Trong khi trò chuyện, nhiều lần ông Lưu Sĩ Mùi thở dài, bảo: Vì kinh tế khó khăn, nên tôi không có điều kiện trở lại thăm chiến trường xưa. Nhưng tôi muốn một lần đến Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, để thắp lên phần mộ của liệt sĩ mang tên mình nén tâm hương. Dù sao, người nằm dưới mộ cũng là đồng đội tôi. Anh ấy đã nằm lại chiến trường, còn tôi được trở về với người thân, được tiếp tục sống và cống hiến.
Trận bom xảy ra vào ngày 14-12-1972, tại tọa độ B5, trên đất Thượng Lào (nước bạn Lào). Những tưởng thời gian trôi đi sẽ chon vùi đau thương về quá vãng. Người nằm lại đã an nghỉ vĩnh hằng dưới bóng hàng dương, người trở về đã an phận với thiên chức ông, bà và tảo tần cùng con cháu chăm lo cuộc sống riêng tư. Nhưng còn đó nhiều câu chuyện liên quan đến chiến tranh chưa biết đến bao giờ có hồi kết, như chuyện về những liệt sĩ “đột ngột” trở về sau bao năm thờ cúng. Chuyện về những liệt sĩ vô danh, và còn có câu chuyện hy hữu liên quan đến số phận một con người, như trường hợp CCB Lưu Sĩ Mùi, xóm Dưới I, xã Văn Yên (Đại Từ).
Trận bom năm đó, nhiều đồng đội tôi bị bom phạt, cắt, vùi dập không còn hình hài nguyên vẹn. Bản thân tôi may mắn không bị bom thù cướp đi mạng sống, nhưng tơi tả, rách dưới, bê bết máu của tôi trộn cùng máu đồng đội. Tất cả quân tư trang, giấy tờ của một quân nhân đơn vị quy định mang bên người mất hết. Có lẽ vì bị bom “nhào trộn” nên nhiều đồng đội tôi trở thành liệt sĩ vô danh. Và không biết nên buồn, hay nên vui khi một đồng đội của tôi hy sinh, trên bia mộ lại mang tên tôi - người đang sống.
Câu chuyện ông kể lại cho chúng tôi nghe về chiến tranh, về sự tàn khốc của bom đạn chết chóc cứ rời rạc, có gì đó xa ngái, buồn man mác như hơi lạnh từ thượng rừng Tam Đảo ào về. Ông ngồi đó, một lão nông vô tư, liên tục kéo thuốc lào để giấu niềm cảm xúc của thời trai trẻ. Ông sinh ngày 20-7-1954, trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố ông là đảng viên, có một dạo được bầu làm Trung Đội trưởng dân quân của xã Văn Yên. Nhà có 2 anh em, ông Mùi là con cả, nên khi đang học dở lớp 7 (hệ 10 năm), ông tình nguyện nhập ngũ, khi đó ông 17 tuổi.
Sau 6 tháng huấn luyện chiến sĩ đặc công ở Sơn Tây (Hà Nội), ông cùng các tân binh di chuyển lên tỉnh Hòa Bình và chờ bổ sung, tăng cường chi viện sức người cho mặt trận miền Nam và bên nước bạn Lào. Mùa khô năm 1972, ông cùng đơn vị hành quân đến tỉnh Quảng Bình bằng xe cơ giới, rồi bắt đầu cuộc hành quân bằng đôi chân của mình, gần một tháng băng rừng, vượt dốc, nếm trải những muỗi mòng, sốt rét ác tính và thú dữ rình rập thì đến đất Thượng Lào. Chưa kịp nghỉ ngơi thì bom thù trút xuống.
Sau 3 tháng nằm điều trị vết thương ở Quân y viện, ông được đưa về hậu cứ, làm vệ binh tại Trường Sỹ quan đặc công ở tỉnh Hòa Bình. Dù thân mang thương tật, nhưng chưa bao giờ ông ta thán, phàn nàn làm ảnh hưởng đến tâm lý của đồng chí, đồng đội. Vì thế ông được bạn bè quân ngũ nể mến. Tháng 12-1977, ông xuất ngũ, trở về địa phương. Hành trang mang theo là quân tư trang gói ghém trong ba lô khoác vai và vết sẹo cắt ngang phía cằm dưới. Giấy chứng thương ghi: Mất 62% sức khỏe. Nhưng về nhà “nằm chưa ấm giường”, ông tình nguyện tái ngũ (1978). Được cử đi học tại Trường Sỹ quan đặc công ở Chu Lai.
