Ngày Môi trường thế giới (5-6) là sự kiện thường niên quan trọng được cả thế giới quan tâm, hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) tự nhiên. Trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên nhân sự kiện này, ông Nguyễn Thế Giang, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định: Các hoạt động hưởng ứng của tỉnh đã và đang được triển khai rộng khắp, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài.
P.V: Trước tiên, ông có thể cho biết đôi nét về hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới của tỉnh những năm qua?
Ông Nguyễn Thế Giang: Thái Nguyên là một trong những tỉnh đã tích cực tham gia hưởng ứng sự kiện này từ nhiều năm nay, với các hoạt động đa dạng, phong phú và thiết thực. Trong đó, tỉnh đã chỉ đạo lồng ghép nội dung theo chủ đề Ngày Môi trường thế giới hàng năm gắn với nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng theo từng chủ đề. Ngoài ra, các hoạt động thiết thực như: Tập huấn quy định pháp luật về BVMT, tổ chức các cuộc thi về môi trường, ra quân vệ sinh môi trường… được triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Theo đánh giá của chúng tôi, mỗi năm sự kiện này thu hút hàng trăm nghìn người tham gia hưởng ứng, tạo khí thế, động lực nâng cao ý thức, tránh nhiệm BVMT của cả cộng đồng.
P.V: So với những năm trước, các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới của tỉnh năm nay có gì khác?
Ông Nguyễn Thế Giang: Hoạt động hưởng của của tỉnh ta năm nay có một vài điểm khác. Đó là, UBND tỉnh từ sớm đã có chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng đối tượng, trong đó tập trung vào các đối tượng là doanh nghiệp có khả năng phát thải lớn để nâng cao ý thức, trách nhiệm trong BVMT. Cùng với đó, để có các hành động bám sát chủ đề của Ngày Môi trường thế giới năm nay là “Giải quyết chất thải nhựa và nilon”, UBND tỉnh đã phát động cuộc thi trong phạm vi toàn tỉnh về “Tái chế nhựa phế liệu”. Đối tượng tham gia cuộc thi gồm 2 nhóm là học sinh, sinh viên học tập tại các trường học trên địa bàn tỉnh và cán bộ, nhân viên Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên cùng các doanh nghiệp phụ trợ cho Samsung, các đơn vị có sử dụng, phát sinh chất thải nhựa, nilon trên địa bàn tỉnh. Cuộc thi giúp tăng cường ý thức, trách nhiệm và tinh thần sáng tạo của giới trẻ trong công tác tái chế, tái sử dụng các chất thải, đặc biệt là chất thải nhựa, góp phần BVMT. Đặc biệt, năm nay tỉnh quyết định chọn Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên - nơi có tới hàng vạn công nhân làm việc - để tổ chức Ngày Môi trường thế giới và phát động Tháng hành động vì môi trường năm 2018.
P.V: Trên thế giới hiện nay, ô nhiễm môi trường từ việc lạm dụng sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy đang là vấn nạn không dễ giải quyết. Vậy, thực trạng này ở Thái Nguyên hiện nay ra sao? Giải pháp lâu dài là gì?
Ông Nguyễn Thế Giang: Trên địa bàn tỉnh, chất thải nhựa và nilon hiện phát sinh chủ yếu từ hai nguồn. Rác thải nhựa trong công nghiệp cơ bản đã được thu gom, chuyển giao cho các đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Còn rác thải nhựa, nilon trong sinh hoạt, hiện một phần nhỏ được thu gom bởi các cơ sở kinh doanh phế liệu để tái chế, phần còn lại được chôn lấp tại các bãi rác hoặc xử lý tại lò đốt.
Giải pháp lâu dài của tỉnh là tiếp tục triển khai Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm từ nhựa, túi nilon; khuyến khích công tác phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải để giảm phát sinh chất thải nhựa ra môi trường. Ngoài ra, tập trung xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm bao bì thân thiện với môi trường thay thế túi nilon khó phân hủy; đa dạng hóa các nguồn đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa BVMT đối với hoạt động thu gom, xử lý chất thải. Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện các yêu cầu về BVMT trong kêu gọi, thu hút các dự án đầu tư; thực hiện chính sách khuyến khích đầu tư đối với các ngành, lĩnh vực ít gây ô nhiễm môi trường, sử dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về BVMT.
P.V: Ngay sau các hoạt động hưởng ứng, chính quyền có những việc làm cụ thể nào nhằm BVMT một cách bền vững, thưa ông?
Ông Nguyễn Thế Giang:Trong thời gian tới, ngoài tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về BVMT, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng trong giám sát hoạt động BVMT, thúc đẩy xã hội hóa tạo nguồn lực đầu tư vì môi trường. Tập trung các giải pháp để phòng ngừa, khắc phục, xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực khai thác khoáng sản, khu công nghiệp, khu đô thị tập trung. Đồng thời, cải thiện môi trường nông thôn, làng nghề, tăng cường hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải... Đặc biệt, tiến hành kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra ô nhiễm môi trường trên địa bàn, lĩnh vực quản lý. Cùng với đó, áp dụng các công cụ, biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động xả thải của doanh nghiệp; thường xuyên quan trắc, đánh giá diễn biến môi trường. Tập trung khoanh vùng các đối tượng chính gây ra những vấn đề môi trường bức xúc hiện nay để chủ động kiểm soát chặt chẽ, áp dụng các biện pháp cụ thể, kiên quyết xử lý các hành vi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...
P.V: Xin cảm ơn ông!