Hiến mô, tạng: Việc làm ý nghĩa và vô cùng cao đẹp

09:16, 17/04/2018

Những năm gần đây, kỹ thuật chuyên sâu ghép tạng ở nước ta đã có bước tiến kỳ diệu, mỗi năm lại xác lập thêm những thành tựu mới, khẳng định bước tiến vượt bậc không kém so với y học thế giới. Đến nay, Việt Nam đã làm chủ được các kỹ thuật ghép tạng quan trọng nhất và thường gặp trong lâm sàng như thận, tim, gan, tụy, phổi với hơn 1.500 ca, tỷ lệ ghép thành công tương đương nhiều nước tiên tiến trên thế giới. Chỉ tính riêng năm 2017, ngành Y tế nước ta đã thực hiện được 664 ca ghép tạng, trong đó 631 ca ghép thận; 29 ca ghép gan; 3 ca ghép tim và một ca ghép phổi.

Ngày 29/11/2006, Quốc hội đã ban hành Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác. Nhằm góp phần đẩy mạnh công tác truyền thông, thúc đẩy việc hiến tặng mô, tạng và quản lý, điều phối việc lấy, ghép bộ phận cơ thể của người hiến; thực hiện việc quản lý, lưu trữ các thông tin liên quan đến hiến, lấy, ghép mô, tạng; điều phối kết hợp giữa nhu cầu của những người cần được ghép với khả năng cung cấp mô, tạng của các ngân hàng mô và của các cơ sở y tế, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người trực thuộc Bộ Y tế, chính thức đi vào hoạt động từ ngày 29/6/2013.

Những ngày cuối tháng 2 vừa rồi, chúng ta không khỏi xúc động khi đôi mắt của bé Nguyễn Hải An (7 tuổi, Hà Nội) trước khi qua đời do bệnh hiểm nghèo đã được ghép thành công cho 2 bệnh nhân là cụ bà 73 tuổi (bị mù do sẹo giác mạc cả 2 mắt nhiều chục năm nay) và một người đàn ông 42 tuổi (không nhìn thấy 8 năm nay do đục giác mạc di truyền). Đây là hai bệnh nhân may mắn hoà hợp về các chỉ số y học trong số hơn 1.000 bệnh nhân mù lòa chờ ghép giác mạc. Mỗi bệnh nhân được ghép một mắt. Tâm nguyện của bé Hải An cùng gia đình cuối cùng đã thành hiện thực, dù bé không còn nhưng một phần thân thể bé vẫn giúp ích những người còn sống tìm thấy ánh sáng.

Cũng vào ngày 27-2 vừa qua, nữ sinh P.H.T 25 tuổi quê ở Ninh Thuận bị suy thận mãn giai đoạn cuối đã được cứu sống nhờ nguồn tạng từ một bệnh nhân 45 tuổi ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhanh chóng làm các thủ tục xét nghiệm và lựa chọn được bệnh nhân P.H.T là người may mắn được nhận quả thận từ người hiến. Mặc dù hoàn cảnh gia đình của T. rất khó khăn, không đủ chi phí để thực hiện ca ghép tạng nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn tổ chức ghép thận cho bệnh nhân thành công. Đến nay, cuộc sống của bệnh nhân đã trở về gần như bình thường, chức năng thận tốt.

Hiện nay ở nước ta có hàng chục nghìn người đang cần ghép mô, tạng để tiếp tục duy trì sự sống song chưa thể thực hiện được vì không có đủ nguồn mô, tạng hiến tặng để ghép. Có thể nói, rất nhiều trường hợp suy nội tạng sẽ được cứu sống nếu như chúng ta có nguồn hiến tặng thích hợp vì ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi hết sức đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa xã hội, song cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế. Nguồn hiến mô, tạng chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu thực tế. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức của mọi người về việc hiến tặng mô, tạng chưa cao; quan niệm về cái chết toàn thây còn nặng nề, do đó rất cần tuyên truyền tích cực, rộng rãi trong cộng đồng xã hội, nhất là các nhà tâm linh giữ một vai trò hết sức quan trọng.

Tâm nguyện làm việc thiện hầu như ai cũng có, đặc biệt người Việt Nam ai cũng thấm nhuần truyền thống “lá lành đùm lá rách”. Việc đem đến sự sống cho người khác bằng hiến tặng mô, tạng khi còn sống hoặc sau khi chết là việc làm ý nghĩa và vô cùng cao đẹp. Sau tấm gương của bé Nguyễn Hải An - cô bé 7 tuổi mắc bệnh u não hiếm gặp, đã hiến giác mạc của mình sau khi qua đời - đã có rất nhiều người đến Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia để đăng ký hiến tạng. Số lượng cuộc gọi tới đường dây nóng và thư gửi tới email của Trung tâm để xin tư vấn về thủ tục đăng ký hiến tạng cũng tăng gấp nhiều lần bình thường.
Trong cuộc đời, sinh có hẹn, tử bất kỳ. Nếu ai đó thể hiện tâm nguyện sẵn sàng hiến tặng mô, tạng sau khi chết thì hành động đó phải là hành động của một người đầy quả cảm, nhân ái và trí tuệ; những người thân của họ không thể không tự hào, hãnh diện. Nếu trong cộng đồng xã hội có càng nhiều người hiến tặng mô, tạng thì xã hội đó sẽ an bình biết bao nhiêu và nhiều người bệnh sẽ có cơ hội được sống lại cuộc đời thứ hai sau khi nhận được mô, tạng để ghép. Hơn thế, khi một người ra đi với ý nguyện hiến tặng mô, tạng cho đời thì người đó thực sự “sống mãi” trong niềm yêu thương, tôn kính của người đời.