Những ngày qua, tình hình mưa bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên miên ở các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ đã khiến nhiều gia đình mất người, thiệt hại nhà cửa, tài sản và hoa màu. Gần như năm nào điệp khúc “lũ lụt và thiệt hại” vào mùa mưa bão cũng xảy ra. Mặc dù công tác phòng, chống đã được quan tâm hơn, song theo chúng tôi như thế vẫn là chưa đủ.
Gần đây nhất là ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ đã có 39 người chết và mất tích, nhiều nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân bị nước lũ cuốn trôi. Thiệt hại nặng nhất là các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lào Cai, Phú Thọ và Thanh Hóa, trong đó Yên Bái là tâm điểm của bão lũ khi có tới 13 người chết, 4 người mất tích, 20 người bị thương, 1.493 nhà bị thiệt hại, khoảng 2.746,5 ha lúa, hoa màu bị ảnh hưởng… Ước thiệt hại khoảng trên 520 tỷ đồng.
Đặc biệt, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, chủ yếu chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét do có địa hình đồi núi cao, phức tạp. Các bản làng dân cư thường sinh sống ở thung lũng, men theo sườn đồi núi và các khe suối. Bởi vậy, mới có trường hợp chỉ sau một đêm, lũ ống, lũ quét đã xóa sạch cả bản làng. Vừa qua, tại một số huyện của tỉnh Yên Bái như Văn Chấn, Mù Cang Chải, Văn Yên, lũ quét đã khiến 166 nhà bị sập, trôi hoàn toàn; 138 nhà bị thiệt hại nặng; 984 nhà phải di dời người và tài sản. Ngoài ra, lũ ống, lũ quét còn làm sạt lở đất, kéo trôi hàng trăm tuyến đường; cầu, cống bị hư hỏng, sập hoàn toàn; không ít công trình thủy lợi, kè chống lũ bị hư hỏng, cột điện bị gãy đổ, công trình thủy điện phải dừng vận hành.
Trước đó, tình hình mưa bão, lũ quét cũng đã diễn ra nghiêm trọng ở một số tỉnh Tây Bắc, trong đó thiệt hại nặng nhất là ở Lai Châu. Đã có 31 người bị chết, bị thương và mất tích; 244 nhà dân bị đất đá cuốn trôi hoặc sạt lở gây hư hỏng một phần; trên 600ha lúa, ngô, hoa màu khác bị ngập úng, vùi lấp, 68 công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị hỏng. Đặc biệt, sự cố vỡ đập thủy điện ở nước bạn Lào mới đây đã gây thiệt hại lớn cho vùng hạ lưu, trong đó tác động trực tiếp tới một số khu vực ở nước ta…
Ở Thái Nguyên, dù những ngày qua, bão lũ chưa ảnh hưởng nhiều, nhưng không vì thế mà lơ là, chủ quan. Bởi thực tế ở một số địa phương như Định Hóa, Võ Nhai, Đại Từ, Phú Lương, Đồng Hỷ, tình hình lũ ống, lũ quét đã từng xảy ra, có địa phương đã từng chịu thiệt hại nặng nề.
Có thể thấy, dù mới bước vào mùa mưa bão nhưng những thiệt hại do bão lũ gây ra đến lúc này là quá lớn. Cơn bão số 3 mới đi qua, nhưng theo dự báo sẽ còn một số cơn bão khác ảnh hưởng đến nước ta. Do vậy, không có phương án nào hữu hiệu để giảm thiệt hại từ thiên tai bằng cách chủ động phòng bị.
Theo các chuyên gia, lũ quét hiện nay chưa dự báo được, nhưng có thể phòng tránh. Về lâu dài, cần tích cực trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn gắn liền với việc cơ cấu lại nơi ở, kết hợp sinh kế bền vững tại một số khu vực trọng yếu; điều tra, khảo sát, lập bản đồ khoanh vùng các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét; xây dựng hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất; thông báo cho người dân biết nguy cơ lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra để chủ động sơ tán. Trước mùa mưa, lũ hằng năm, cần rà soát, phát hiện, phân loại những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, có phương án ứng phó cụ thể.
Hiện nay, dù được cải thiện nhiều, song sự hiểu biết của bà con về phương cách phòng, chống lũ quét, sạt lở đất còn nhiều hạn chế. Do đó, bà con cần phải chủ động theo dõi thông tin mưa, lũ và sự chỉ đạo của chính quyền qua các kênh thông tin, báo chí; thực hiện chế độ tuần tra canh gác theo sự phân công của chính quyền địa phương; tranh thủ thu hoạch hoa màu khi có cảnh báo xấu. Sẵn sàng đóng góp vật tư, vật liệu được chuẩn bị tại chỗ theo sự phân công của chính quyền để phòng chống khi có yêu cầu. Chủ động dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết sẵn sáng sơ tán khi có lệnh. Đối với nhân dân vùng thấp trũng, vùng nguy cơ sạt lở cao, cần chuẩn bị hoặc chủ động sơ tán để bảo đảm an toàn. Ngoài ra, cần kiểm tra thiết bị điện trong nhà, di dời các hóa chất, thuốc trừ sâu ra khỏi nơi có nguy cơ bị ngập; không ra vớt củi trên sông, suối. Báo cáo với chính quyền địa phương khi phát hiện thấy những hiện tượng nứt đất, sạt lở hoặc có nước lũ lớn từ thượng nguồn đổ về…