Nhà yên, xã hội mới yên

10:33, 28/06/2018

Gia đình là chốn bình yên nhất cho mỗi người. Nhưng không phải gia đình nào cũng thực sự là một tổ ấm hạnh phúc. Vì bởi trong xã hội còn có những mái nhà - các thành viên trong gia đình “đối đãi” với nhau bằng nắm đấm, hoặc lối ứng xử thiếu tế nhị.

Theo ông Nguyễn Thành Luân, Trường Phòng Xây dựng Đời sống Văn hoá và Gia đình (Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch): Bạo lực gia đình (BLGĐ) được biểu hiện ở 2 dạng chính là xâm phạm thân thể và xúc phạm tinh thần. Nhưng thường các vụ việc xâm phạm thân thể đến mức hết chịu nổi, người bị hại mới lên tiếng tố cáo. Vì lý do đơn giản, giữa người bị hại và người gây hại có quan hệ ruột thịt với nhau.

Qua tìm hiểu chúng tôi biết: Mỗi năm trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 500 vụ việc liên quan đến BLGĐ. Bạo lực dưới các hình thức: tinh thần, thân thể, tình dục và kinh tế. Các vùng nông thôn, miền núi, nơi dân trí hạn chế thường xảy ra nhiều bạo lực hơn so với thành phố, thị xã. Nhưng tôi cho rằng: Đó là trên cơ sở thống kê số liệu tại các cơ quan chức năng Nhà nước. Vì thực tế tôi đã thấy không ít người có học hàm, học vị, có chức sắc, địa vị xã hội đánh vợ, con; ngược đãi cha mẹ già. Nhưng vì “xấu chàng hổ ai” nên cắn răng mà chịu đựng.

Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần lớn là phụ nữ, trẻ em. Nguyên nhân sâu xa dẫn đến bạo lực là do nạn nhân thiếu kỹ năng ứng xử, thậm chí hiếu thắng, không kiềm chế được bản thân, đẩy mâu thuẫn lên đỉnh điểm dẫn tới xảy ra bạo lực. Ví như chuyện có hai vợ chồng già (xin giấu tên) chửi nhau không tiếc lời ở Tòa án nhân dân T.P Thái Nguyên. Điều làm mọi người có mặt hết sức ngạc nhiên là cả hai đều gần tuổi “thất thập mấy nay hiếm”. Họ đã lên thiên chức ông bà nội, ngoại, nhưng nằng nặc đòi chia tay để chết mới nhắm được mắt. Anh M.N, người con cả của “hai cụ” cho biết: Từ ngày nhỏ tôi đã thấy bố mẹ mình chưa bao giờ hòa thuận. Mẹ tôi cậy mình là người làm ra tiền trong nhà. Còn bố tôi bị ức chế, ban đầu bố tỏ thái độ bất cần, sau đó bố đánh mẹ. 3 tháng trước ngày ra tòa làm thủ tục ly hôn, bố dùng dao chém mẹ gần 20 nhát. May nhờ các bác sĩ cứu chữa kịp thời nên mẹ thoát chết.

Nhiều gia đình luôn trong tình trạng có bạo lực thường xuyên. Nhưng “người ta” không dám giải phóng cho mình, mà cố gắng gìn giữ vì nhiều lý do, như: địa vị xã hội; hai bên gia đình không cho phép; hoặc vì các con còn nhỏ. Đương nhiên có nhiều cặp vợ chồng vượt qua được giai đoạn khủng khoảng tinh thần, dần chấp nhận được nhau để sống tốt hơn. Song có không ít trường hợp vợ chồng chấp nhặt, sống dưới một mái nhà nhưng lòng dạ để ở nơi khác. Ví như chuyện vợ chồng ông bà KH ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Ông KH làm giám đốc của một sở, bà KH ở nhà làm nội trợ. Báo chí từng viết bài về họ - “Phía sau người đàn ông thành đạt có bóng dáng người phụ nữ”. Nhưng nửa năm sau ngày ông KH nhận sổ hưu, hỏi thăm, tôi giật mình vì ông KH đã có một mái ấm mới. Tò mò, tôi đến hỏi thăm bà KH. Bà KH cay đắng nói: Tôi đã cố gắng níu kéo. Nhưng ông ấy quyết dứt áo theo một người đàn bà khác bằng tuổi con gái mình.

