Những năm gần đây, tận dụng nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào từ rừng trồng tại địa phương, nhiều hộ dân ở Định Hóa đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị để phát triển nghề chế biến lâm sản. Đây đang được coi là nghề mang lại thu nhập cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay vấn đề đảm bảo an toàn lao động tại các cơ sở chế biến lâm sản vẫn chưa được các chủ cơ sở và người lao động quan tâm đúng mức.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Định Hóa hiện có trên 100 cơ sở chế biến lâm sản, chủ yếu là các cơ sở bóc gỗ, sơ chế gỗ băm, sản xuất gỗ ván ép và xưởng mộc. Trung bình mỗi năm, các cơ sở này sản xuất trên 100 nghìn m3 gỗ các loại, với doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động tại địa phương. Mặc dù lợi ích kinh tế mà các cơ sở chế biến lâm sản mang lại cho người dân là rất lớn song đây cũng là ngành nghề tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao nếu như người lao động không coi trọng vấn đề đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất. Thực tế đã có không ít những vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Định Hóa trong thời gian vừa qua.
Điển hình là trường hợp của chị Đoàn Thị Hoa, trú tại thôn 3, xã Phú Tiến. Cuối năm 2017, chị Hoa đi làm thuê tại một cơ sở sơ chế gỗ băm trên địa bàn xã. Trong lúc đưa gỗ vào máy băm, chị đã bị máy cuốn đứt cánh tay bên phải. Sau một thời gian dài điều trị tại bệnh viện với chi phí tốn kém hàng chục triệu đồng. Đến nay, sức khỏe của chị đã cơ bản ổn định nhưng chị phải gánh chịu thương tật vĩnh viễn và gần như không còn khả năng lao động. Dù đã gần 1 năm trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại tai nạn mà mình gặp phải chị Hoa vẫn chưa hết bàng hoàng và sợ hãi. Chị kể lại: “Khi được nhận vào làm tại xưởng băm gỗ, tôi chỉ nhìn người ta làm rồi làm theo chứ đâu có được đào tạo ngày nào! Nếu biết trước công việc nguy hiểm thế này thì tôi đã chẳng dám làm…”.
Mới đây nhất là trường hợp tai nạn của anh Ma Văn Hùng, trú tại xóm Bản Mới, xã Kim Phượng. Đầu tháng 3-2018, trong lúc làm việc tại cơ sở bóc gỗ ở địa phương, anh Hùng đã bị máy cưa phạt đứt 3 ngón tay khiến anh phải đi cấp cứu và điều trị tại bệnh viện mất gần 1 tháng, chi phí điều trị tốn kém hơn chục triệu đồng. Ngoài 2 trường hợp nêu trên, còn không ít những trường hợp tai nạn đáng tiếc khác đã xảy ra tại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn huyện Định Hóa trong thời gian qua. Đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính xác, tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, số vụ tai nạn trong lĩnh vực sản xuất và chế biến lâm sản luôn ở mức cao hơn so với một số ngành nghề khác.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn như vậy, song qua khảo sát tại một số cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Định Hóa, chúng tôi nhận thấy hầu hết các chủ cơ sở và người lao động vẫn còn rất chủ quan, lơ là đối với việc đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất. Tại cơ sở chế biến gỗ của anh Hoàng Ngọc Hòa, xóm Túc Duyên, xã Quy Kỳ, hơn chục lao động đang xẻ gỗ tại đây hầu hết đều không đeo găng tay, khẩu trang, không đội mũ bảo hộ, thậm chí có lao động còn đi chân trần trong quá trình làm việc. Tương tự tại cơ sở bóc gỗ của anh Nguyễn Thế Hùng, ở thôn An Thịnh 1, xã Đồng Thịnh có 10 công nhân đang làm việc, tuy nhiên, không có người nào mang đồ bảo hộ. Bên những cỗ máy cắt gỗ xoèn xoẹt, người lao động đều đặn đặt từng cây lớn vào cưa máy rồi phân thành đoạn có kích thước đều nhau trước khi đưa vào máy bóc. Tiếp đó, các lao động dùng lưỡi dao sắc lẹm phạt loại bỏ phần gỗ xấu để phân loại… Từng đôi tay trần thoăn thoắt đưa gỗ vào máy bóc, tiếng máy gầm réo khô khan, xẻ khúc gỗ thành những tấm ván mỏng tang, khiến chúng tôi không khỏi rùng mình. Làm việc với máy móc sử dụng điện, có nhiều dao, lưỡi cưa cắt sắc lẹm nên chỉ cần một phút lơ là, mất cảnh giác, người lao động có thể phải trả giá, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng, thế nhưng, dường như họ đã quá quen với việc này nên chẳng ai tỏ ra lo lắng, sợ sệt. Ông Ma Đăng Tuyên, thôn Đồng Bo, xã Đồng Thịnh cho biết: “Nhiều năm làm nghề bóc gỗ thuê, tôi đã chứng kiến không ít vụ tai nạn xảy ra, nhẹ thì xây xát chân tay, nặng thì cụt cả ngón tay, bàn tay… Đôi khi cũng thấy sợ, nhưng vì nhà đông người lại chỉ trông vào mấy sào ruộng nên tôi phải gắng làm dù biết nghề này rất rủi ro”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Định Hóa hầu hết đều là người dân địa phương. Trước đây, họ vốn chỉ quen “tay cày, tay cuốc” nhưng từ khi các cơ sở chế biến lâm sản phát triển mạnh thì những người nông dân “chân lấm tay bùn” này bỗng dưng trở thành công nhân thời vụ. Cũng vì thế mà khi vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, hầu như họ không được đào tạo về chuyên môn cũng như không được trang bị những kiến thức cơ bản về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động. Mặt khác, qua khảo sát tại các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện, hầu hết các chủ cơ sở đều cho biết chưa từng có cơ quan chức năng nào đến kiểm tra hay xử lý về vấn đề đảm bảo vệ sinh an toàn lao động. Mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, song các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn huyện Định Hóa vẫn thu hút rất đông lao động vào làm việc. Bởi lẽ, trung bình mỗi tháng người lao động tại đây được trả lương từ 5-7 triệu đồng/người, cao gấp 2,5-3 lần so với làm nông nghiệp.
Hiệu quả kinh tế mà các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản đem lại cho người dân thì đã rõ. Tuy nhiên, trước những nguy cơ mất an toàn lao động tại những cơ sở này, thiết nghĩ, thời gian tới, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và yêu cầu các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản tuân thủ nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; kiên quyết xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ cơ sở đối với tính mạng của người lao động; đồng thời, mở các lớp tập huấn, đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình vận hành các loại máy móc để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.