An toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) được coi là một trong những điều kiện tiên quyết để bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Xác định được điều đó, những năm qua, công tác ATVSLĐ luôn là vấn đề được các cấp, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh chú trọng thực hiện.
Toàn tỉnh hiện có 2.452 doanh nghiệp, với trên 161.000 người lao động (NLĐ) hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Xác định ATVSLĐ là nhiệm vụ trọng tâm và thường xuyên, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã chú trọng thực hiện tuyên truyền, đào tạo huấn luyện cho cán bộ quản lý, cán bộ an toàn lao động, người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp.
Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2017, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho trên 126.300 NLĐ (tăng gần 42.000 người so với năm 2016). Nội dung huấn luyện bao gồm các vấn đề: Hệ thống chính sách, pháp luật về ATVSLĐ; tổ chức bộ máy, quản lý và thực hiện quy định về ATVSLĐ ở cơ sở; kiến thức cơ bản về yếu tố nguy hiểm, có hại, biện pháp phòng ngừa, cải thiện điều kiện lao động; văn hóa an toàn trong sản xuất, kinh doanh; những yêu cầu của công tác kiểm định, huấn luyện và quan trắc môi trường lao động; quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; sơ cấp cứu tai nạn lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ… Thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, năm 2017 có trên 19.400 lượt người được khám bệnh tật tại các cơ sở y tế lao động. Các đơn vị đã tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho trên 109.500 NLĐ (tăng gần 17.300 lượt so với năm 2016). Số lượng NLĐ được khám sức khỏe đạt 1,18 lượt/người/năm.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ATVSLĐ cũng được quan tâm. Các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với các cơ quan báo, đài Trung ương và địa phương thông tin tuyên truyền về chế độ, chính sách cho NLĐ, những tấm gương sáng, điển hình trong thực hiện phòng tránh tai nạn lao động cũng như các tồn tại, hạn chế trong công tác an toàn lao động đến nhân dân trong tỉnh; cấp phát nhiều tờ rơi, sách, tài liệu… đến NLĐ và người sử dụng lao động. Các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh thông qua các hội nghị đã tuyên truyền lồng ghép, phổ biến kiến thức về nguy cơ và tác hại của bệnh nghề nghiệp, đảm bảo ATVSLĐ đến hội viên. Đặc biệt vào tháng 5 hàng năm, nhân dịp “Tháng hành động về ATVSLĐ”, Hội đồng An toàn - Vệ sinh lao động tỉnh đều tổ chức Lễ phát động hưởng ứng. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị tổ chức thanh, kiểm tra tại các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất. Trong đó, tập trung vào các đơn vị đang sử dụng các máy móc, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ hoặc có nguy cơ mất an toàn cao, các cơ sở có công nhân làm việc trong điều kiện độc hại, nguy hiểm. Năm 2017, qua tiến hành thanh, kiểm tra tại 119 doanh nghiệp, các đoàn thanh, kiểm tra đã đưa ra 529 khuyến nghị và xử phạt hành chính 11 đơn vị với tổng số tiền gần 190 triệu đồng…
Tuy vậy, công tác đảm bảo ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Theo báo cáo của 139 đơn vị, trong năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 153 vụ tai nạn lao động (tăng 102 vụ so với năm 2016) làm 156 người bị nạn, trong đó 18 người chết và 21 người bị thương nặng. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do NLĐ vi phạm nội quy, quy trình an toàn trong quá trình lao động như: không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, không tuân thủ quy trình vận hành máy, thiết bị; không chấp hành nội quy, quy trình nơi làm việc. Ngoài ra các vụ tai nạn lao động xảy ra còn một phần do người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quản lý thiết bị, thực hiện công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ hoặc huấn luyện nhưng không đầy đủ nội dung theo quy định (có 15/18 vụ tai nạn lao động chết người, NLĐ chưa được huấn luyện an toàn).
Theo kế hoạch, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2018 sẽ được tổ chức từ ngày 1-5 đến 31-5 trên phạm vi toàn tỉnh với chủ đề “Chủ động phòng ngừa và kiểm soát các yếu tố nguy hiểm có hại tại nơi làm việc để hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp". Trong khuôn khổ tháng hành động sẽ diễn ra nhiều hoạt động: Truyền thông về ATVSLĐ theo hướng đa dạng, dễ hiểu, phù hợp với từng đối tượng; các hoạt động thanh, kiểm tra về ATVSLĐ đối với các ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ rủi ro cao; các hoạt động chuyên đề về ATVSLĐ, hoạt động cộng đồng có sự tham gia của doanh nghiệp, NLĐ. Từ nay đến hết năm 2018, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tăng cường tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ ATVSLĐ đối với doanh nghiệp và NLĐ. Cùng với đó, tiếp tục tiến hành thanh tra và kiên quyết xử phạt đối với những trường hợp cố tình vi phạm các quy định về ATVSLĐ. Để đảm bảo ATVSLĐ, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc, các doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hiểu, nghiên cứu chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn về lĩnh vực này để triển khai tại đơn vị; thực hiện cải thiện điều kiện làm việc và trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động cho NLĐ nhằm tạo chuyển biến về nhận thức và nâng cao tinh thần trách nhiệm khi tham gia sản xuất. Qua đó, góp phần hạn chế tai nạn lao động, đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của doanh nghiệp và địa phương.