“Ô nhiễm trắng” là khái niệm mà thế giới sử dụng khá phổ biến hiện nay để nói về tình trạng lạm dụng sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilong, tạo ra nguồn rác thải nguy hại khổng lồ, gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường tự nhiên. Cũng bởi thế mà Ngày môi trường thế giới năm nay, chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilong” được chọn nhằm kêu gọi cộng đồng cùng nhau thay đổi thói quen tiêu dùng, sử dụng các sản phẩm từ vật liệu thân thiện, có khả năng tái chế, tái sử dụng...
Lâu nay, không chỉ ở nước ta mà nhiều nước đang phát triển trên toàn thế giới, người dân có thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa và túi nilong làm bao bì. Theo các nhà khoa học, sản phẩm này thường được làm từ những chất khó phân hủy, khi thải ra môi trường phải mất hàng chục năm, có khi tới cả thế kỷ mới phân hủy hoàn toàn. Sự tồn tại của chúng trong môi trường sẽ tác động xấu tới đất đai, nguồn nước, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người.
Ở Viïåt Nam, trong sinh hoạt thường ngày, người dân vẫn hay sử dụng các loại bao bì bằng nhựa và túi nilong. Ở tất cả các khâu từ sản xuất, lưu thông phân phối, tiêu dùng đến thải loại, thu gom, xử lý đều phải sử dụng các sản phẩm bao bì này. Nếu ra chợ, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự trao đổi hàng hóa không thể thiếu túi nilong. Người đi mua luôn mặc định rằng, người bán sẽ cung cấp bao bì nên khi ra chợ chỉ đi tay không. Người bán hàng sẵn sàng đưa thêm một vài chiếc túi nilong cho người mua nếu được yêu cầu. Điều này đã trở thành thói quen ăn sâu vào hoạt động mua bán của đại đa số người dân. Và sau mỗi lần sử dụng, nhiều người còn thẳng tay vứt bừa bãi túi nilong ra môi trường.
Thời gian qua, nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó có cả giải pháp về công nghệ, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường để thay thế kết hợp với hoạt động nói không với sản phẩm nhựa không phân hủy và túi nilong, nhưng vẫn chưa làm thay đổi rõ rệt thực trạng trên, ngược lại rác thải từ nhựa khó phân hủy vẫn ngày một gia tăng và trở thành vấn nạn xã hội. Vì sao như vậy?
Theo chúng tôi, có lẽ vì chúng ta chưa thực hiện đầy đủ các giải pháp một cách đồng bộ, hiệu quả và áp dụng trên phạm vi cả nước nên chưa thể thành công. Các chuyên gia cho rằng, phải đồng bộ từ công nghệ sản xuất bao bì, công nghệ xử lý rác thải tới ý thức phân loại rác thải mới mang lại hiệu quả. Trước tiên, phải sản xuất và cung cấp một cách phổ biến các sản phẩm bao bì dễ phân hủy, các sản phẩm nhựa có khả năng tái chế, tái sử dụng. Hiện nay, ở một số điểm du lịch, người ta đã cấm sử dụng túi nilong, đồ đựng bằng nhựa không phân hủy, thay vào đó là sản phẩm bao bì thân thiện môi trường như giấy, nhựa tái chế… Dù rất hiệu quả, nhưng việc áp dụng trên còn ở diện hẹp, chưa được phổ biến trong toàn quốc. Tiếp đến, cần có công nghệ hiện đại xử lý rác thải, chất thải là bao bì bằng nhựa trên cơ sở được thu gom, xử lý theo quy trình, tránh tối đa việc xử lý bằng phương pháp chôn lấp thủ công hoặc đốt hủy tự phát gây ô nhiễm không khí. Cuối cùng, quan trọng nhất chính là nâng cao ý thức cộng đồng trong sử dụng, thu gom, xử lý chất thải. Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã có địa phương triển khai việc phân loại rác thải tận gốc, nghĩa là từng người dân khi đổ rác phải đúng nơi quy định, rác phải được phân loại rõ ràng, tiện cho việc xử lý. Tuy vậy, quy trình này vẫn chưa thực sự hiệu quả do cách làm thiếu đồng bộ, ý thức người dân chưa cao, chưa có chế tài cụ thể...
Thời điểm này, chúng ta đang hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới (5-6) và triển khai Tháng hành động vì môi trường với nhiều khẩu hiệu thiết thực như: “Giải quyết chất thải nhựa và nilong”, “Nói không với túi nilong”, “Hãy sử dụng các sản phẩm có nhãn xanh”, “Mỗi người có một hành động vì môi trường xanh - sạch - đẹp”… Tất cả nhằm tạo sự đồng thuận của nhân dân với nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đồng thời thay đổi thói quen của cộng đồng trong sử dụng bao bì bằng nhựa và túi nilong. Đó là một trong những giải pháp quan trọng và cần thiết, nhưng sẽ hiệu quả hơn khi nó được triển khai thường xuyên, liên tục và rộng khắp theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, chứ không chỉ quyết liệt trong thời điểm diễn ra Tháng hành động.
Con số thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ở nước ta trung bình mỗi ngày, mỗi gia đình sử dụng và thải ra môi trường ít nhất 1 túi nilong. Như vậy, trên phạm vi cả nước mỗi ngày sẽ có từ 25 đến 30 triệu túi nilong được thải ra. Nếu nói chung rác thải từ nhựa, mỗi ngày sẽ thải ra từ 2.500 đến 3.000 tấn. |