Những nữ chiến sĩ trên tuyến lửa Trường Sơn

18:02, 29/04/2018

"Ơi cô gái Trường Sơn, bao đêm em đi mở đường, cho từng chuyến xe anh qua, vang giọng hát em ngân xa…. Tuổi thanh xuân đến với núi rừng, dù bom rơi mưa dông nắng lửa, vượt hiểm nguy em băng băng qua, mở đường xe anh ra tiền tuyến…". - Mỗi dịp 30-4 về, những câu hát trong bài Đường Trường Sơn xe anh qua càng ngân lên da diết. Khi đó, có những cô gái Thái Nguyên đã gác lại tuổi xuân, cùng với hàng vạn nữ chiến sĩ từ khắp nơi tham gia mở đường Trường Sơn huyền thoại.…

Một thời mưa bom, bão đạn

Năm 1959, ta quyết định mở tuyến đường vận tải chiến lược Trường Sơn để chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam. Từ năm 1959-1975, trên tuyến đường này đã diễn ra nhiều trận chiến đấu vô cùng khốc liệt. Mỹ, Nguỵ đã thả xuống hàng triệu tấn bom đạn các loại, chất hoá học nhằm cắt đứt giao thông tuyến đường. Hàng vạn lượt thanh niên miền Bắc nô nức lên đường nhập ngũ, sẵn sàng hy sinh để chi viện cho chiến trường Miền Nam. Những năm tháng hào hùng ấy, Thái Nguyên cũng có khoảng gần một nghìn cô gái tuổi mười tám, đôi mươi tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ. Dù chiến trường khó khăn, khốc liệt với mưa bom bão đạn, khí hậu khắc nghiệt của núi rừng Trường Sơn song các cô gái đã vượt lên tất cả những khó khăn, thiếu thốn và cả những hy sinh mất mát để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Bà Nguyễn Thị Ngãi, xã Đào Xá (Phú Bình) là một người như thế. Xung phong lên đường từ khi chưa tròn 18 tuổi, tham gia đơn vị công binh - Đoàn 559, nhiệm vụ chính của bà là trực chiến, đào hầm, san đồi đặt bộc phá đá, mở đường. Bà Ngãi bồi hồi nhớ lại: Nhiều lần chúng tôi suýt chết khi đang phát tuyến, xả bạt san đường thì máy bay địch bất ngờ đến thả bom, chị em nháo nhác chui vào hầm. Dù hàng ngày phơi mình giữa trời nắng nóng như đổ lửa ở lưng chừng núi, hay rầm mình trong mưa rét, bụng đói, mắt mờ, cơn sốt rét bao vây nhưng điều khiến chúng tôi đau đớn nhất vẫn là chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh.

Còn bà Dương Thị Khuyến, xã Bình Yên (Định Hoá) thuộc Binh trạm 66B cho hay: Nhiệm vụ của chúng tôi là vận chuyển vũ khí, lương thực, xăng dầu, thuốc men… Cứ ban đêm trực bốc dỡ hàng, phân loại sơ tán hàng hoá, ban ngày cấp phát, vận chuyển, đào hầm… Khi ấy, toàn đường đèo, phải leo dốc, xuống khe mây mù song chúng tôi ngày đêm vẫn bám đường, chị em lấy sức người thay thế phương tiện, bất chấp máy bay, bom đạn để vận chuyển vũ khí, hàng hoá về tới đích kịp phục vụ chiến trường. Vất vả, gian khổ nhưng ai cũng hừng hực khí thế, vượt qua tất cả để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Nghĩa tình đồng đội

