Xứng đáng với niềm tin của cộng đồng

09:33, 08/08/2018

Học và làm theo Bác là việc tưởng khó nhưng với nhiều người biết vận dụng lại rất gần gũi và dễ thực hiện. Quan trọng hơn là nhờ đó, mỗi người thấy bản thân mình đang từng ngày hoàn thiện và sống có ích. Cách làm của những người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số mà chúng tôi nêu dưới đây là ví dụ sinh động.  

Ở xóm Chiến Thắng, xã Yên Lãng (Đại Từ), mọi người thường nhắc đến bà Nông Thị Hòa, dân tộc Tày (sinh năm 1960) như một tấm gương của sự tận tụy. Nhiều năm làm phong trào đoàn thể, rồi Tổ trưởng Tổ vay vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội, ở cương vị nào bà cũng tích cực và trách nhiệm, đóng góp vào sự phát triển kinh chung ở địa phương.

Vinh dự được bầu là người có uy tín trong cộng đồng, bà Hòa luôn tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Tuyên truyền vận động người dân thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy ước, hương ước của xóm; tham gia các buổi tập huấn khoa học kỹ thuật, sử dụng nguồn vốn vay hợp lý để phát triển kinh tế. Đặc biệt, bà Hòa trực tiếp tuyên truyền trong cộng đồng dân cư về tác hại của ma túy, rượu bia, nạn cờ bạc, đoàn kết bảo vệ an ninh trật tự công cộng. Là thành viên của Ban Công tác mặt trật xóm, bà Hòa cũng tích cực vận động mọi người hiến đất và đóng góp xây dựng các công trình tập thể. Tính từ năm 2016 tới nay, xóm Chiến Thắng xây dựng được 4 tuyến đường bê tông với tổng chiều dài gần 500m; đóng góp ngày công và tiền xây dựng nhà văn hóa, kênh mương nội đồng, cổng làng và đường điện thắp sáng các trục đường. “Dù ở vị trí nào, tôi đều tâm niệm phải hoàn thành tốt công việc, xứng đáng với sự tín nhiệm của bà con” - bà Hòa chia sẻ.

Với vai trò là Trưởng nhóm Tin lành ở xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ), anh Hồng Văn Dình cũng luôn có suy nghĩ phải đi trước làm gương. Trước hết là vận động bà con dân tộc Mông tham gia sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định của Nhà nước. Cùng với đó, anh còn tích cực lao động sản xuất, giúp bà con phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Để nêu gương, anh mạnh dạn tiên phong mua sắm máy cày, máy gặt tay để phục vụ sản xuất, giảm công lao động; trồng thêm ngô, trồng rừng. Về chăn nuôi, gia đình xây chuồng chăn nuôi lợn, nuôi trâu sinh sản, động viên anh em trong xóm cùng chuyển đổi mô hình kinh tế.

Nét văn hóa của người Mông ở Mỏ Ba được giữ gìn có sự đóng góp lớn của anh Hồng Văn Dình. Là người có uy tín trong cộng đồng, anh luôn vận động bà con duy trì ngôn ngữ, bảo tồn nét truyền thống về trang phục, cũng như xây dựng nếp sống văn hóa mới. Những năm gần đây, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên ở Mỏ Ba đã giảm rõ rệt. Trong năm 2017 vừa qua, xóm Mỏ Ba được Nhà nước hỗ trợ đổ bê tông 4km đường giao thông, người dân đồng thuận hiến hơn 1.000m2. Hỏi về kinh nghiệm vận động người dân, anh Dình nói mộc mạc: “Muốn bà con đồng thuận nghe theo thì bản thân phải gương mẫu, từ đó xây dựng tập thể xóm đoàn kết, thống nhất. Ngoài ra, khi triển khai những công trình tập thể phải rõ ràng, dân chủ để mọi người đều được tham gia bàn bạc và thực hiện”.

Là người có uy tín trong cộng đồng, ông Trần Đức Thành, ở tiểu khu Dộc Mấu, thị trấn Đu (Phú Lương) cho rằng: Và làm kinh tế giỏi cũng là một cách nêu gương, đồng thời có điều kiện giúp đỡ mọi người nhiều hơn.

