái diễn, nhiều đơn vị nợ đọng kéo dài, khó khăn cho công tác thu, giảm nợ đọng; hoạt động của tổ chức công đoàn ở các đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế chưa mạnh dạn đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của người lao động; việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tuy đã đạt được kết quả nhưng chưa đồng đều ở các loại hình tham gia; việc khai thác mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện còn nhiều hạn chế, tỷ lệ tham gia còn thấp; hoạt động của hệ thống đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế còn chưa đồng đều...
Trước tình hình đó, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh đã tích cực tham mưu đề xuất với lãnh đạo BHXH Việt Nam, lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, đồng thời tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, địa phương trên địa bàn triển khai thực hiện các văn bản của Bộ Chính trị, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về công tác đôn đốc thu nộp BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN); rà soát, bàn giao sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động; đồng bộ hóa dữ liệu hộ gia đình; kiểm soát chặt chẽ công tác quản lý tài chính, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, giám định chi phí khám, chữa bệnh BHYT; đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ các đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội...
Kết quả, trong năm 2017, số đối tượng tham gia BHXH, BHYT đạt 1.222.589 người, bằng 100,12% kế hoạch BHXH Việt Nam giao. Trong đó có 220.482 người tham gia BHXH bắt buộc, 1.218.645 người tham gia bảo hiểm y tế; tổng số thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đạt trên 4.609 tỷ đồng, bằng 103,08% kế hoạch giao, tăng 13,55% so với cùng kỳ năm 2016; số nợ đọng khối đơn vị sử dụng lao động giảm xuống mức thấp nhất từ trước tới nay (0,82% số phải thu)...
Đặc biệt, nhằm tránh bội chi Quỹ KCB BHYT, năm 2017 BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp đồng bộ. Cụ thể: tTranh thủ sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp; sự phối hợp của các cơ sở KCB để tiến hành giao quỹ cho từng cơ sở theo dự toán của Chính phủ và BHXH Việt Nam, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Định kỳ tổ chức họp với tất cả các cơ sở KCB để đánh giá rút kinh nghiệm trong công tác KCB, chỉ rõ các nguyên nhân vượt trần, vượt quỹ đặc biệt là nguyên nhân chủ quan để chấn chỉnh kịp thời hiện tượng trục lợi quỹ như: Quản lý chặt chẽ bệnh nhân điều trị nội trú, bệnh nhân chuyển tuyến; kiểm tra việc chỉ định dùng thuốc và các dịch vụ cận lâm sàng không phù hợp với chẩn đoán, đưa vào các thuốc hỗ trợ, thuốc có hàm lượng, dạng bào chế không phổ biến, giá thành cao, có tính chỉ thầu gây gia tăng chi phí không cần thiết; nếu phát hiện có tình trạng lạm dụng quỹ sẽ tạm dừng ký hợp đồng KCB.
Thành lập các tổ công tác để kiểm tra đột xuất tình hình quản lý bệnh nhân điều trị nội trú ở các cơ sở KCB, đặc biệt ở ngoài giờ hành chính; kiểm tra định kỳ việc chỉ định và sử dụng thuốc và các dịch vụ kỹ thuật để phát hiện kịp thời những bất hợp lý gây ra tăng chi phí. Phối hợp với BHXH các huyện tăng cường công tác giám định để loại bỏ các nguyên nhân chủ quan như: Chỉ định cận lâm sàng rộng rãi; Sử dụng thuốc chưa sát với chẩn đoán bệnh, kiên quyết từ chối thanh toán những chi phí do nguyên nhân chủ quan của các cơ sở KCB. Tích cực đổi mới phương pháp giám định để phù hợp với thực tế nhằm kiểm soát chặt chẽ chi phí thuốc, vật tư y tế, các dịch vụ kỹ thuật; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện thống kê giám định trên phần mềm giám định BHYT để kiểm soát thông tuyến, phát hiện các chi phí bất thường. Định kỳ 10 ngày tổng hợp chi phí KCB BHYT của từng cơ sở KCB và toàn tỉnh để đánh giá diễn biến bất thường về tần suất KCB và chi phí bình quân, nguyên nhân gia tăng (tăng sử dụng dịch vụ, kéo dài ngày điều trị....) để kịp thời làm việc với từng cơ sở KCB hoặc tổ chức họp với các cơ sở KCB có vấn đề gia tăng bất thường để có biện pháp điều chỉnh, không để vượt trần, vượt quỹ do các nguyên nhân chủ quan do buông lỏng quản lý.
P.V: Để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác trọng tâm cũng như một số chỉ tiêu chủ yếu trong năm 2018, BHXH tỉnh có những giải pháp như thế nào?
Ông Ngô Chí Dũng: Trong năm 2018, Với mục tiêu tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 30-5-2013 của Tỉnh ủy hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020, BHXH tỉnh Thái Nguyên đã đề ra một số giải pháp, trong đó chú trọng: tích cực tham mưu và tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; duy trì hoạt động, tiếp tục kiện toàn Tổ công tác liên ngành thực hiện nhiệm vụ phát triển đối tượng tham gia và thu hồi nợ đọng; tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông, đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, giúp đông đảo nhân dân và người lao động nâng cao nhận thức về Luật BHXH, Luật BHYT; tích cực rà soát, thực hiện các biện pháp phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, trong đó tập trung chú trọng các đơn vị ngoài Nhà nước, hộ kinh doanh cá thể; tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác giám định BHYT tại các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT nhằm đáp ứng yêu cầu giám định, bảo đảm quyền lợi cho người có thẻ BHYT khi đi khám, chữa bệnh, hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ bảo hiểm y tế; đẩy mạnh công tác cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và chất lượng phục vụ nhân dân... Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cụ thể hóa các nội dung học tập vào các công việc, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, từng cá nhân.