Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam

10:43, 09/08/2018

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng có những nỗi đau vẫn hiện diện giữa thời bình, trong đó có nỗi đau mang tên da cam. Nỗi đau ấy không chỉ gây đau đớn trên thân thể của mỗi nạn nhân, mà còn hằn sâu trong khóe mắt của những người mẹ, người vợ…

Năm 1969, ông Hà Quang Vinh, xóm Cây Xanh, xã Quyết Thắng, T.P Thái Nguyên xung phong lên đường nhập ngũ, tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Năm 1972, xuất ngũ trở về địa phương, ông kết duyên với bà Hoàng Thị Nụ, niềm vui tràn ngập khi ông bà lần lượt đón 4 đứa con ra đời. Nhưng, chất độc màu da cam đã khiến niềm hạnh phúc của ông, bà không trọn vẹn. Đứa con gái đầu tên là Hà Thị Tuyết Mai, lúc mới sinh khỏe mạnh, bình thường, nhưng càng lớn, càng có những biểu hiện lạ: ú ớ không nói được gì ngoài hai từ bố và mẹ, hay đập phá đồ dùng trong nhà hoặc đi tha thẩn khắp xóm, đi khám, bác sĩ kết luận Mai mắc bệnh động kinh. Bệnh khiến Mai bị chết hụt nhiều lần do cầm dao thách thức cả nhà hoặc nhảy vào đống lửa. Gia đình đã đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng bệnh không có dấu hiệu thuyên giảm. Suốt mấy chục năm qua, bà Nụ không dám rời con đi đâu, bởi tất cả sinh hoạt của chị Mai đều phải trông chờ vào người khác. Hai đứa con sinh đôi tiếp theo cũng mắc bệnh, qua đời khi chưa đầy tuổi. Người con trai út là Hà Văn Quang đã lập gia đình, song hay ốm và bị bệnh rối loạn tuần hoàn não…

Ông Vinh là nạn nhân chất độc màu da cam và là thương binh hạng 4/4. Mỗi khi trái gió trở trời, vết thương cũ lại hành hạ, khiến ông gần như kiệt sức. Ông nói: Nhìn hoàn cảnh gia đình mình như vậy, nhiều lúc chúng tôi cũng thấy tủi thân, nhưng được sự quan tâm chia sẻ của các cơ quan, đoàn thể, làng xóm, vợ chồng tôi lại động viên nhau cùng cố gắng vượt qua nỗi đau. Được biết, ngoài hưởng chế độ da cam hàng tháng với ông và 2 người con, thì từ năm 2006 đến nay, gia đình ông đã 3 lần được các cấp, ngành trong tỉnh hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà.

Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên có 10.500 nạn nhân nhiễm chất độc da cam. Trong đó, nạn nhân trực tiếp là hơn 9.000, còn lại là nạn nhân gián tiếp. Những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực để chăm sóc, hỗ trợ các đối tượng này như: thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, Tết; hỗ trợ làm nhà mới, sửa chữa nhà; hỗ trợ vốn sản xuất, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí… Năm 2017, Hội tổ chức chương trình “Vinh danh những tấm lòng vàng vì các thương bệnh binh và nạn nhân nhiễm chất độc da cam” nhằm ghi nhận công lao của những người chăm sóc, phục vụ nạn nhân nhiễm chất độc da cam, đồng thời vận động quỹ được 600 triệu đồng. Ngoài ra, các cấp Hội còn giới thiệu những hoàn cảnh nạn nhân nhiễm chất độc da cam khó khăn lên các cơ quan báo chí và trang mạng xã hội để kêu gọi giúp đỡ. Điển hình như trường hợp của bà Nguyễn Thị Như (80 tuổi), xã Trung Thành (T.X Phổ Yên) một mình nuôi 7 người con, cháu nạn nhân chất độc da cam.

Sau khi hoàn cảnh gia đình bà được thông tin trên  Báo Thái Nguyên, trang facebook của Hội đã được các cơ quan, nhà hảo tâm giúp đỡ 600 triệu đồng ủng hộ. Hội cũng tích cực giới thiệu và vận động các đơn vị, cá nhân giúp đỡ lâu dài nạn nhân chất độc da cam theo chủ đề “Mỗi địa chỉ một tấm lòng”. Từ đầu năm đến nay, đã có 6 gia đình nạn nhân nhận được sự giúp đỡ, điển hình như: Lữ đoàn Phòng không 210 (Quân khu 1) và Hội Làm vườn tỉnh giúp đỡ gia đình nạn nhân Nguyễn Trọng Hợp, xã Tân Quang (T.P Sông Công); Khoa Tiếng Đức (Đại học Hà Nội) giúp đỡ gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Tuân, phường Đồng Quang, T.P Thái Nguyên; Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh giúp đỡ gia đình bà Hoàng Thị Hằng, xã Động Đạt (Phú Lương). Tính từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tặng trên 7.000 suất quà, hàng trăm bộ sách, vở đồ dùng cho nạn nhân và con, cháu nạn nhân; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 30 nhà; hỗ trợ bệnh hiểm nghèo cho 14 nạn nhân; 100 gia đình nạn nhân được vay vốn sản xuất, chăn nuôi, xóa đói giảm nghèo.

Ông Hoàng Đức, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh cho biết: Để việc giúp đỡ nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn, đúng đối tượng, đúng địa chỉ và đúng nhu cầu, đạt hiệu quả, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động trước, sau đó tổ chức khảo sát số lượng gia cảnh nạn nhân; phối hợp với Hội Cựu chiến binh, Hội Chữ thập đỏ và các cơ quan liên quan trong việc chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân. Ngoài ra, Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền Chỉ thị số 43/CT - TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam” đến cán bộ, hội viên, quần chúng nhân dân. Qua đó, vận động cộng đồng xã hội cùng chung tay ủng hộ, chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân.

Những hoạt động trên là sự an ủi, động viên rất lớn đối với các nạn nhân chất độc da cam, song vẫn còn con, cháu nạn nhân, những người mẹ, người vợ chưa được hưởng chế độ vì nhiều lý do khác nhau; nhiều gia đình nạn nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn đang mong muốn nhận được sự giúp đỡ. Bởi thế, cần lắm sự tiếp tục chung tay của cả cộng đồng để xoa dịu nỗi đau da cam.