Ông Thành sinh năm 1960, từng có 4 năm tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Trở về địa phương năm 1982, ông luôn nung nấu quyết tâm làm giàu trên chính vườn bãi quê mình. “Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một địa phương thuần nông, chủ yếu dựa vào cây lúa và rừng. Một vài năm gần đây mới phát triển mạnh cây chè và chăn nuôi. Sau nhiều năm tìm tòi nghiên cứu, tôi nhận thấy phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tập trung, gắn với thực hiện tốt thú y và ứng dụng khoa học kỹ thuật là hướng đi đúng và bền vững” - ông Thành nói.

Nhờ tích cực tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông Thành nắm được kiến thức cơ bản về chăn nuôi. Năm 2007, gia đình bắt đầu đầu tư chăn nuôi lợn với quy mô chỉ 10 lợn nái. Dần dần thấy hiệu quả nên ông phát triển đàn nhiều hơn và ổn định ở mức 40 lợn nái, 200 lợn thịt, cung cấp hơn 200 lợn giống mỗi lứa. Trang trại chăn nuôi của ông xây dựng quy củ, được cấp phép theo quy định và trang bị phương tiện, điều kiện đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện nay, gia đình sử dụng 2 hệ thống biogas, dung tích 20m2 và 50m2. Ngoài nuôi lợn, còn kết hợp chăn thả cá trên diện tích ao 360m2, gieo cấy trên 1 mẫu ruộng và 1,5ha rừng trồng. Trung bình mỗi năm, mô hình trang trại kết hợp này cho thu nhập trên 200 triệu đồng đã trừ chi phí. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Trần Đức Thành còn tích cực tham gia và vận động nhân dân tiểu khu như giữ gìn an ninh trật tự; xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Với những hộ có nhu cầu chăn nuôi, ông sẵn sàng cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật, thậm chí cho vay vốn không lấy lãi để phát triển kinh tế.

Cùng chung suy nghĩ như ông Thành, nên dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông Mưu Văn Chính, dân tộc Sán Dìu, ở xóm Sim Lồng, xã Phúc Thuận (T.X Phổ Yên) vẫn không ngừng lao động sản xuất, là tấm gương sáng cho con cháu và bà con lối xóm noi theo.

Nói về thành tích trong phát triển kinh tế, nhiều người đều nể phục về tấm gương của ông Mưu Văn Chính. Gia đình ông hiện có 4 lao động chính, với gần 8.000m2 đất sản xuất. Với đức tính cần cù, ham lao động, ông đã khiến vùng đất sỏi đá ở miền quê Sim Lồng phải đơm trái ngọt. Ông là một trong những người tiên phong ở xóm đưa giống lúa lai vào sản xuất, đạt năng suất hơn 2,3 tạ/sào. Hơn 6 năm trước, gia đình ông đã chuyển đổi toàn bộ hơn 2.000m2 diện tích từ chè hạt sang trồng chè giâm cành. Hiện, năng suất chè mỗi lứa đạt 20kg búp khô/sào, mỗi năm thu khoảng 170 triệu đồng. Với diện tích đất vườn còn lại, ông trồng 80 cây nhãn ghép và 120 cây bưởi Diễn, vườn cây ăn quả này mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Chính với vai trò là người uy tín, Phó Ban công tác mặt trận, Chi hội trưởng Người cao tuổi của xóm còn cùng với cán bộ, đảng viên còn tích cực tuyên truyền vận động nhân dân phát triển kinh tế. Nhờ vậy, số lượng hộ nghèo và cận nghèo trong xóm đã giảm mạnh, hiển chỉ còn hơn 6%. Sim Lồng cũng huy động được nhân dân đồng thuận thực hiện nhiều công trình hạ tầng như: Nhà văn hóa với tổng trị giá 470 triệu đồng; hiến 1.200m2 đất, đối ứng 30% giá trị để làm 1,2km đường theo tiêu chí nông thôn mới, với tổng kinh phí trên 1,6 tỷ đồng. Hiện nay, 100% đường làng, ngõ xóm ở Sim Lồng đã được bê tông, tình hình an ninh trật tự cũng luôn được giữ vững.

Mỗi người một trọng trách, một công việc nhưng những tấm gương trong bài viết này đều luôn nêu cao tinh trần trách nhiệm, xứng đánh với sự tin yêu của bà con, thực hiện đúng lời Bác Hồ từng dạy “Muốn người ta theo mình phải nêu gương trước”.