Sinh viên làm thêm trong dịp hè

14:40, 08/06/2018

Hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi của sinh viên sau một năm học căng thẳng. Có những bạn tranh thủ về quê nghỉ ngơi với gia đình hoặc tham gia những chuyến du lịch lý thú… , nhưng cũng có nhiều sinh viên tranh thủ dịp hè đi làm thêm để có thu nhập và tích lũy kinh nghiệm.

Kết thúc năm học thứ hai với tổng điểm khá cao, Nguyễn Thu Thảo, sinh viên Khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm - Đại học Thái Nguyên (quê Vĩnh Phúc) cùng nhóm bạn trong lớp quyết định ở lại T.P Thái Nguyên để làm thêm trong dịp hè này. Công việc của Thảo và các bạn là làm gia sư. Đây là sự lựa chọn “hai trong một”, vừa giúp các em có thêm thu nhập, vừa tích lũy được kiến thức, kỹ năng để trở thành cô giáo tương lai. Thảo cho biết: “Trước kỳ nghỉ hè gần một tháng, em cùng nhóm bạn gồm hơn 10 người chủ động tìm hiểu, liên hệ tại một số trung tâm gia sư trong thành phố để xin dạy kèm. Em may mắn được giới thiệu hai lớp THCS gồm 10 học sinh. Mức thu nhập đưa ra ban đầu là tương đối cao nhưng yêu cầu em phải có vốn kiến thức chắc chắn. Nhiều khi bị học sinh hỏi khó, nếu không biết trả lời khéo léo có thể bị mất cơ hội làm việc. Em thực sự thích công việc này vì có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho việc giảng dạy trong tương lai của mình”.

Hoàn cảnh khó khăn nên Hoàng Mạnh Linh, sinh viên năm thứ ba, Trường Đại học Khoa học (Đại học Thái Nguyên) tạm gác việc về quê thăm gia đình xin để làm nhân viên bán hàng tạp hóa cho một đại lý tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) trong dịp hè. Linh tâm sự, quê em ở huyện Đình Lập (Lạng Sơn), là anh cả trong gia đình có 3 anh em. Bố mẹ làm ruộng, thu nhập bấp bênh nên ngay từ năm thứ nhất đại học, em đã đi làm thêm để trang trải cuộc sống sinh viên. Công việc bán hàng của Linh tương đối nhàn nhưng lại gò bó về mặt thời gian và mức lương không cao. Tuy nhiên, công việc này giúp em được tiếp xúc với nhiều người và rèn luyện khả năng giao tiếp, đồng thời chia sẻ một phần gánh nặng kinh tế cho bố mẹ.

Không vì cuộc sống mưu sinh như Thảo và Linh, Nguyễn Văn Tùng, sinh viên Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh (Đại học Thái Nguyên) muốn làm thêm để trải nghiệm. Có khả năng chơi bóng bàn tốt, Tùng được nhận vào Trung tâm giáo dục Unesco Edu (phường Phan Đình Phùng, T.P Thái Nguyên) làm giáo viên dạy các em nhỏ học môn bóng bàn trong dịp hè. Mỗi ngày Tùng đảm nhận dạy 6-10 học sinh trong thời gian 4 tiếng. Thời gian còn lại, em đăng ký tham gia các hoạt động tình nguyện do Đoàn trường tổ chức và ôn bài.

Việc làm thêm trong dịp hè hay những khoảng thời gian khác trong năm học có lẽ không còn xa lạ đối với nhiều sinh viên. Những công việc thường được các bạn chọn trong dịp hè này là: gia sư, phục vụ nhà hàng, phát tờ rơi, bán hàng online, shipper (chuyển hàng theo đơn qua mạng), nhân viên quảng bá sản phẩm… Để tìm kiếm một công việc vừa đem lại thu nhập, vừa có thể gắn với chuyên môn ngành học của mình nhằm tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sau khi ra trường thì không phải sinh viên nào cũng tìm được. Tuy nhiên, nhiều bạn cho rằng, dù không đúng với ngành học, thì việc làm thêm trong dịp hè cũng giúp họ được trải nghiệm, khám phá cuộc sống, năng động, tự tin hơn trong giao tiếp và nhiều kỹ năng quan trọng khác.

Nhu cầu tìm việc làm thêm mang tính thời vụ trong giới trẻ hiện nay có xu hướng tăng. Tuy nhiên, qua khảo sát được biết nhiều trang mạng đăng tin tuyển dụng nhưng khó kiểm soát mức độ an toàn. Vì vậy, việc làm thêm đối với học sinh, sinh viên luôn ẩn chứa nhiều rủi ro. Thậm chí đã có trường hợp bị lừa đảo do qua môi giới mất phí cao hoặc bị ép làm công việc quá sức, trái pháp luật… Vì vậy, bên cạnh chủ động tìm hiểu kỹ thông tin về việc làm, thu nhập, địa điểm, thời gian làm việc, các bạn trẻ cần cẩn trọng, tham khảo ý kiến người thân, thầy cô, bạn bè để tránh bị lừa đảo, lợi dụng.

Anh Nguyễn Quang Đông, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Đại học Thái Nguyên cho biết: “Làm thêm là quyền của mỗi sinh viên. Tuy nhiên, chúng tôi cũng yêu cầu các em phải sắp xếp thời gian hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học tập dù là trong dịp hè. Ngoài ra còn phải chú trọng tìm kiếm những công việc phù hợp, gắn với chuyên ngành đào tạo để thời gian đi làm cũng là dịp vận dụng kiến thức vào thực tiễn, rèn kỹ năng thực hành”.