Đường Trường Sơn - con đường huyền thoại đã từng ghi dấu những cuộc hành quân làm nên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Trong đoàn quân ra trận ấy có những bước chân thầm lặng của đội quân giáo dục, nhà giáo - chiến sĩ. Hơn bốn chục năm qua, những nhà giáo - chiến sĩ ngày ấy giờ chân đã chậm, mắt mờ, nhưng họ vẫn luôn tự hào về một thời vừa cầm phấn vừa cầm súng...
Những ngày cuối tháng Tư, Hội Cựu giáo chức tỉnh lại tất bật với những cuộc điện thoại, sau lời thăm hỏi sức khỏe là những tiếng cười giòn giã như thể anh em ruột thịt lâu ngày gặp lại. Nhà giáo Bùi Điệp, Chủ tịch Hội cho biết: “Ngày đó ở Ty Giáo dục Việt Bắc có gần ba chục anh, chị tham gia vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, làm nhiệm vụ phát triển văn hóa, giáo dục cách mạng; làm công tác địch vận ngay trong vùng địch kiểm soát, vùng chưa giải phóng. Giờ chỉ còn hơn chục người, già yếu cả rồi, nhưng mỗi con người như một biểu tượng về lòng dũng cảm, sẵn sàng hy sinh để đem ý chí, lòng nhiệt tình cách mạng vun đắp cho sự nghiệp giáo dục cách mạng”.
Dù sức khỏe không được tốt nhưng thầy giáo - chiến sĩ Phạm Mạnh Cường (sinh năm 1944, tại xóm Văn Hữu, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ) vẫn luôn nhớ về những tháng ngày vừa dạy chữ, vừa làm công tác địch vận tại vùng núi Xa Mát (Tây Ninh). Không nói được nhiều, nhưng cánh tay gầy guộc của thầy ôm chặt cả thùng đựng ảnh tư liệu như những thước phim ghép lại về một thời đi B. Năm 1968, thầy Cường cùng hàng trăm giáo viên trẻ đi B làm nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, giáo dục và làm công tác địch vận trong vùng địch chiếm đóng. Ngày đi, các nhà giáo chỉ có ba lô tư trang, không có vũ khí, theo các cánh quân vượt rừng Trường Sơn sang cả nước bạn Lào, Cam-pu-chia, gần 5 tháng mới đến Tây Ninh, công tác tại Trung ương Cục miền Nam. Nhiệm vụ ban đầu là tập hợp du kích, con cán bộ cách mạng dựng lớp học để đêm thắp đuốc xuống ấp dạy văn hóa, ngày trốn vào rừng sâu.
Thầy Cường bồi hồi: “Trong bóng đêm, mỗi lớp học chỉ có vài học sinh sàn sàn lứa tuổi, trò biết mặt thầy qua ánh đèn dầu, còn thầy không thể nhớ nổi trò. Lâu lâu lớp lại vắng vài em và lại có thêm vài em do vừa học vừa đi làm nhiệm vụ đặc biệt của du kích và Trung ương Cục giao trực tiếp. Năm 1970, trong một trận càn của Mỹ, máy bay rà đi, rà lại khắp căn cứ, súng bắn liên hồi. Chúng tôi được giao mỗi người một khẩu súng sẵn sàng chiến đấu và chiếc ống sậy cùng học trò ngụp sâu dưới sình lầy, đội đám lá lục bình ngụy trang và ngậm ống sậy lấy không khí. 11 người đã anh dũng hy sinh trong trận càn ấy. Tôi và đồng đội, các học trò gạt nước mắt truy điệu và tiễn đưa các anh, các chị, các học trò về nơi an nghỉ cuối cùng. Chiến tranh, ly gián của kẻ địch khốc liệt là vậy, nhưng tình người như được nhân lên bội phần. Mọi người từ Bắc chí Nam hội tụ như anh em một nhà, quyết chí chiến đấu cho độc lập, tự do đối mặt với gian nguy không ai nao núng sờn lòng, đánh mất nhuệ khí cách mạng. Sau khi giải phóng miền Nam (năm 1975), tôi trở về Đồng Hỷ tiếp tục nghề dạy học. Hơn 8 năm ở B2 (Tây Ninh), rất nhiều thế hệ học trò đã trưởng thành và mỗi dịp 30-4 hàng năm, các anh, chị trong Nam lại gọi điện thăm tôi, có người đi công tác ra Bắc cũng ghé lại nhà tôi chơi. Sau này tôi mới biết lứa học trò ngày ấy có chị Phan Thị Quyên (vợ Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi).
