Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

08:49, 01/05/2018

Trong thời kỳ hội nhập, đội ngũ công nhân trong tỉnh đã không ngừng vươn lên làm chủ công nghệ, máy móc phục vụ sản xuất; nhiều người luôn chủ động sáng tạo, cải tiến thiết bị, dây chuyền sản xuất góp phần làm lợi cho đơn vị, doanh nghiệp, thiết thực đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.

Nhiều năm làm nhân viên kỹ thuật, hơn ai hết, anh Lương Việt Hùng, nhân viên phòng Kỹ thuật Công nghệ, chi nhánh Phú Bình 2 (Công ty CP đầu tư và thương mại TNG Thái Nguyên) hiểu được ốp eo là một công đoạn khó, tốn nhiều thời gian và thao tác. Từ thực tế đó, anh Hùng đã nghĩ đến phương án sử dụng máy móc để tiết kiệm công sức và thời gian lao động. Sau một thời gian dài nghiên cứu, thử nghiệm, anh đã hoàn thành sáng kiến “Cữ kê mí trên máy trần đè” và “Ke cữ ốp eo trên máy Kansai”. Anh Hùng cho biết: Trước đây, công đoạn ốp eo phải cần tới 2,75 nhân công, nhưng sau khi áp dụng giải pháp này chỉ cần 0,75 lao động để hoàn thành mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm. Nhờ sáng kiến của anh Hùng, mỗi năm, chi nhánh May Phú Bình 2 tiết kiệm được trên 240 triệu đồng.

Cũng giống như anh Hùng, là người lao động trực tiếp, anh Bùi Thanh Liêm, nhân viên Công ty TNHH Hải Bình đã nhìn ra những điểm chưa hợp lý của hệ thống máy móc từ đó tìm cách cải tiến cho phù hợp với sản xuất. Anh Liêm đã có nhiều sáng kiến, cải tiến trong công việc, đem lại hiệu quả trong sản xuất cho công ty. Tiêu biểu như sáng kiến Thiết kế hệ thống dây chuyền sản xuất SABBASE phục vụ chủ yếu cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Sáng kiến này giúp năng suất tăng gấp 2 lần so với trước đó (từ 500m3 sản phẩm lên 1.000m3 sản phẩm/ca). Hay sáng kiến cải tiến dây chuyền nghiền Bây B, cải tiến hệ thống sàng và máy búa giúp hạn chế được mức đổ thải, giảm nhân công, giảm thời gian máy dừng do tạp chất, nâng cao năng suất, sản phẩm đẹp, đáp ứng yêu cầu thị trường và giảm giá thành sản phẩm. Anh Liêm cho hay: Là công nhân kỹ thuật nên tôi có thói quen quan sát, tìm hiểu rất kỹ các hoạt động, quy trình vận hành của máy móc. Từ đó, tôi đã phát hiện ra một số điểm có thể cải tiến để đạt năng suất lao động cao hơn. Từ phát hiện đó, tôi bắt đầu tìm hiểu sâu, tham khảo ý kiến của lãnh đạo Công ty, đồng nghiệp và cả những công nhân sản xuất trực tiếp để tìm ra phương án hợp lý nhằm cải tiến máy móc.

10 năm công tác tại Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn, anh Trần Minh Tiến, Phân xưởng sửa chữa đã có 12 sáng kiến, giúp giải phóng sức lao động, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.

Không chỉ đối với những người lao động, nhiều năm qua, sáng tạo trong lao động đã trở thành phong trào rộng khắp trong các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã tích cực tạo điều kiện, môi trường, hỗ trợ hoạt động sáng tạo của công nhân. Tiêu biểu phải kể đến Công ty Nhiệt điện Cao Ngạn. Anh Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty chia sẻ: Hàng năm, Công đoàn Công ty đều phát động phong trào ““Lao động giỏi, lao động sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” đến toàn thể công nhân, viên chức và người lao động. Khi người lao động có các sáng kiến hay, hợp lý được áp dụng vào sản xuất, Công ty và Công đoàn đều có hình thức khen thưởng kịp thời. Từ đó, đã tạo thành phong trào thi đua lao động, sáng tạo trong toàn thể công nhân. Chỉ tính riêng từ năm 2012-2017, toàn Công ty đã có 138 đề tài, sáng kiến được thực hiện và đưa vào thực tế sản xuất. Từ phong trào này, công nhân trong Công ty còn thành lập các tổ, nhóm sáng tạo để hỗ trợ nhau cải tiến máy móc, thiết bị. Các đề tài, sáng kiến đã góp phần tối ưu hoá quá trình sản xuất, làm tăng tuổi thọ cho thiết bị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường qua đó, làm lợi hàng tỷ đồng cho đơn vị.

Thực tế cho thấy, hiện nay, nhiều công nhân không chỉ là những người đứng máy, lao động dựa trên tay nghề, sức khỏe mà đã chủ động học tập kiến thức khoa học, làm chủ công nghệ. Trong 5 năm qua (2013-2018) đã có trên 30.000 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu của cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động được ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và phục vụ đời sống. Những sáng kiến, cải tiến đó đã đem lại giá trị làm lợi trên 219 tỷ đồng cho các đơn vị, doanh nghiệp. Trong đó, đã có gần 100 đề tài, sáng kiến, giải pháp của người lao động tham gia và đạt giải tại hội thi sáng tạo kỹ thuật hàng năm do UBND tỉnh tổ chức. 5 năm qua, đã có 206 doanh nghiệp, 39 doanh nghiệp được UBND tỉnh, Liên đoàn lao động tỉnh khen thưởng trong hoạt động lao động, hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch trước thời hạn. Đồng thời, đã có 359 công nhân, người lao động tiểu biểu được khen thưởng trong phong trào “lao động giỏi, lao động sáng tạo”…

Đồng chí Vũ Duy Hoàng, Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh khẳng định: Các phong trào lao động sáng tạo đã góp phần tích cực, giúp tổ chức, doanh nghiệp phát huy nội lực, nâng cao sản xuất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập. Góp phần động viên, khai thác tiềm năng, trí tuệ của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động. Thời gian qua, các cấp Công đoàn đã phối hợp với chính quyền cùng cấp duy trì và phát triển phong trào trong người lao động bằng nhiều hình thức phong phú. Công đoàn các cấp cũng đã tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình nghiên cứu, triển khai đề tài, sáng kiến của đoàn viên.

Những ý tưởng, sáng kiến cải tiến của các tập thể, cá nhân ở mọi lĩnh vực không chỉ khẳng định tiềm năng, trí tuệ, mà còn thể hiện tinh thần yêu lao động trong toàn thể công nhân viên chức, người lao động, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng công việc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Đây cũng chính là tiền đề để tỉnh ta tiếp tục gặt hái được nhiều thắng lợi trong công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa.