Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ hiện có hơn 45 nghìn người dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm trên 50% dân số của huyện. Những năm gần đây, địa phương đã huy động mọi nguồn lực hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế; đồng thời chú trọng bảo tồn, phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng lên, từng bước giảm nghèo bền vững.
Một trong những chương trình hỗ trợ đồng bào DTTS được triển khai thực hiện hiệu quả trên địa bàn huyện Đồng Hỷ thời gian qua là Chương trình 135 (Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi). Từ đó đã góp phần quan trọng nâng cao đời sống của bà con thông qua việc hỗ trợ, đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất ở những xã, xóm đặc biệt khó khăn.
Xóm Thịnh Đức 2, xã Văn Hán là 1 trong 54 xóm của huyện được Chương trình 135 đầu tư, hỗ trợ nên đời sống của bà con đã có nhiều thay đổi. Xóm có 120 hộ với 473 nhân khẩu, trong đó trên 80% là đồng bào DTTS (như Cao Lan, Nùng, Dao, Mường...). Ông Lăng Văn Trọng, Trưởng xóm cho biết: Nhờ có các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước (như đầu tư làm đường bê tông liên xóm; hỗ trợ mua giống cây trồng, phân bón, nông cụ sản xuất…) nên bà con đã có thêm điều kiện phát triển sản xuất, đời sống từng bước được nâng lên. Nếu như năm 2016, trong xóm có 51 hộ nghèo, chiếm 42,5% số hộ thì đến cuối năm 2017, hộ nghèo chỉ còn 33 hộ, chiếm 27,5% tổng số hộ trong xóm. Hiện nay, trên 98% các gia đình có ô tô, xe máy đi lại, 100% có phương tiện nghe nhìn... Gia đình ông Hứa Văn Thập là 1 trong 10 hộ mới thoát nghèo năm 2017 của xóm Thịnh Đức 2. Ông Thập vui vẻ chia sẻ: Gia đình tôi được tham gia các lớp tập huấn trồng và sản xuất chè; chăm sóc lúa lai và được hỗ trợ mua nông cụ là tôn quay, máy vò chè phục vụ sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn được vay 20 triệu đồng từ các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư mở rộng diện tích chè và nuôi thêm gà thả vườn vào năm 2016. Hiện tại, thu nhập của gia đình tôi từ lúa, chè và chăn nuôi đạt khoảng 40 triệu đồng/năm, thoát được nghèo.
Cùng với người dân ở xóm Thịnh Đức 2, nhờ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đời sống của đồng bào DTTS ở huyện Đồng Hỷ cũng đang dần được nâng lên. Ngoài Chương trình 135, nhiều chương trình, chính sách khác như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, già làng, trưởng xóm khó khăn, gia đình chính sách ở các xã ATK, xã đặc biệt khó khăn; chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS; chính sách cho vay vốn, nhà ở, đất sản xuất… cũng được triển khai nhằm tiếp thêm sức cho đồng bào nâng cao đời sống. Cụ thể, trong 2 năm 2016 và 2017, các chương trình, chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất như: Chương trình 135; Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013, Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 2037/QĐ-UBND ngày 16/92014 của UBND tỉnh; Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg ngày 04/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Dự án cấp điện nông thôn tỉnh giai đoạn 2016-2020… đã được các cấp, ngành của huyện triển khai thực hiện hiệu quả. Tổng kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất từ các chính sách này là trên 10 tỷ đồng. Qua đó, trên 6.300 lượt hộ nghèo, cận nghèo của huyện đã được hỗ trợ mua được máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản như: Máy cắt cỏ, máy bơm nước, bình phun thuốc sâu, máy tuốt lúa, tôn quay, máy tách ngô và giống cây trồng, vật nuôi, phân bón... Gần 700 hộ nghèo đặc biệt khó khăn đang vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất với lũy kế vốn gần 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trên 2,4 nghìn lượt học sinh ở các xã, xóm đặc biệt khó khăn cũng được nhận hỗ trợ kinh phí học tập gần 3 tỷ đồng và trên 96 tấn gạo…
Xác định tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển giao thông, thủy lợi là yếu tố quan trọng để hỗ trợ bà con vươn lên phát triển kinh tế, huyện Đồng Hỷ cũng vận dụng linh hoạt các chính sách. Từ đó huy động được trên 60 tỷ đồng để thực hiện 49 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng, đường, lớp học, nhà văn hóa, công trình nước sạch… để hỗ trợ bà con vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn đẩy nhanh xóa đói, giảm nghèo. Qua đó, hệ thống đường, điện, trường học, trạm y tế đều được nâng cấp. Tất cả các xã, xóm trên địa bàn đều có đường giao thuận lợi đến trung tâm ngay cả các xóm khó khăn nhất như Bản Tèn, xã Văn Lăng, xóm Mỏ Ba, xã Tân Long cũng đã có đường ô tô đi lại được, đảm bảo cho giao thương hàng hóa, góp phần thúc đẩy sản xuất…
Song song với hỗ trợ phát triển kinh tế, huyện cũng đã chú trọng đến việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của đồng bào. Qua đó, văn hóa truyền thống của các dân tộc được bảo tồn và phát huy. Hiện, toàn huyện có 30 câu lạc bộ văn nghệ gồm các câu lạc bộ hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; hát Sli của dân tộc Nùng; khèn của dân tộc Mông, múa Tắc Xình của dân tộc Sán Chay… hoạt động thường xuyên. Huyện cũng đã tổ chức thành công các ngày hội văn hóa dân tộc Mông nhằm tôn vinh nét đẹp truyền thống của dân tộc Mông trên địa bàn qua đó, tạo động lực cho bà con vươn lên phát triển kinh tế…
Qua việc triển khai có hiệu quả các chính sách trên, đến nay, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Đồng Hỷ đã có nhiều chuyển biến tích cực: Cơ cấu cây trồng vật nuôi dần chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi ngày càng được nhân rộng đã góp phần làm tăng thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống đáng kể. Nếu như số hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều năm 2016 là 8.292 hộ thì đến năm 2017 giảm xuống còn 7.988 hộ. Như vậy trong 2 năm 2016 và 2017, toàn huyện đã giảm được 3,66% hộ nghèo và cận nghèo. Ông Phạm Quang Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thời gian tới, để tiếp tục nâng cao đời sống cho đồng bào người DTTS trên địa bàn, chúng tôi sẽ tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xóm, xã đặc biệt khó khăn để giảm bền vững tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo; khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của từng vùng; phát huy nội lực, tinh thần tự lực của đồng bào các dân tộc, đồng thời tranh thủ tối đa sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, của Tỉnh và sự giúp đỡ của các doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.