Luôn mong muốn người dân có nhà văn hóa để sinh hoạt, năm 2017, ông Trần Quang Tung (sinh năm 1958), Bí thư Chi bộ xóm 10, xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) đã không ngần ngại hiến gần 1.000m2 đất để xây dựng. Tính đến nay, ông đã hiến hơn 2.000m2 đất để làm đường giao thông cũng như các công trình công cộng khác của xóm. Không chỉ tiên phong, gương mẫu đối với phong trào chung, ông Tung còn cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Theo nhận xét của ông Trần Hồng Thái, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Phúc Tân: Xóm 10 là một trong những xóm vùng sâu vùng xa, đặc biệt khó khăn của xã. Tuy nhiên khoảng 3 năm trở lại đây, kinh tế - văn hóa của xóm dần khởi sắc. Có được kết quả này phải kể đến vai trò của đội ngũ lãnh đạo xóm, trước hết là ông Trần Quang Tung, Bí thư Chi bộ xóm. Trở về địa phương sau những năm tháng chiến tranh, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông Tung đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của xóm. Từ năm 1994 đến nay, dù giữ vai trò là Trưởng xóm, Phó Bí thư Chi bộ hay Bí thư Chi bộ, ông Tung đều nhiệt tình, gương mẫu, không quản ngại khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Chia sẻ về quá trình xây dựng nhà văn hóa xóm 10, ông Trần Quang Tung cho biết: Kế hoạch xây dựng nhà văn hóa xóm được đưa ra từ cách đây hơn 5 năm, tuy nhiên, do không có quỹ đất cùng với đời sống người dân còn quá khó khăn nên chưa thể thực hiện. Vì không có nhà văn hóa nên hầu hết các hoạt động tập thể của xóm đều tổ chức ở nhờ nhà dân. Đến năm 2017, tôi đã bàn bạc với vợ và các con hiến gần 1.000m2 đất trồng chè để xóm làm nhà văn hóa. Diện tích trên nếu để trồng chè, hằng năm, có thể mang lại nguồn thu nhập hơn 40 triệu đồng, song không vì thế tôi tính toán thiệt hơn mà tất cả vì lợi ích chung.
Từ việc làm của ông Tung, người dân trong xóm đều đồng tình ủng hộ, đóng góp tiền của, ngày công lao động xây dựng nhà văn hóa, Đến nay, nhà văn hóa đang được hoàn thiện với diện tích 130m2, kinh phí trên 500 triệu đồng. Theo anh Trần Xuân Quỳnh, người dân xóm 10, công trình nhà văn hóa được xây dựng, người dân ai nấy đều phấn khởi. Nếu không có người hy sinh vì lợi ích chung như ông Tung thì chưa biết đến bao giờ xóm mới có nhà văn hóa để sử dụng.
Trong năm 2017, gia đình ông Tung cũng đã đi đầu trong việc hiến hơn 1.000m2 đất đang trồng chè để Nhà nước thi công tuyến đường vành đai vùng bán ngập khu vực lòng hồ Núi Cốc, đoạn đi qua xóm 10 với chiều dài 1,8km. Được biết, trước đó việc tuyên truyền, vận động bà con hiến đất làm tuyến đường này cũng gặp không ít khó khăn. Bởi, đất hai bên đường chủ yếu là trồng chè đang cho thu hoạch nên không phải ai cũng sẵn sàng chặt bỏ chè để hiến đất mở rộng đường. Những ngày ấy, hằng ngày người ta bắt gặp hình ảnh ông Tung lặn lội qua những con đường rừng, đến từng hộ gia đình vận động, tuyên truyền để bà con hiểu được ý nghĩa khi tuyến đường khi được hoàn thiện. Có những hộ, đến một lần chưa được, lần sau ông lại đến, khi nào người dân đồng thuận mới thôi. Trước sự nhiệt tình cùng với tinh thần gương mẫu của ông, hơn 50 hộ dân khác đã đồng thuận hiến trên 19.000m2 để làm tuyến đường. Từ đó đến nay, phong trào hiến đất làm các công trình công cộng tại địa phương ngày càng phát triển, hiện các hộ đã bàn giao xong mặt bằng để làm hơn 1km tuyến đường nhánh của xóm.
Hơn 20 năm làm cán bộ xóm, ông Tung luôn gương mẫu, vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định chung của địa phương. Cùng với đó, ông còn tích cực tuyên truyền, vận động người dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Xóm 10 hiện có 74 hộ dân và 338 nhân khẩu, trong đó 25% là dân tộc Sán Dìu. Với lợi thế đồi rừng, cùng với phát triển kinh tế rừng và chăn nuôi, năm 2010, ông Tung đã cùng lãnh đạo xóm vận động bà con đưa chè cành vào trồng thay thế chè trung du, nhằm nâng cao thu nhập. Đến nay, xóm 10 có trên 15ha chè (90% diện tích chè cành), bình quân mỗi héc-ta cho thu hoạch 115 tạ chè búp tươi, sau khi trừ chi phí người dân thu lãi gần 70 triệu đồng. Nhờ đó, đời sống thêm khấm khá, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo từ 50% (năm 2010) xuống còn 20% (năm 2017); thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng/người/năm… Chia sẻ với chúng tôi, ông Tung khẳng định: Những việc tôi làm không nhằm mục đích để được tuyên dương, khen thưởng mà mong muốn lớn nhất là đời sống người dân thêm khấm khá.
Hiện nay, dù một bên mắt đã hỏng, bên còn lại thị lực rất kém, có lúc trái gió trở trời, sức khỏe yếu đi, song, hằng ngày ông Tung vẫn luôn tận tụy, nỗ lực hết mình hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm thiết thực, luôn đặt lợi ích tập thể lên trên hết, người Bí thư Chi bộ ấy xứng đáng với sự tin tưởng, kỳ vọng của người dân địa phương. Chính niềm tin yêu và sự ủng hộ của bà con là động lực giúp ông quên đi mệt mỏi, tiếp tục góp sức mình cống hiến cho xã hội.