Tăng cường phòng, chống thiên tai ở Định Hóa

15:28, 12/06/2018

Với đặc điểm địa hình đồi núi phức tạp, có độ dốc lớn, lại bị chia cắt bởi nhiều khe lạch, sông, suối nên huyện Định Hóa thường phải gánh chịu thiệt hại nặng nề do những trận mưa dông, lốc, lũ quét, sạt lở đất… Mặc dù thời gian qua, việc chủ động phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đã được huyện triển khai tích cực nhưng công tác này vẫn gặp không ít khó khăn, thách thức.

Qua gần 20 năm sinh sống dưới chân núi Nản cũng là chừng ấy thời gian gia đình bà Lưu Thị Luyến, ở xóm Nà Chát, xã Linh Thông (Định Hóa) nơm nớp nỗi lo mỗi khi đến mùa mưa bão. Trò chuyện với chúng tôi, bà Luyến kể lại: Sáng sớm ngày 10-7-2017, trời mưa to, một hòn đá lớn từ trên núi lăn xuống trúng căn bếp của gia đình tôi khiến mái bếp hư hỏng nặng, tường bị nứt. Rất may lúc đó gia đình tôi không có ai ở nhà. Trước đó, gia đình tôi đã nhiều lần bị đá rơi ngay sát nhà nên mỗi khi trời mưa to là cả gia đình phải sơ tán đi nơi khác...Được biết, năm 2017, gia đình bà Luyến đã được bố trí một lô đất tại khu tái định cư xã Linh Thông nhưng do chưa xây xong nhà nên hiện nay gia đình vẫn chưa thể chuyển đến nơi ở mới.

Còn đối với gia đình ông Mạc Văn Khánh, ở xóm Làng Mới, xã Linh Thông, hầu như năm nào cũng phải chịu cảnh lũ lụt từ con suối chảy qua ngay trước cửa nhà khi trời mưa to. Mới đây nhất, trận mưa lớn ngày 1-6 đã khiến ngôi nhà bị ngập hoàn toàn trong nước lũ. Chính quyền địa phương phải huy động lực lượng dân quân đến giúp gia đình ông di chuyển đồ đạc, tài sản đi nơi khác. Mặc dù UBND xã đã đưa gia đình ông vào diện được Nhà nước hỗ trợ để di dời đến nơi ở mới an toàn hơn nhưng nhà ông lại kiên quyết không đi với lý do đã quen với cuộc sống ở đây nên không muốn di chuyển đi nơi khác.

Ngoài hai gia đình nêu trên, theo thống kê, hiện nay, huyện Định Hóa còn 247 hộ với 643 nhân khẩu đang sinh sống ở những khu vực có nguy cơ cao xảy ra thiên tai như lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá… Mặc dù luôn phải đối diện với nguy hiểm về tính mạng và thiệt hại về tài sản bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, nhiều năm qua các hộ dân nằm trong diện phải di dời vẫn đang sinh sống ở những vùng nguy hiểm. Nguyên nhân một phần là do chính quyền chưa bố trí được quỹ đất tái định cư cho các hộ dân. Trong khi đó, điều kiện kinh tế của hầu hết các hộ dân đều rất khó khăn. Với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ theo quy định hiện nay là không đủ để họ mua đất, xây dựng nhà ở mới. Mặt khác, một số hộ gia đình vẫn còn tâm lý chủ quan, mặc dù đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhiều lần. Song họ kiên quyết không chịu di dời do ngại thay đổi nơi ở đã quen thuộc với gia đình mình.

Theo thống kê, trong năm 2017, những trận thiên tai xảy ra trên địa bàn huyện Định Hóa đã khiến 5 người chết, 518 ngôi nhà bị hư hỏng; trên 700ha lúa, hoa màu và gần 200ha nuôi thủy sản bị thiệt hại; trên 11 nghìn con gia súc, gia cầm bị nước lũ cuốn trôi; nhiều công trình thủy lợi, trường học, trạm y tế, đường giao thông, cầu cống… bị hư hại nghiêm trọng.  Ước tỉnh thiệt hại khoảng 150 tỷ đồng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 trận mưa giông, tố lốc và sét đánh khiến 1 người chết; 68 căn nhà bị tốc mái, hư hỏng; trên 100ha lúa và hoa màu bị ngập úng… ước tính thiệt hại trên 1 tỷ đồng.

Bà Triệu Thị Nga, Phó Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện Định Hóa cho biết: Những năm gần đây, thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn huyện ngày càng lớn. Nguyên nhân một phần là do thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường và trái với quy luật. Bên cạnh đó, tâm lý chủ quan vẫn còn tồn tại ở một bộ phận người dân và địa phương trong huyện; kinh phí phục vụ cho công tác PCTT-TKCN trên địa bàn vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; hệ thống thông tin liên lạc ở các xã, thị trấn còn thiếu hoặc không đảm bảo khiến cho việc cập nhật tình hình thiên tai và chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục hậu quả không được kịp thời...

Với đặc thù địa hình đồi núi phức tạp, độ dốc lớn lại bị chia cắt bởi nhiều khe lạch, sông suối nên khi xảy ra mưa lũ, hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa đều bị chia cắt, cô lập. Khi đó, công tác khắc phục hậu quả chủ yếu phải dựa vào phương châm “4 tại chỗ”. Tuy nhiên, hiện nay, trang thiết bị phục vụ cho công tác PCTT-TKCN ở các địa phương đang rất thiếu thốn. Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Luân Đức Quỳnh, Chủ tịch UBND xã Quy Kỳ cho biết: Hệ thống loa truyền thanh của xã đã bị hư hỏng từ lâu nên không phát huy được tác dụng mỗi khi xảy ra thiên tai, mưa bão. Trong khi đó, những trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn của xã chủ yếu là vật dụng thô sơ như: bao tải, phao tròn cứu sinh, cuốc, xà beng... Vì vậy, để công tác PCTT và TKCN của địa phương được thực hiện kịp thời và đạt hiệu quả cao, chúng tôi đề nghị cấp trên sớm đầu tư nâng cấp hệ thống loa truyền thanh cho xã, cùng với đó là một số trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn hiện đại hơn như: xuồng cứu hộ, phao cứu sinh, áo bơi, đồ lặn, đồ tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng... Đây cũng là mong mỏi chung của hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Định Hóa.

Bên cạnh những khó khăn nêu trên, qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, hiện nay, huyện Định Hóa vẫn còn 87 cầu tràn nằm rải rác tại 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Đây được xác định là những vị trí rất nguy hiểm trong mùa mưa bão. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện đã tiến hành thống kê, rà soát và đánh giá mức độ nguy hiểm của toàn bộ những cầu tràn trên địa bàn để có kế hoạch nâng cấp, xây mới những cây cầu tràn nguy hiểm bằng cầu cứng an toàn hơn. Tuy nhiên, do điều kiện ngân sách huyện còn hạn chế nên việc đầu tư nâng cấp, xây mới vẫn chưa thể thực hiện được.