Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới gần đây, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết:“Năm 2017, Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt gần 13%; thu ngân sách trong cân đối đạt hơn 12 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 33,2% so với kế hoạch, hoàn thành kế hoạch Trung ương giao trước 3 tháng… Thái Nguyên được biết đến là một tỉnh thành công điển hình trong cải thiện môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư vào công nghiệp”. Tuy nhiên, ở một số địa phương trong tỉnh, một bộ phận người dân đã và đang có những hành vi vi phạm pháp luật (xây dựng các công trình trái phép đón đền bù); cấp ủy, chính quyền lại chưa thực sự cương quyết trong xử lý vi phạm đã ít nhiều làm ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư của tỉnh.
Nhiều năm qua, một trong những đơn vị có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh không thể không nhắc tới Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo (NuiPhao Mining), chỉ tính riêng năm 2017, Công ty đã nộp thuế gần 900 tỷ đồng. Ngoài ra, NuiPhao Mining cũng có nhiều đóng góp với tỉnh trong công tác từ thiện nhân đạo, chung tay xây dựng nông thôn mới, phục hồi kinh tế cho các hộ dân trong vùng Dự án với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những điều kiện thuận lợi mà tỉnh ta đã và đang thực hiện nhằm tạo môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng cho các doanh nghiệp phát triển, và thu hút đầu tư như: đẩy mạnh các giải pháp cải cách hành chính, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) và chỉ số hiệu quả, quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI); tổ chức nhiều hội nghị triển khai các chính sách, cơ chế mới của Nhà nước, kiểm tra, rà soát, từng bước cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh...; thì một bộ phận người dân đã vì cái lợi cá nhân trước mắt mà có những hành vi vi phạm (xây dựng, cơi nới nhà ở, chuồng trại đón đền bù) làm ảnh hưởng tới nhà đầu tư, môi trường đầu tư.
Có thể nói, Thái Nguyên đã từng có những bài học đắt giá trong công tác quản lý trật tự xây dựng, đơn cử như Dự án Đại học Việt Bắc (năm 2009) được chọn địa điểm quy hoạch xây dựng tại xã Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên). Nhưng tại khu vực được công bố quy hoạch trong một thời gian ngắn đã xảy ra tình trạng ồ ạt xây dựng đón đền bù với hàng trăm công trình của hơn 100 hộ dân vi phạm khiến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) gặp rất nhiều trở ngại, buộc nhà đầu tư đã phải chuyển địa điểm thực hiện Dự án. Hay ở thời điểm năm 2010, tại huyện Phổ Yên (nay là T.X Phổ Yên) đã bùng nên cơn sốt xây nhà đón đền bù, gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương và thu hút đầu tư. Hiện nay, câu chuyện xây dựng, cơi nới nhà ở và các công trình phụ trợ trái phép để đón đền bù lại đang tiếp tục tái diễn ra ở xã Hà Thượng (Đại Từ), gây tâm lý bức xúc cho nhà đầu tư.
Anh Vũ Hải Cường, cán bộ quản lý công tác bồi thường (NuiPhao Mining) cho biết: Năm 2013, gần 300 hộ dân ở xóm 3, xóm 4, xã Hà Thượng đã ồ ạt xây dựng, cơi nới các công trình (nhà ở, tường rào, quán bán hàng…) “đón” đền bù đã gây thiệt hại rất lớn về tài chính cho NuiPhao Mining. Hiện nay, hơn 10 hộ dân thuộc xóm 2, 3, 4, lại đang xây dựng, cơi nới nhà ở, tường rào trái phép; có hành vi gây cản trở đối với cán bộ NuiPhao Mining khi xuống thực địa kiểm tra, giám sát… Công ty đã có công văn gửi UBND huyện Đại Từ, xã Hà Thượng nhưng tới nay sự việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng cho biết: Tại khu vực các xóm 2, 3, 4, có 245 hộ ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo phải di dời, bàn giao đất cho Dự án (hơn 9 ha). Sau khi nhận được thông tin về việc các hộ dân xây dựng công trình, vật kiến trúc trên phạm vi đất đã có thông báo thu hồi của Dự án, xã đã thành lập Tổ công tác kiểm tra và lập biên bản 11 hộ vi phạm (chủ yếu là cán bộ đang công tác tại Kho KV3). Quan điểm của chính quyền địa phương là cương quyết đình chỉ, lập biên bản các công trình xây dựng trái phép, hoàn thiện hồ sơ xử lý vi phạm hành chính theo pháp luật;tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân về việc cấm xây dựng, cơi nới, chuyển nhượng, tặng, cho, tự ý chuyển mục đích sử dụng đất; trường hợp cố tình vi phạm sẽ không xem xét bồi thường, hỗ trợ… Ông Vũ Hồng, Phó Tổng Giám đốc NuiPhao Mining cũng bày tỏ quan điểm: NuiPhao Mning đã có công văn gửi tới UBND huyện Đại Từ, UBND xã Hà Thượng, đề nghị chính quyền kiểm tra, lập biên bản về các trường hợp cố tình xây dựng, cơi nới công trình. Quan điểm của Công ty về việc những hộ xây dựng, cơi nới công trình để “đón” đền bù sẽ không được đền bù và hỗ trợ. Công ty kiên quyết thực hiện đúng chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của Nhà nước và UBND tỉnh Thái Nguyên. Dự án cũng mong muốn nhận được sự quan tâm, vào cuộc tích cực, quyết liệt hơn nữa của các cấp, ngành chức năng của tỉnh, huyện, xã để giải quyết dứt điểm những sai phạm này.
Hiện nay, môi trường đầu tư của tỉnh đang được đánh giá ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng ở vị trí thứ 7/63 tỉnh, thành trong cả nước (năm 2016); đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, với tổng số vốn đăng ký gần 7,3 tỷ USD, trong đó Dự án Núi Pháo là một trong những dự án lớn, có sức lan tỏa và có nhiều đóng góp tích cực cho tỉnh. Một bộ phận người dân nơi Dự án Núi Pháo đang triển khai không nên vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm ảnh hưởng xấu tới môi trường đầu tư chung. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền và nhanh chóng xử lý dứt điểm những trường hợp sai phạm ở Hà Thượng (Đại Từ) theo đúng quy định của pháp luật, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cùng với Nuiphao Mining.