“Bong bóng” bất động sản

10:06, 09/08/2018

Thời gian gần đây, tình trạng “bong bóng” bất động sản (BĐS) trên thị trường đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng lộ rõ. Nhiều nhà đầu cơ với các chiêu trò tinh vi đã cố tình tạo “cơn sốt ảo” về giá đất, nhất là đất nền để kiếm lợi. Nếu không tỉnh táo, ngay cả nhà đầu tư lướt sóng cũng bị mắc bẫy.

Mấy ngày gần đây, thị trường BĐS Thái Nguyên trở nên sôi động với các thông tin gây sốt trên mạng xã hội, rằng giá đất nền ở một số dự án khu dân cư, khu đô thị đang tăng chóng mặt. Thông tin này ngay lập tức được các nhà đầu tư BĐS và đông đảo người dân quan tâm, khiến thị trường biến động mạnh. Tuy nhiên, thực tế lại không phải vậy, đây chỉ là “cơn sốt ảo” mà một số nhà đầu cơ cố tình làm quá để đẩy giá đất lên cao nhằm giải quyết khó khăn và thu lợi. Việc Thái Nguyên “sốt giá ảo” BĐS một phần do trào lưu đẩy giá tại một số địa phương dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như: Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang) và một số vùng quy hoạch mở rộng địa giới hành chính. Chính cơn sốt này đã và đang gây tác hại cho thị trường bất động sản, làm lệch dòng tiền đầu tư và có thể sẽ gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư thứ cấp.

Tại sao nhà đầu cơ lại có thể dễ dàng tạo ra “cơn sốt ảo” trên thị trường BĐS? Tìm hiểu thực tế, chúng tôi nhận thấy, điều kiện quan trọng để tạo ra cơn sốt xuất phát từ chính sự tăng trưởng kinh tế tích cực và mở rộng quy hoạch, phát triển đô thị của mỗi địa phương. Với tỉnh ta, thời gian gần đây sau khi T.P Thái Nguyên chính thức được phê duyệt quy hoạch điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, thu hút một số dự án BĐS quy mô lớn như: Dự án Đô thị hai bờ sông Cầu, Dự án đường Bắc Sơn kéo dài, đường Việt Bắc, khu đô thị Kosy… và các dự án dân cư, đô thị khác, thị trường BĐS trở nên sôi động hơn. Mặt khác, do nhu cầu mua đất làm tài sản hoặc đầu tư được nhiều người dân ưa chuộng. Tâm lý mua đất như một kênh an toàn để tích lũy đối với mỗi gia đình dẫn đến nhu cầu mua đất ngày càng cao.

Tuy nhiên, trước thực tế có hàng nghìn lô đất nền được quy hoạch và rao bán, thị trường BĐS của tỉnh trở nên mất cân đối. Trong khi nguồn cung nhiều thì nhu cầu thực về mua đất làm nhà của người dân lại thấp. Bởi thế, nhà đầu tư sau khi đã bỏ một lượng lớn tiền đầu cơ mà giá đất tăng không đáng kể dẫn đến tình trạng nợ nần, khó khăn tài chính, nên buộc phải dùng chiêu trò “cơn sốt ảo” để thu hồi vốn và kiếm lời. Theo các chuyên gia, hiện đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp BĐS, trong đó có cả giới đầu cơ, đầu nậu, cò buôn đất chuyên nghiệp tham gia làm giá, thổi giá và tạo sóng.

Thực tế trên đòi hỏi vai trò quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương càng cần phải được quan tâm hơn nữa nhằm ổn định thị trường BĐS. Một khi cơ quan chức năng kịp thời nắm bắt và xử lý thì chắc chắn hiện tượng đẩy giá ảo của thị trường hoàn toàn có thể hạn chế và kiểm soát được. Các biện pháp cần tập trung chính là ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, đồng thời kiểm soát việc phân lô bán đất nền trái quy định. Cùng với đó, thông tin kịp thời bảng giá đất theo quy định trên các kênh truyền thông để toàn dân được biết…

Các chuyên gia khuyến cáo, nhà đầu tư có thể cân nhắc lựa chọn những khu vực có vị trí và quy hoạch tốt, tính pháp lý rõ ràng, tránh mua theo tâm lý đám đông hoặc tin đồn trên mạng xã hội. Không nên ưu tiên lợi nhuận, xem nhẹ giá bán và tính pháp lý để rồi phải chịu rủi ro cao. Với người mua để ở, cần xem xét lựa chọn kỹ lưỡng vị trí phù hợp với nhu cầu và phải đảm bảo tính pháp lý. Nếu không có nhu cầu sử dụng ngay, có thể tạm dừng để quan sát, thăm dò hoặc tìm chuyên gia tư vấn rồi mới đưa ra quyết định cuối cùng. Như vậy, mới tránh được sai lầm, không rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, rước lo vào người.