Rượu ái tình kia thành thuốc độc/ Vườn trần theo bướm phấn hương bay”. Chuyện bạo lực gia đình, Đồng chí Trần Gia Cát, Bí thư Đảng ủy xã Nam Hòa (Đồng Hỷ) nói vui bằng cách mượn lời thơ Nguyễn Bính... Và mỗi ngày ở đâu đó, tôi chắc chắn vẫn xảy ra tình trạng vợ chồng dằn hắt, coi thường nhau, đánh cãi nhau trước mặt các con nhỏ... Để tìm hiểu đầy đủ hơn về công tác phòng, chống BLGĐ, chúng tôi trở lại Phòng Xây dựng Đời sống Văn hoá và Gia đình thì được biết: Từ nhiều năm gần đây, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh tổ chức, hướng dẫn cho địa phương tuyên truyền, cổ động trực quan về phòng, chống BLGĐ, như thông qua các hoạt động hội thảo, hội thi, với chủ đề “Vì một mái ấm gia đình không có bạo lực”; thi tìm hiểu pháp luật về phòng, chống BLGĐ với chủ đề “Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của gia đình Việt Nam”. Trung bình hằng năm, các huyện, thành phố và thị xã đã tổ chức được hơn 1.000 buổi tuyên truyền, vận động với các nội dung về Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống BLGĐ; Luật Bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em; Luật Người cao tuổi… Cùng với đó, nhiều cơ sở đã thông qua hệ thống loa truyền thanh để tuyên truyền, triển khai kế hoạch thực hiện phòng, chống BLGĐ đến nhân dân.

Tại các xã, phường, thị trấn đã chủ động tổ chức lồng ghép tuyên truyền về phòng, chống BLGĐ vào các buổi sinh hoạt thôn, xóm, tổ dân phố. Nhiều cơ sở đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) phòng, chống BLGĐ; CLB tuyên truyền phổ biến pháp luật; CLB trợ giúp pháp lý - tư vấn pháp luật; CLB bình đẳng giới… Từ tham gia sinh hoạt CLB, người dân được tuyên truyền, nắm bắt thêm nhiều thông tin mới, trong đó có thông tin về xây dựng hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cháu, góp phần ngăn chặn, phòng ngừa các tệ nạn xã hội, tiến tới xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc.

Liên quan đến hoạt động phòng, chống BLGĐ, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều cử cán bộ tham gia tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức; đồng thời phối hợp với các cấp, ngành, cơ sở mở các lớp tập huấn về công tác gia đình và Phòng, chống BLGĐ. Trong thời gian 5 năm gần đây, toàn tỉnh đã mở được hơn 10 lớp, với gần 500 lượt cán bộ làm công tác gia đình cấp tỉnh, huyện, xã và đại diện Ban chủ nhiệm các CLB phòng, chống BLGĐ. Thông qua tập huấn, đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình được trang bị kiến thức trong quản lý nhà nước về gia đình; Phòng, chống BLGĐ và nâng cao được kỹ năng điều hành sinh hoạt CLB cho ban chủ nhiệm các CLB.

Hỏi chuyện về xây dựng gia đình không bạo lực, bà Đinh Thị Dẻo, Chủ nhiệm CLB Gia đình phát triển bền vững ở xóm Mỹ Hòa, xã Cây Thị (Đồng Hỷ) tâm đắc: “Nhà yên, xã hội mới được yên”. Và tôi cũng mong mỗi ngày khi mặt trời thức dậy, là một ngày hạnh phúc với tất cả mọi gia đình Việt Nam.