Theo giới thiệu của lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ, chúng tôi đến gặp thầy Nguyễn Đình Sơn tại xã Thịnh Đức (T.P Thái Nguyên) và thầy giáo Nguyễn Văn Sang, nguyên Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đồng Hỷ. Cả hai thầy đều là cựu nhà giáo chiến sĩ đi B giai đoạn 1972-1976 và đều đã bước sang tuổi 74. Thầy Sơn khi đi vào vùng Bình Định đang là Hiệu trưởng Trường cấp 2 Đoàn Kết (Đồng Hỷ), còn thầy Sang cũng là giáo viên Trường cấp 2 Hóa Thượng (Đồng Hỷ), đi B vào vùng Quảng Nam. Cả hai thầy đều ở giáp ranh với vùng địch kiểm soát và hoạt động bí mật. Thầy Sang nhớ lại: “Sau gần 4 tháng hành quân vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào chúng tôi trở lại theo lối mòn để cùng các đơn vị dựng lớp học và vận động nhân dân địa phương kết nối với du kích mở lớp bồi dưỡng văn hóa cho du kích, cán bộ cơ sở. Mỗi lớp học treo vài chiếc võng, tối thắp đèn học văn hóa, xong xếp bàn căng võng ngủ vắt vẻo cả tháng trời. Ngày cùng nhân dân làm nương rẫy, trồng rau và đón các đoàn bộ đội hành quân vào Nam hoặc con em cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, hỗ trợ chăm sóc thương, bệnh binh…Những tưởng chỉ có vậy, nhưng khi được trang bị vũ khí, chúng tôi mới biết đang nằm trong vùng cài răng lược giữa ta và địch. Còn học trò thì không rõ họ, tên vì nguyên tắc hoạt động bí mật và cũng không cố định lớp học. Khi thì vượt rừng đến điểm dân cư mở lớp, khi thì nhận thêm du kích từ các địa phương khác đến hoạt động kết hợp học văn hóa. Thú thực là lúc nào cũng có súng trong tay và cũng không ít lần lên đạn để đối đầu với địch…Nhưng giờ chúng tôi nghiệm thấy: Không đâu bằng thế trận lòng dân, sống dựa vào dân và phải có quần chúng nhân dân bao bọc mới có thể an toàn và giành chiến thắng. Không có sự che trở của nhân dân, chắc chắn sẽ có không ít cán bộ của ta bị rơi vào tay địch. Những trận pháo kích kéo sập phòng học, thầy, trò vùi trong đất cát và cây rừng lại tìm nhau dựng lán duy trì lớp học mỗi tối. Có những buổi lên lớp cả thầy, trò cùng chịu những cơn sốt rét giật co người. Người khỏe chăm người ốm, cáng nhau lên các lán trại trên nương rẫy của đồng bào chữa trị để bám trụ trường lớp cho đến ngày giải phóng…”.
Chiến tranh đã lùi xa, trở về quê hương, các nhà giáo - chiến sĩ lại tiếp tục sự nghiệp trồng người trong thời bình. Những câu chuyện kể về năm tháng gian nguy mà hào hùng của các thầy như tiếp thêm truyền thống cách mạng cho các thế hệ mai sau. Hàng năm đến ngày toàn thắng 30-4, không hẹn, các nhà giáo - chiến sĩ cũng tìm đến thăm hỏi nhau, như thể anh em ruột thịt trong nhà. Thầy giáo Nguyễn Văn Sang bảo: “Tôi nhớ mãi khoảnh khắc những cách tay gầy guộc lấm chấm đồi mồi siết chặt lấy nhau, mắt nhòa đi trong xúc động của những anh chị một thời là học trò trong lớp học chốn rừng sâu nghẹn ngào thốt lên hai tiếng Thầy ơi rất đỗi thân thương khi sau này học trò miền Nam ra Bắc”.
Còn tôi, người viết bài này nghiệm ra rằng lớp học trò chốn rừng sâu ngày ấy chính là chiến công thầm lặng của những nhà giáo - chiến sĩ đi B. Các thầy đã đào tạo nên đội quân du kích tinh nhuệ hiệp lực cùng bộ đội giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Họ cũng là những hạt nhân chính trị vun đắp cho sự nghiệp giáo dục cách mạng sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.