Khó khăn giải quyết việc làm cho người khuyết tật

14:55, 12/09/2018

Toàn tỉnh hiện có khoảng 30% trong tổng số trên 25.000 người khuyết tật (NKT) có khả năng lao động. 

Mặc dù nhiều năm nay, tỉnh đã có các chính sách, chế độ quan tâm đến vấn đề tạo việc làm cho NKT, nhưung số lượng NKT có khả năng lao động trên địa bàn tỉnh có việc làm ổn định vẫn còn hạn chế.

Anh Đỗ Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Hùng Thái (Đại Từ) chia sẻ: Hiện nay, Công ty chúng tôi thường xuyên nhận 2-5 NKT làm việc với mức lương trung bình trên 3 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ được nhận vào làm việc, NKT còn được đào tạo, nuôi ăn và bố trí chỗ ở nếu có nhu cầu. Tuy vậy, NKT chỉ làm được những công việc nhẹ nhàng, còn các công việc cần nhiều sức khỏe, yêu cầu làm việc lâu dài, liên tục, họ rất khó có thể đảm nhận.

Còn ông Nguyễn Xuân Tiếp, Giám đốc Công ty TNHH Phát triển việc làm thương binh Thái Nguyên (T.P Thái Nguyên) cho hay: Hiện nay, chúng tôi đang tạo việc làm cho 11 thương binh, 18 nạn nhân chất độc da cam và 4 NKT. Trong đó, NKT đảm nhận công việc dạy nghề. Trung bình mỗi năm, Công ty đào tạo nghề may, thêu cho 25-50 NKT. Tuy nhiên, công tác giới thiệu việc cho NKT sau khi học nghề vẫn còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp không muốn nhận NKT do lo ngại hiệu suất công việc cũng như các chi phí đóng BHXH, an sinh xã hội… cao.

Nói về khó khăn trong giải quyết việc làm cho NKT, ông Phạm Gia Lộc, Chủ tịch Hội NKT T.P Thái Nguyên cho biết: Trên thực tế, trong Hội có nhiều NKT có khả năng lao động, một số có cả trình độ, bằng cấp cao, nhưng vẫn gặp khó khăn khi xin việc làm. Cộng đồng hiện nay vẫn nhìn NKT với con mắt thương cảm, xếp chúng tôi vào nhóm những người cần giúp đỡ chứ chưa đánh giá NKT như những người có khả năng đóng góp cho cộng đồng.

Hiện nay, tỉnh đã có nhiều chính sách ưu tiên dạy nghề, giải quyết việc làm cho NKT, như: đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, định hướng nghề…, tạo điều kiện cho NKT phát huy khả năng của bản thân để ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức lớp dạy các nghề: đan lát thủ công; chế biến chè; điện dân dụng, may… cho NKT. Bên cạnh đó, tỉnh còn thực hiện hỗ trợ kinh phí hoặc cho vay tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách và Xã hội để NKT mua sắm thiết bị, dụng cụ hành nghề sau khi học nghề. NKT cũng sẽ được ưu tiên tư vấn học nghề và việc làm phù hợp với điều kiện sức khỏe, trình độ, khả năng lao động tại các trung tâm dịch vụ việc làm, sàn giao dịch việc làm…

 Không thể phủ nhận những nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc quan tâm, tạo điều kiện cho NKT được hưởng các chế độ, chính sách, bảo trợ xã hội, giúp họ hòa nhập cuộc sống. Nhưng công tác giải quyết việc làm cho NKT vẫn cần sự chung tay của các địa phương trong tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, doanh nghiệp và toàn xã hội đối với NKT giúp hòa hòa nhập cộng đồng và sống có ích cho gia đình và xã hội.