Căn nhà bà Đào Thị Bích Thuỷ, Trưởng ban Liên lạc nữ Trường Sơn (Ban) hôm nay tràn ngập tiếng cười nói của đồng đội. Ai cũng tự hào khoác lên mình bộ quân phục màu xanh áo lính. Gần 20 nữ cựu binh đại diện cho các chi hội gặp mặt ở đây để cùng bàn bạc, chuẩn bị công việc cho Đại hội lần thứ II, (nhiệm kỳ 2018-2021) của Ban, thăm hỏi các hội viên đang bị ốm, huy động chị em cùng chung tay giúp đỡ hội viên nghèo và một số hoạt động khác nhân kỷ niệm ngày 30/4. Được thành lập từ năm 2016, đến nay Ban liên lạc nữ Trường Sơn có 120 hội viên đang sinh hoạt ở 9 chi hội trong đó có 4 chi hội ở các huyện và 5 chi hội ở thành phố. Đã từng sống chết có nhau nơi Trường Sơn năm xưa, nên giờ đây ai cũng nhớ về đồng đội, dành cho nhau những tình cảm ấm nồng cũng như chia sẻ giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Đến nay, sau 3 năm thành lập, Ban đã giúp đỡ, thăm hỏi cho hàng chục chị em và người nhà bị ốm đau hoạn nạn, thiên tai lũ lụt, tai nạn giao thông với số tiền gần 70 triệu đồng, điển hình như chị Phượng (Đại Từ), chị Nguyễn Bích Thảo (Hoàng Văn Thụ), chị Hà (T.P Thái Nguyên)… Ngoài ra, Ban còn cùng với Ban liên lạc Hội truyền thống Trường Sơn - Hồ Chí Minh Việt Nam của tỉnh kêu gọi được 45 triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa cho hội viên; vận động thành viên, các tổ chức, cá nhân hảo tâm ủng hộ, duy trì quỹ hội hàng năm được trên 10 triệu đồng.

Song do là tổ chức xã hội hoạt động trên tinh thần tự nguyện, không có kinh phí nên việc hỗ trợ cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn gặp nhiều hạn chế. Có một trường hợp mà các thành viên trong Ban luôn đau đáu nhưng vẫn chưa giúp được trọn vẹn đó là hoàn cảnh của bà Bùi Thị Tâm ở Tổ 7, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên). Bà Tâm quê ở Thanh Hoá, tình nguyện nhập ngũ năm 20 tuổi, là công binh thuộc Sư đoàn 473. Sau 4 năm đi bộ đội, bà về làm việc tại Ty Thương nghiệp Bắc Thái. Hết thời bao cấp đơn vị này giải thể nên bà không có chế độ gì. Bà kết hôn và có hai con, nhưng rồi cuộc hôn nhân đổ vỡ, người con cả theo bố rồi mất liên lạc. Bà mua được một căn hộ cũ để ở. Nhưng đến năm 2012, con trai bà bị bệnh ung thư, không có tiền bà đành bán căn hộ đi để chữa bệnh cho con. Song bệnh con không chữa khỏi, mà nhà cũng mất. Hiện bà đang ở nhờ nhà người quen ở phường Hương Sơn (T.P Thái Nguyên). Tuổi già, ốm đau, bệnh tật, song hàng ngày bà rong ruổi cùng chiếc xe đạp cũ đi khắp thành phố để nhặt phế liệu lấy tiền đắp đổi qua ngày.

Bà Thuỷ cho hay, với hoàn cảnh của bà Tâm, chúng tôi đang phát động mỗi hội viên đóng góp 150.000 đồng vừa để ủng hộ vào Quỹ xây nhà tình nghĩa của Ban liên lạc truyền thống Trường Sơn - Hồ Chí Minh, vừa để trực tiếp giúp đỡ gia đình bà xây dựng căn nhà trong năm nay... Qua đây, chúng tôi mong muốn, các cấp, ngành chú ý đến những trường hợp của chị Tâm cũng như nhiều chị em khác tham gia chiến đấu ở Trường Sơn nhưng chưa được giải quyết thoả đáng về chính sách và mong được sự quan tâm, chia sẻ từ các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm để chị Tâm sớm có căn nhà kiên cố.

Những nữ chiến sĩ Trường Sơn đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu trong thời chiến, trở về đời thường, họ vẫn hoàn thành tốt việc nước, việc nhà xứng đáng với Danh hiệu “Phụ nữ Việt Nam Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đam đang”. Kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam (30-4), là dịp để mỗi chúng ta càng thêm trân trọng và biết ơn sự hy sinh cao cả đó.