Khi mới vào nghề báo tôi cũng non nớt nhiều thứ, thiếu kiến thức về nhiều lĩnh vực, thiếu vốn sống thực tế và thiếu kinh nghiệm tác nghiệp. Trong khi đó, đối với một nhà báo đây là hành trang vô cùng quan trọng để có những tác phẩm báo chí hay. Chính vì vậy, cũng như các nhà báo trẻ khác, tôi đã gặp không ít khó khăn. Bài viết hời hợt, có những thông tin không chuẩn xác, lúng túng trong tác nghiệp. Đã có lần tôi phải trả giá do một sơ suất không đáng có.
Đó là lần tôi được Ban biên tập phân công đi họp tại Tỉnh ủy để đưa tin về một đồng chí lãnh đạo cấp cao dự họp và chỉ đạo chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp. Tại cuộc họp, phần giới thiệu đại biểu tôi có việc nên ra ngoài. Khi vào, đáng lẽ tôi nên hỏi ông Chánh Văn phòng xem thành phần họp hôm ấy có ai, chức danh là gì, nhưng tôi lại quay sang hỏi một người ngồi bên cạnh. Thế là khi về viết tin, phần giới thiệu đại biểu tôi đã đưa sai về “Họ” của một đồng chí lãnh đạo cấp cao trong Đoàn đại biểu. Lần ấy tôi đã bị kiểm điểm lên xuống và tôi coi đây là bài học nhớ đời và tự nhủ nếu như còn làm báo không thể lơ là, hời hợt bất cứ một chi tiết nào.
Sau lần ấy hai chữ “cẩn trọng” luôn thường trực trong suy nghĩ của tôi. Mỗi khi có ý định viết dù là một cái tin hay bài phản ánh bình thường tôi cũng luôn cẩn trọng: Cẩn trọng từ khi tác nghiệp đến viết bài. Trong tác nghiệp, đặc biệt là viết những bài có vấn đề, trái chiều, gây bức xúc xã hội hoặc bài viết theo dấu đơn thư bạn đọc… nếu nhà báo muốn khai thác thông tin để làm sáng tỏ một vấn đề nào đó sẽ rất khó khăn. Những người có liên quan thường rất ngại tiếp xúc với các nhà báo để trả lời phỏng vấn. Bởi thế, họ thường đưa ra nhiều lý do để lảng tránh hoặc bất hợp tác bằng cách im lặng, không nghe máy điện thoại. Gặp những trường hợp như vậy, tôi phải tìm mọi cách để tiếp cận. Có lần tôi cần gặp một giám đốc để phỏng vấn về vấn đề liên quan đến nguồn vốn đầu tư không hiệu quả ở công ty do ông phụ trách. Vị giám đốc này cũng tìm mọi cách để tránh mặt tôi, song, tôi cũng “cố tình” phục bằng được ông ta ở cơ quan để phỏng vấn. Khi bước vào cửa, ông gắt gỏng với tôi, song với một thái độ chân thành, cởi mở, tôi nói: “Báo chí là một kênh thông tin để anh có cơ hội chia sẻ, giải trình vấn đề mà mọi người đang hiểu sai về việc đầu tư nguồn vốn Nhà nước ở công ty anh. Theo tôi, nếu không làm sai thì anh không nên né tránh nhà báo!”. Thấy thái độ của tôi nhẹ nhàng, anh đã yên tâm hợp tác và mạnh dạn chia sẻ với tôi. Quả thực, sau khi bài báo ra, những dư luận không tốt về công ty anh cũng đã dịu xuống. Anh đã gặp tôi cảm ơn rất nhiều.
Trong quá trình làm báo, thỉnh thoảng đồng nghiệp của tôi cũng bị kiện. Qua những bài báo bị kiện của đồng nghiệp tôi thấy rằng họ bị kiện là có một phần chưa cẩn trọng trong thu thập thông tin; thường phiến diện, một chiều. Vì vậy, khi viết về những vấn đề nhạy cảm, viết theo đơn thư bạn đọc, để đảm bảo tính khách quan, tôi không bao giờ đưa thông tin một chiều mà phải thu thập thông tin một cách đầy đủ của các bên liên quan; ý kiến của các cơ quan chức năng về vấn đề mình định làm sáng tỏ. Có những thông tin cảm thấy không yên tâm tôi tiếp tục kiểm chứng thông qua đồng nghiệp theo dõi tuyên truyền về lĩnh vực đó hoặc ngành chuyên môn. Có những chi tiết của bài báo khi đi cơ sở cảm thấy lấy thông tin chưa đủ tôi vẫn quay trở lại làm việc để lấy được thông tin chính xác.
Trong quá trình viết bài, cẩn trọng cũng luôn là hai từ thường trực trong đầu tôi. Mỗi một tác phẩm báo chí dù đó là một cái tin khi đã chuyển cho phòng Thư ký Tòa soạn, quay lại phòng mình tôi vẫn mở máy tính ra kiểm tra lại bản thảo xem câu nào thừa, câu nào thiếu, đặc biệt là kiểm tra, đối chiếu với sổ ghi chép của xem có ghi sai tên riêng, địa danh, địa chỉ, các thông tin về số liệu. Nhiều khi trở về nhà rồi tôi vẫn luôn băn khoăn, trăn trở, ngẫm nghĩ về bài báo: Mình đặt vấn đề có lôgic không? Còn câu chữ nào “hở sườn” (với những bài viết theo dấu đơn thư) không? Nếu phát hiện được từ nào sai, thừa tôi vẫn quay trở lại Tòa soạn để tận mắt nhìn biên tập viên sửa chữ ấy có chuẩn, có đúng vị trí cần sửa hay không? Do tôi tự sửa bài quá nhiều trước khi đăng, hoặc có những bài viết nộp lại bản thảo đến mấy lần nên các biên tập trong tòa soạn hay đùa “cẩn thận quá mức cần thiết”; bản thân tôi cũng hơi ái ngại với biên tập viên vì... làm phiền họ nhiều quá. Song tôi nghĩ, sự cẩn trọng ấy không thừa và với tôi chỉ đến khi tin, bài được đăng, báo phát hành hàng tuần rồi, không ai có ý kiến gì mới cho phép mình thở phào nhẹ nhõm. Chính vì sự cẩn trọng nên từ sau lần bị kiểm điểm đến nay đã hơn hai mươi năm, hầu hết các bài viết của tôi đã hạn chế đến mức tối đa sai sót. Đặc biệt, những bài viết động chạm đến vấn đề nhạy cảm, bức xúc của xã hội hay bài viết điều tra theo dấu đơn thư bạn đọc của tôi chưa bao giờ bị “kiện”.
Gắn bó với nghề báo đã mấy chục năm, ngoảnh lại, tôi thấy các phóng viên trẻ bây giờ cũng lúng túng, bỡ ngỡ như tôi ngày nào. Từ bài học đến kinh nghiệm làm báo của mình, tôi muốn nhắn nhủ với các bạn trẻ làm báo một điều: Đối với nghề báo, cẩn trọng không bao giờ thừa. Nếu không cẩn trọng khi một tác phẩm báo chí đăng lên chẳng may bị sai sót một thông tin nào đó, nhất là những bài có nội dung nhạy cảm; bài viết theo đơn thư bạn đọc thì không những bị kiện cáo mà còn làm mất niềm tin của cơ sở, bạn đọc và xa hơn là ảnh hưởng đến uy tín của bản thân và tờ báo.