Không có điều kiện tham gia các khóa học bơi chuyên nghiệp ở thành thị, nhưng nhiều trẻ em nông thôn đã có thể học bơi ở các bể bơi tư nhân, hồ bơi gia đình... Sau nhiều vụ đuối nước thương tâm, việc dạy bơi cho trẻ em nông thôn đang dần được quan tâm và đã cho thấy hiệu quả tích cực trong việc nâng cao kỹ năng bơi lội và hướng dẫn kiến thức phòng tránh, xử lý tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Cứ 3 giờ chiều hàng ngày, chị Nguyễn Thị Ngọc Anh ở phố Giang Khánh, thị trấn Giang Tiên (Phú Lương) lại chở hai con trai đến lớp học bơi tại bể bơi cách nhà hơn 3 km. Chị cho biết: Hai cháu nhà tôi đã 10 tuổi và 7 tuổi nhưng đều chưa biết bơi. Vài năm trước, sau khi đọc các bài báo về các vụ tai nạn đuối nước tôi đã rất đau xót và lo lắng. Sau đó, tôi đã tìm kiếm lớp học bơi cho con mình nhưng ở khu vực nông thôn thực sự rất hiếm. May sao, năm 2017, một bể bơi tại xã Vô Tranh đã ra đời, có giáo viên chuyên nghiệp đến giảng dạy nên tôi rất yên tâm cho các cháu theo học. Còn cháu Nguyễn Việt Tiến, con chị Ngọc Anh vui vẻ: Cháu rất thích học bơi vì bơi có lợi cho sức khỏe, giúp tránh được đuối nước. Ở lớp học bơi cháu còn thi đua với các bạn xem ai biết bơi nhanh hơn, ai bơi giỏi hơn, rất vui.
Anh Đinh Văn Sơn, chủ bể bơi Nguyệt Thắng ở xóm Rùa, xã Đông Cao (T.X Phổ Yên) chia sẻ: Ý tưởng dạy bơi cho trẻ em của tôi đã có từ lâu, nhất là sau khi chứng kiến nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm mà nguyên nhân chủ yếu là do các cháu không biết bơi. Vì vậy, năm 2017, tôi đã xây dựng hai bể bơi ngoài trời và liên kết với Trung tâm Văn hóa thị xã mở các lớp dạy bơi cho các cháu thiếu nhi vào dịp hè. Ngoài học những kỹ năng bơi cơ bản, tại các lớp này, các cháu còn được học một số kỹ năng phòng tránh đuối nước và xử lý tình huống nguy hiểm dưới nước.
Không có điều kiện cho con đi học tại các bể bơi nhưng anh Dương Văn Chính ở xóm Thi Đua, xã Xuân Phương (Phú Bình) thường hướng dẫn các con và một số trẻ em trong xóm tập bơi ở khúc sông Đào gần nhà. Anh Chính bảo: Khúc sông này chỉ tương đương với một con kênh lớn, mực nước thấp nên khá an toàn cho trẻ em. Tuy vậy, tôi vẫn yêu cầu các gia đình có người lớn theo kèm và trang bị áo phao cho các cháu. Hiện tại, chúng tôi cũng đang nghiên cứu phương án xếp phao và quây lưới ở hai đầu để làm thành bể bơi nổi nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các cháu.
Ông Trần Đức Minh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh vã Xã hội huyện Phú Bình, một trong những địa phương xảy ra nhiều vụ đuối nước trẻ em cho biết: Trên thực tế huyện đã có chương trình dạy bơi an toàn cho trẻ em ở cơ sở. Tuy vậy, do không có nguồn kinh phí nên chúng tôi đã tích cực vận động người dân thực hiện xã hội hóa việc tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em thông qua phối hợp với các trường học và các bể bơi tư nhân trên địa bàn. Hiện nay, trên toàn huyện đã có trên 10 bể bơi tư nhân. Các bể bơi này đều do giáo viên thể chất của các trường học đứng lớp nên mỗi buổi học, ngoài được hướng dẫn các kiểu bơi, kỹ năng bơi tự cứu, các em còn được dạy cách giữ bình tĩnh khi xuống nước, nhất là kỹ năng sơ cấp cứu khi đuối nước. Ở khu vực nông thôn, điều kiện để trẻ em tiếp cận với các lớp bơi lội là rất khó, nên việc xuất hiện các lớp học bơi đã giúp ích rất nhiều trong công tác phòng, tránh tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Trên thực tế, hiện nay, các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em vẫn xảy ra tương đối nhiều, đặc biệt tại khu vực nông thôn. Gần đây nhất, vào ngày 15-5 vừa qua, cháu Triệu Quý Thái, học sinh Trường Tiểu học Hợp Tiến (Đồng Hỷ) cùng với nhóm bạn đi tắm ở hồ Cặp Kè, cách nhà khoảng 1km thì bị đuối nước. Vì vậy, việc trang bị kỹ năng bơi lội, phòng chống đuối nước và xử lý dưới nước cho trẻ em là rất quan trọng. Công tác này đòi hỏi sự quan tâm hơn nữa từ các các cấp, ngành trong việc tuyên truyền về phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Bên cạnh đó, các mô hình dạy bơi an toàn cho trẻ em nông thôn cần được đẩy mạnh hơn nữa, đặc biệt trong dịp hè nhằm tạo sân chơi an toàn, lành mạnh cho các em và tích cực phòng chống tai nạn đuối nước ở trẻ em.