“Hai trong một” - Cách đưa hàng Việt về nông thôn

11:14, 07/06/2018

Lâu nay, ngành Công Thương Thái Nguyên luôn duy trì đều đặn các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”. Đây là việc làm thiết thực, ý nghĩa trong bối cảnh cả nước đẩy mạnh hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy cách làm của ngành Công Thương trong tổ chức đưa hàng Việt đến với đồng bào đã có những thay đổi rất đáng ghi nhận.

Tại sao lại nói “hai trong một” trong cách đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi? Đơn giản chỉ vì cùng với việc tổ chức hoạt động giao thương, cung cấp hàng tiêu dùng 100% “Made in Viêt Nam” chương trình còn đan xen, gắn kết các hoạt động an sinh xã hội hướng về người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Trong bài viết này, chúng tôi không bàn nhiều đến hoạt động cung cấp sản phẩm, chất lượng, giá cả và sự tiếp nhận hàng Việt của đồng bào mà chỉ nói sâu về việc làm giàu tính nhân văn, nhân đạo trong chương trình.

Ngày 5-6 vừa qua, được tham dự Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” năm 2018 diễn ra tại Trường THCS Linh Sơn, xã Linh Sơn (T.P Thái Nguyên) - chương trình đầu tiên trong chuỗi các chương trình tương tự được tổ chức tại nhiều địa phương khác trong tỉnh - tôi thật sự ngạc nhiên và xúc động. Trong chương trình có gần 40 gian hàng Việt với đủ các sản phẩm từ đồ điện gia dụng, sách vở, quần áo, giày dép đến các mặt hàng nông sản, thực phẩm, giống cây trồng… với sự tham gia của gần 30 đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Sự kiện đã thu hút đông đảo bà con trong xã Linh Sơn và các địa phương lân cận tham gia. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là có hàng chục doanh nghiệp, nhà hảo tâm dù không có sản phẩm cung cấp tại chương trình, nhưng đã tham gia đồng hành với vai trò nhà tài trợ, ủng hộ những phần quà hết sức ý nghĩa.

Chúng tôi nhận thấy, không giống nhiều chương trình, sự kiện, kể cả những chương trình, sự kiện thuần túy làm công tác từ thiện, nhân đạo, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” năm nay ngoài bài phát biểu ngắn gọn của lãnh đạo ngành Công Thương nói lên nội dung, ý nghĩa và giới thiệu các sản phẩm là hàng Việt đến với đồng bào là dành thời gian cho các hoạt động an sinh xã hội. Các phần rườm rà, kính thưa, kính gửi và những bài phát biểu dài dòng, lời đáp từ hoa mỹ đều bị cắt bỏ. Thay vào đó, hai phần ba chương trình là dành cho hoạt động trao quà. Đối tượng nhận quà là các hộ nghèo của xã, những gia đình có công gặp hoàn cảnh khó khăn, những em học sinh nghèo vượt khó học giỏi... Quà dành tặng hộ nghèo là tiền mặt, hiện vật thiết thực cho cuộc sống hàng ngày của người dân, quà dành tặng học sinh nghèo vượt khó là xe đạp, tiền mua sách vở, đồ dùng học tập.

Khi được hỏi tại sao lại có sự lồng ghép này, việc lồng ghép có làm ảnh hưởng đến chất lượng các chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi”, bà Lê Thanh Thủy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) cho biết: Việc làm này xuất phát từ ý tưởng của Trung tâm, có tác dụng tích cực đối với cả chương trình. Ngoài nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền nhằm kêu gọi cả xã hội hưởng ứng tham gia còn tạo điều kiện để người dân địa phương được thụ hưởng từ hoạt động an sinh xã hội. Cũng theo bà Lê Thanh Thủy, trước đây khi tổ chức các chương trình này, mọi người cứ lầm tưởng chương trình là những phiên chợ nhỏ lẻ, hàng hóa nghèo nàn, ngành Công Thương làm cho có, nên không thu hút được nhiều người tham gia. Ngay cả chính quyền các địa phương cũng không mặn mà. Từ khi công tác an sinh xã hội được lồng ghép, chương trình đã phát huy hiệu quả rất lớn. Số lượng người dân tham gia ngày càng đông hơn trước, từ đó nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mọi người, nhất là đồng bào vùng nông thôn, miền núi đối với về việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.

Theo dự kiến, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” năm nay sẽ tổ chức tại 5 điểm ở 5 địa phương khác nhau, bắt đầu từ 5-6 đến 23-6. Tại các chương trình sẽ có khoảng 300 triệu đồng dành cho công tác an sinh xã hội. Trong đó, đáng chú ý có 4 doanh nghiệp tặng 85 chiếc xe đạp cho các học sinh nghèo vượt khó với tổng trị giá 136 triệu đồng gồm: Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo 10 chiếc; Công ty CP Thương mại Thái Hưng 20 chiếc; Công ty TNHH Tranh đá quý Dũng Tân 40 chiếc và Công ty CP Đầu tư phát triển và Thương mại BCD 15 chiếc.

Việc lồng ghép công tác an sinh xã hội trong Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi” được ngành Công Thương triển khai từ mấy năm nay, đã thực sự mang lại hiệu quả. Hy vọng, thông qua đây việc lồng ghép hoạt động an sinh xã hội trong các chương trình, sự kiện của tỉnh ngày càng phổ biến hơn, không chỉ góp phần tạo sức hút mạnh mẽ cho các chương trình, sự kiện mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc vì cộng đồng xã hội, vì người có hoàn cảnh khó khăn.