Sau hơn 4 năm tỉnh ta triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” theo Quyết định số 2214/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều chương trình, dự án đã được thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Đây chính là “chất xúc tác” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống người dân vùng đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh.
Từ khi Dự án “Ngôi làng hy vọng” tại xã Tràng Xá (Võ Nhai) được khởi động (tháng 9-2017 đến nay), người dân nghèo, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở xã còn không ít khó khăn này vui lắm. Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Tràng Xá cho biết: Đây là Dự án do Tổ chức phi chính phủ Global Civic Sharing (GCS) của Hàn Quốc phối hợp cùng địa phương thực hiện với mục tiêu tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo có vốn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu sinh sản. Hiện nay, chúng tôi đã thành lập Ban Quản lý Dự án để thường xuyên hối hợp với Tổ chức GCS kiểm tra, giám sát việc nuôi trâu và giải quyết những vấn đề khó khăn của những hộ tham gia Dự án. Trong thời gian thực hiện Dự án, tổ chức Global Civic Sharing và chính quyền địa phương còn thường xuyên mở lớp tập huấn tổng hợp về nâng cao năng lực làm chủ của người nông dân. Đồng thời, thường xuyên tiến hành giám sát định kỳ và quản lý để Dự án đạt kết quả tốt nhất.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, có 33 hộ nghèo và cận nghèo thuộc các xóm: Mỏ Bễn, Tân Đào, Đồng Ruộng, Làng Tràng, Đồng Mỏ của xã Tràng Xá tham gia Dự án đầy ý nghĩa này. Mỗi hộ dân tham gia được vay 27 triệu đồng, với lãi suất 2%/năm để mua trâu sinh sản. Hiện nay, số trâu này đang được chăm nuôi rất tốt, khỏe mạnh. Nhiều con đã chửa và dự kiến sẽ sinh sản trong thời gian tới.
Theo chia sẻ của các hộ dân, sau 3 năm, họ mới phải hoàn trả vốn vay để Tổ chức GCS tiếp tục thực hiện Dự án “Ngôi làng hy vọng” ngay tại địa phương. Do đó, bà con rất yên tâm chăm lo cho đàn trâu của gia đình. Theo nhẩm tính, nếu chăm lo tốt, trong 3 năm, mỗi con trâu sẽ sinh sản được 2 lứa. Đó là chưa kể, khi kết thúc Dự án, con nghé lứa đầu tiên đã trưởng thành và nếu là con nái thì có thể sinh sản thêm 1 lứa nữa. Nhờ đó, bà con không chỉ thu hồi được vốn trả cho Tổ chức GCS mà con có lãi hàng chục triệu đồng.
Dự án “Ngôi làng hy vọng” tại xã Tràng Xá chỉ là một trong 19 chương trình, dự án được thực hiện theo Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” của Chính phủ trên địa bàn tỉnh. Được biết, Dự án này bắt đầu được triển khai tại Thái Nguyên từ năm 2014. Đến nay, sau hơn 4 năm thực hiện, Đề án đã tài trợ cho Thái Nguyên 37 chương trình, dự án, với tổng số tiền hơn 305 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh ta cũng đã đối ứng gần 48 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, dự án, với các lĩnh vực đầu tư chủ yếu như xây dựng kết cấu hạ tầng; cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường; xử lý chất thải; hỗ trợ người dân vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế… Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho hay: Thời gian qua, cùng với việc kêu gọi các tổ chức quốc tế đầu tư vào Thái Nguyên, tỉnh đã vận động, tạo điều kiện và gia hạn cho các tổ chức vào khảo sát, mở rộng và xây dựng kế hoạch triển khai các dự án mới trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đối với các khoản viện trợ đã được đầu tư vào Thái Nguyên, khi triển khai đều không gặp khó khăn, phần lớn đều đạt tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ và là nguồn lực không nhỏ để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng tại những vùng khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Từ đó, góp phần nâng cao dân trí và cải thiện điều kiện sống của đồng bào, giúp đồng bào tiếp cận với nền văn hóa tiên tiến từ các nước trên thế giới.
Thực tế cho thấy, Đề án Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Chính phủ đã góp phần thu hút đầu tư cho tỉnh. Tuy nhiên, để nguồn hỗ trợ này phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, tỉnh ta nên có sự phối hợp, lồng ghép giữa các dự án với nhau, tránh tình trạng manh mún, rời rạc. Cùng với đó, các nhà tài trợ, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để người dân được tham gia trực tiếp vào các chương trình, dự án để kiểm tra, giám sát các công trình, các mô hình…