Số liệu thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho thấy, hiện có 126.659 người nhiễm HIV đang điều trị thuốc kháng ARV.
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) vừa phối hợp với Trung tâm Dự phòng và kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo Hướng dẫn cung cấp, điều phối sử dụng thuốc ARV và các xét nghiệm trong theo dõi, điều trị HIV/AIDS cho 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc.
Tham dự có lãnh đạo Cục Phòng, chống HIV/AIDS; đại diện các tổ chức quốc tế: CDC, PEPFAR tại Việt Nam; lãnh đạo Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, thành; đại diện Bảo hiểm xã hội, đại diện Phòng khám ngoại trú tuyến tỉnh và tuyến huyện của 14 tỉnh, thành phố phía Bắc thuộc tỉnh PEPFAR tài trợ: Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hoà Bình, Thái Bình, Lào Cai, Nghệ An, Điện Biên, Thanh Hoá, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Sơn La.
Theo báo cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nguồn cung ứng thuốc ARV đang điều trị cho 126.659 người nhiễm HIV chủ yếu được tài trợ từ chương trình PEPFAR, Quỹ toàn cầu và Ngân sách nhà nước chi trả. Tuy nhiên đến 01/01/2019, việc điều trị ARV, xét nghiệm tải lượng HIV và xét nghiệm CD4 và các dịch vụ điều trị HIV khác sẽ được thanh toán từ nguồn Quỹ của BHYT.
Điều này đánh dấu việc chuyển giao sử dụng từ nguồn viện trợ sang nguồn BHYT đối với thuốc ARV, xét nghiệm tải lượng HIV và xét nghiệm CD4. Hiện nay chương trình PEPFAR đang hỗ trợ điều trị cho khoảng 26 tỉnh, thành phố và Quỹ Toàn cầu phòng, chống AIDS, Lao và sốt rét tài trợ cho 32 tỉnh, thành phố.
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS chia sẻ định hướng chuyển giao cung ứng thuốc ARV, xét nghiệm tải lượng HIV và CD4 trong điều trị HIV/AIDS; hướng dẫn thanh toán xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 trong theo dõi điều trị HIV/AIDS từ nguồn BHYT; kế hoạch thực hiện và lộ trình triển khai cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV, CD4 tại các tỉnh, thành phố; bảng kiểm các hoạt động kiện toàn cần thực hiện tại cơ sở điều trị để cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT và công tác Điều phối và theo dõi khi chuyển giao sử dụng thuốc ARV từ nguồn viện trợ sang nguồn BHYT.
Ngoài ra, các đại biểu cũng được tỉnh Hòa Bình chia sẻ kinh nghiệm về việc cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV qua nguồn BHYT và đại diện CDC tại Việt Nam Cập nhật về các hỗ trợ của PEPFAR/CDC đối với xét nghiệm tải lượng HIV trong quá trình chuyển giao hỗ trợ…
Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các vấn đề liên quan đến Kế hoạch cung cấp xét nghiệm tải lượng HIV và CD4 giai đoạn 2018-2020 và kế hoạch năm 2018; hướng dẫn thanh toán xét nghiệm tải lượng HIV và CD4 qua BHYT; các hoạt động cần thực hiện để chuyển giao sử dụng và cung cấp thuốc ARV nguồn BHYT từ 01/01/2019...
PGS.TS Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị các tỉnh, thành phố cần tiếp tục mở rộng để tiếp cận của bệnh nhân với xét nghiệm CD4 và tải lượng virus; Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS các tỉnh/thành phố dựa trên kế hoạch của mình đưa ra số lượng bệnh nhân tham mưu cho Sở Y tế có văn bản giao chỉ tiêu thực hiện cho các đơn vị, đồng thời cũng cần chuẩn bị lộ trình cho BHYT và các chỉ số theo dõi. Đối với các tỉnh, thành phố đã có máy CD4 mà không có sinh phẩm cần báo cáo ngay Sở Y tế về việc phân luồng, chuyển mẫu cho các bệnh nhân...