Các loại phế liệu được tập kết gần khu nhà ở, thậm chí lòng, lề đường cũng được tận dụng làm kho bãi, trong khi ý thức phòng, chống cháy nổ và các phương tiện chữa cháy chưa được chủ các cơ sở thu mua phế liệu quan tâm. Đó là thực trạng tại các cơ sở thu mua phế liệu trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện nay.
Tại cơ sở thu mua phế liệu của gia đình anh Nguyễn Văn Thả, xóm Bãi Hu, xã Phúc Thuận, một lượng lớn phế liệu dễ bắt lửa như: bao bì, túi ni-lông, bìa các tông, nhựa… được xếp thành hàng dài từ cổng vào trong nhà. Đặc biệt, kho tập kết phế liệu (diện tích hơn 50m2) lại sát với phòng khách, phòng ngủ, nếu xảy ra hỏa hoạn sẽ rất nguy hiểm. Khi được hỏi về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) tại cơ sở, anh Thả cho biết: Mặc dù đã hơn 10 năm kinh doanh lĩnh vực này nhưng tôi chưa được tham gia các lớp tập huấn chuyên sâu về PCCC mà chỉ biết thông qua tuyên truyền lưu động hoặc tự tìm hiểu trên báo, đài. Tại cơ sở của gia đình, tôi cũng chuẩn bị 1 bình chữa cháy loại nhỏ, tuy nhiên, chưa từng xảy ra cháy nổ nên dụng cụ đó cũng không thường xuyên được kiểm tra, sử dụng.
Theo ông Lê Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Thuận Thành, trên địa bàn xã hiện có khoảng 20 cơ sở kinh doanh phế liệu lớn, nhỏ. Thời gian qua, việc thu mua phế liệu của các hộ kinh doanh đã góp phần tích cực trong việc bảo vệ môi trường khi phế liệu được thu gom, phân loại phù hợp. Qua đó, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho một bộ phận người dân. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh tự phát, quy mô nhỏ lẻ, cơ sở thường đặt tại nhà ở và nằm xen kẽ giữa các khu dân cư. Phế liệu thu mua thậm chí có cả bình gas cũ hay thùng chứa hóa chất, phế liệu chiến tranh nhưng bản thân các chủ cơ sở nhiều khi còn chưa hiểu hết mức độ nguy hại khi xảy ra cháy nổ để có cách bảo quản, xử lý an toàn. Hằng năm, xã cũng lồng ghép tuyên truyền công tác PCCC thông qua các hội nghị để người dân hiểu rõ hơn mức độ nguy hiểm khi có cháy nổ xảy ra tại các cơ sở này. Thông qua tuyên truyền, có một số cơ sở đã thực hiện theo khuyến cáo, tuy nhiên cũng chỉ mang tính chất tạm thời.
Thống kê sơ bộ, trên địa bàn T.X Phổ Yên hiện có trên 100 cơ sở thu mua phế liệu, tập trung nhiều ở các xã, phường: Ba Hàng, Đồng Tiến, Hồng Tiến, Đông Cao, Tân Hương, Đắc Sơn.... Theo Trung tá Trương Tấn Nghĩa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2, Cảnh sát PCCC tỉnh cho biết: Thu mua, kinh doanh phế liệu là một trong những loại hình kinh doanh có điều kiện, phải đảm bảo các tiêu chí như: Giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, hệ thống phòng chống cháy nổ… Tuy nhiên, các điểm thu mua phế liệu trên địa bàn T.X Phổ Yên hoạt động tự phát và người dân chưa có ý thức thực hiện đầy đủ các điều kiện trên. Theo Nghị định 79/2014/NĐCP ngày 31-7-2014 của Chính phủ hướng dẫn, Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật Phòng cháy và chữa cháy sửa đổi thì các cơ sở thu mua, kinh doanh phế liệu không nằm trong danh mục quản lý cơ sở PCCC, do đó lực lượng cảnh sát chữa cháy không được tham gia vào công tác quản lý, kiểm tra điều kiện kinh doanh. Từ đó, công tác kiểm tra, xử lý vi phạm đối với các cơ sở này cũng gặp không ít khó khăn.
Dù trên địa bàn T.X Phổ Yên những năm gần đây chưa xảy ra vụ cháy nổ tại các cơ sở thu mua phế liệu, song nếu thiếu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền các địa phương, ý thức người kinh doanh chưa cao thì nguy cơ này khó có thể tránh khỏi. Vụ nổ nghiêm trọng xảy ra tại cơ sở thu gom phế liệu ở huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh ngày 3-1-2018 làm 2 người chết và nhiều ngôi nhà liền kề bị san phẳng là hồi chuông báo động về tình trạng buôn bán, kinh doanh phế liệu tràn lan. Để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra tại các cơ sở thu mua phế liệu, chính quyền địa phương cần sát sao trong công tác tuyên truyền và phổ biến các kiến thức về cháy nổ cho người đứng đầu các cơ sở. Đồng thời, các xã, phường cần siết chặt quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các cơ sở có dấu hiệu vi phạm pháp luật về PCCC.