Hỗ trợ muối i-ốt cho vùng dân tộc, miền núi

10:22, 21/06/2018

Năm 2016, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt phương án “Hỗ trợ muối i-ốt phòng, chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ cho vùng dân tộc và miền núi tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020” ở 124 xã, thị trấn vùng dân tộc và miền núi thuộc 9 huyện thành, thị. Việc tiếp tục triển khai chính sách này đã mang lại ý nghĩa, hiệu quả thiết thực với người dân vùng đồng bào dân tộc, miền núi.

Trong mỗi bữa ăn hàng ngày, muối i-ốt là gia vị không thể thiếu với gia đình bà Ma Thị Vương, ở xóm Đồng Chùa, thị trấn Chợ Chu (Định Hoá). Bà Vương cho biết: “So với các gia vị khác như bột canh, nước mắm, thì muối i-ốt vẫn được tôi sử dụng nhiều hơn. Bởi không chỉ chế biến thức ăn, tôi còn dùng để súc miệng nhằm phòng, hỗ trợ điều trị các bệnh về răng miệng, họng. Nhờ được trợ giá muối, nên chúng tôi mua ở các điểm bán muối của huyện được giảm từ 1.000-2.000 đồng/kg so với mua ở bên ngoài, mà chất lượng được đảm bảo”.

Định Hoá là một trong những địa phương có toàn bộ các xã, thị trấn, với hơn 80 nghìn nhân khẩu được thụ hưởng chính sách hỗ trợ muối i-ốt và chia thành 7 điểm bán tại các cụm liên xã. Ngay sau khi có quyết định, huyện đã có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan, UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ muối i-ốt cho người dân trên địa bàn. Ông Lưu Hồng Khoa, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Định Hoá cho biết: Căn cứ vào kế hoạch của tỉnh giao, UBND huyện đã giao cho Phòng Dân tộc tham mưu, chỉ đạo Chi nhánh Thương mại huyện ký kết các hợp đồng mua bán với các đơn vị cung ứng muối; hướng dẫn các điểm bán lẻ trên địa bàn thực hiện việc niêm yết bảng giá, biển hiệu rõ ràng đúng quy định. Công tác kiểm tra, giám sát tại các đơn vị bán luôn đảm bảo cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu… Nhờ vậy, chính sách này đã đi vào lòng dân và được nhiều người ủng hộ. Riêng năm 2017, huyện được giao 483 tấn, đã thực hiện được gần 450 tấn, đạt khoảng 90% kế hoạch giao.

Theo quyết định của UBND tỉnh, trong giai đoạn 2017-2020, toàn bộ cán bộ và người dân cư trú ở 124 xã, thị trấn được hưởng chính sách này trong thời gian 4 năm, với định mức hỗ trợ là 5kg muối i-ốt/người/năm. Trong đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ tối đa không quá 30% giá bán lẻ muối i-ốt trên địa bàn các xã vùng dân tộc (giá bán lẻ hàng năm được xác định trên cơ sở thẩm định giá của Sở Tài Chính và các cơ quan có thẩm quyền); hỗ trợ kinh phí quản lý, kiểm tra thực hiện. Nguyên tắc hỗ trợ thông qua các doanh nghiệp sản xuất và cung ứng muối i-ốt đảm bảo giá bán tương đương mức hỗ trợ của Nhà nước trên 1 đơn vị sản phẩm, trọng lượng, chất lượng muối i-ốt đảm bảo theo quy định. Tức là, người dân khi mua muối tại các điểm bán muối theo chính sách này sẽ được mua với giá gốc tại nơi sản xuất. Để triển khai mặt hàng này, UBND tỉnh đã giao cho Ban Dân tộc, Sở Tài chính phối hợp với các ban, ngành liên quan, đồng thời giao cho các đơn vị là Cöng ty cổ phần (CP) Muối i-ốt và Công ty CP Thương mại tổng hợp Thái Nguyên có nhiệm vụ sản xuất muối; Công ty CP Phát triển Thương mại Thái Nguyên nhiệm vụ cung ứng muối. Tổng kinh phí hỗ trợ là 21,6 tỷ đồng.

Với các đơn vị sản xuất, vận chuyển muối, để đảm bảo cho lượng muối đủ, an toàn đến tay người dân, thì từ khâu chọn muối đến sản xuất đóng gói vận chuyển, bảo quản được tuân thủ nghiêm ngặt theo quy trình, hàm lượng i-ốt luôn đạt 100%. Những xe vận chuyển muối không chỉ giao hàng tại chi nhánh thương mại ở trung tâm huyện mà còn vận chuyển đến các điểm đặt tại các cụm xã để thuận tiện cho người dân. Ông Mai Văn Kỷ, Giám đốc Công ty CP Muối i-ốt Thái Nguyên cho biết: Năm 2018, UBND tỉnh đã giao cho chúng tôi sản xuất, cung ứng 2.000 tấn muối, ngay sau khi có quyết định, chúng tôi đã triển khai mua hơn 1.000 tấn muối nguyên liệu để sản xuất muối i-ốt. Đến thời điểm này, chúng tôi đã sản xuất và tiêu thụ được 700 tấn. Với giá bán ưu đãi, chất lượng đảm bảo cộng với nhận thức của người dân về tác dụng của việc sử dụng muối i-ốt nâng lên, nên nhiều người đã tìm đến mua muối tại đại lý của chúng tôi.

Chñnh saách hỗ trợ muối i-ốt đã được tỉnh triển khai giai đoạn đầu từ năm 2012-2016, với nguồn kinh phí hỗ trợ cước, trợ giá từ ngân sách tỉnh. Qua thời gian triển khai, dù vẫn gặp một số hạn chế như một số nơi không còn kho, bãi để phục vụ mặt hàng hàng chính sách của Nhà nước như trước đây, việc tinh giản biên chế nên không có người bán hàng; mức tiêu thụ chậm do ít người biết đến… nhưng chính sách này đã mang lại hiệu quả như: đảm bảo bình ổn giá thị trường; tạo điều kiện cho người dân tộc miền núi có thói quen sử dụng muối i-ốt trong sinh hoạt hàng ngày, đảm bảo chất lượng, hạn chế các loại muối kém trên thị trường. Qua đó, đã đem lại hiệu quả tích cực trong việc phòng, chống bướu cổ. Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh, cơ bản đã không còn tình trạng bướu cổ do thiếu hụt i-ốt.

Öng Hoàng Phong, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Phương án hỗ trợ muối i-ốt, phòng chống bướu cổ, thiểu năng trí tuệ cho người dân vùng dân tộc vùng núi tỉnh được xây dựng trên tính chất đặc thù của tỉnh. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách hỗ trợ muối đến với cán bộ, người dân, các điểm bán hàng muối thông qua các phương tiện nghe nhìn, hội nghị cho những người có uy tín, cuộc họp thôn xóm; phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả chính sách này đến với người dân.