Trong đợt thực tập tốt nghiệp của khóa học, đơn vị xắp xếp tiểu đội của ông vào ở nhờ nhà của vợ Đại đội trưởng Nguyễn Duy Hiến. Đây là một tình cờ (Ông Mùi khẳng định). Trận bom đó, anh Hiến hy sinh trên tay tôi… Trong suốt thời gian gần 1 tháng ở đây, đêm nào tôi cũng thấy anh đứng bên đầu giường. Có lần trong giấc ngủ, tôi nghe loáng thoáng lời anh: Chú có nhớ không, đơn vị đang chuẩn bị ăn cơm trưa thì “chúng nó” đánh bom. Tớ bị dính ngay loạt bom đầu. Thấy chú lay gọi, nhưng lúc đó tớ đã đi rồi. Trận đó, tớ cùng nhiều anh em khác sau khi hy sinh, còn bị loạt bom tiếp theo vùi sâu trong đất, gần chục ngày sau đồng đội mới tìm được.
Nhiệm vụ lại kéo ông và đồng đội ra mặt trận biên giới phía Bắc. Ông được giao nhiệm vụ làm Đại Đội trưởng của C7, D2, E 183 thuộc Sư đoàn 322 (Quân Khu I). Tháng 12-1987, lần nữa ông hoàn thành nhiệm vụ của một quân nhân, trở về với gia đình bên chân núi Tam Đảo, cùng vợ, con làm lụng công việc đồng áng. Nhưng lòng day dứt vì ở nghĩa trang Trường Sơn, có một nấm mộ, trên bia đá ghi đích danh họ tên ông, thời gian hy sinh trùng khớp với ngày đơn vị bị máy bay địch đánh bom.
Dù không có điều kiện vào đó “thắp cho mình nén hương”, song đồng đội của ông về thăm lại chiến trường xưa, khi thắp nén trầm thơm cho các đồng chí mình nằm lại dưới hàng dương, đều chung thắc mắc: Vì sao bia mộ của liệt sĩ lại mang tên người đang sống. Nhiều bạn đồng ngũ với ông không tin, nên cất công vào nghĩa trang Trường Sơn để tận mắt thấy, đã khóc: Mùi ơi, sao mày đang sống sờ sờ ra đấy, mà hằng ngày những người sống lại khói hương cầu cho vong linh mày được vĩnh hằng an nghỉ.
Nhiều đêm không ngủ, ông nghĩ suy đến thẫn thờ về người đồng đội hy sinh mang tên mình. Tôi mong mỏi một ngày nào đó, các cơ quan chức năng Nhà nước tìm lại được tên anh, người liệt sĩ đang nằm trong lòng đất mẹ. Và để những người sống không thắp hương, gọi tên tôi mỗi ngày. Và tận khi chia tay, ông tiễn chúng tôi ra cổng rồi mới kể: Tôi có 5 người con đều đã yên bề gia thất. Hôm rồi, con gái út là Lưu Thị Loan, công tác tại Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh cùng bè bạn đi thăm nghĩa trang Trường Sơn (Quảng Trị), về nhà Ngoan kể: Mộ chí mang tên bố được xây rất đẹp, con đã thắp lên đó một nén nhang, nhưng không biết khấn như nào cho phải đạo hiếu kính với người đã vì Tổ quốc hy sinh.
Vâng! Cũng tại chiến tranh - Cũng bởi chiến tranh và còn bởi chính chúng ta, những người đang sống chưa làm tròn trách nhiệm với người đã vì Tổ quốc hy sinh. Đã để một người con, một liệt sĩ nằm trong lòng đất mẹ ngậm ngùi khi phải mang trên mộ phần dòng tên của một người đang sống. Và để người đang sống lại có tên cho người nằm trong mộ.